Longform
12/10/2024 21:00
Longform | Doanh nghiệp chung tay 'chắp cánh' hàng Việt

12/10/2024 21:00

Doanh nghiệp sản xuất nỗ lực sản xuất; doanh nghiệp phân phối đẩy mạnh tiêu thụ hàng… Doanh nghiệp đang chung tay 'chắp cánh' cho hàng Việt.
Doanh nghiệp chung tay giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường Doanh nghiệp chung tay sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam

Longform | Doanh nghiệp chung tay 'chắp cánh' hàng Việt

Doanh nghiệp sản xuất nỗ lực cho ra đời các sản phẩm chất lượng; doanh nghiệp phân phối đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam… Hàng Việt Nam đã được chung tay “chắp cánh” tiêu thụ và ngày càng chinh phục niềm tin của người tiêu dùng.

Doanh nghiệp phân phối chung tay tiêu thụ hàng Việt

Mới đây, Trung tâm thương mại và khu đặc sản vùng miền đã được Công ty TNHH Tứ Sơn Châu Đốc khai trương tại TP Châu Đốc – tỉnh An Giang. Đây là điều đặc biệt ấn tượng với những người yêu quý hàng Việt sau hành trình 15 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được triển khai. Bởi trong suốt 15 năm qua, Công ty TNHH Tứ Sơn đóng vai trò vô cùng quan trọng với Cuộc vận động khi đã mở siêu thị đầu tiên tại An Giang (siêu thị Tứ Sơn). Siêu thị thuần Việt này cũng tích cực tham gia triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ngay những năm đầu triển khai với mô hình siêu thị lưu động, đưa hàng Việt về khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu vùng xa... Hiện, tỷ lệ hàng Việt Nam tại siêu thị Tứ Sơn luôn chiếm đến trên 90%.

Trung tâm thương mại và khu đặc sản vùng miền Việt Nam cũng là tâm huyết của ông Tạ Minh Sơn - Giám đốc siêu thị Tứ Sơn sau hơn 10 năm ấp ủ với nhiều nét riêng đặc sắc. Theo đó, Trung tâm đặc sản Việt Nam là nơi tập hợp đặc sản vùng miền, giới thiệu ẩm thực, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP… tạo ra sản phẩm du lịch tiêu dùng phục vụ cho phát triển du lịch, giữ chân du khách khi đến An Giang.

Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn chia sẻ: “Đối với dự án OCOP và đặc sản vùng miền, đây là tâm huyết, mong muốn và khao khát của Siêu thị Tứ Sơn từ rất lâu. Bởi chúng tôi nghĩ, không có gì tự hào hơn việc “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mỗi vùng miền của Việt Nam đều có những nét đặc trưng hàng hóa, lồng ghép vào tính văn hóa ẩm thực và đều khác biệt nhau tạo sản phẩm đa dạng phong phú.

Longform | Doanh nghiệp chung tay 'chắp cánh' hàng Việt

Hiện nay, có trên 36 tỉnh, thành phố có hàng hóa mang tính chất đặc trưng nổi tiếng các địa phương đã có mặt tại Siêu thị Tứ Sơn. Đây là quá trình, kết quả xuyên suốt trên 15 năm Siêu thị Tứ Sơn đã đi từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam để xem xét, lựa chọn sản phẩm, đưa về Siêu thị Tứ Sơn.

Cùng với siêu thị Tứ Sơn, Saigon Coop cũng là doanh nghiệp sở hữu kênh phân phối Saigon Co.op – kênh phân phối thuần Việt luôn ưu tiên tiêu thụ hàng Việt Nam tại hệ thống. Mới đây, Saigon Coop đã khai trương siêu thị Co.opmart Phạm Thế Hiển vào ngày 6/9/2024.

Co.opmart Phạm Thế Hiển là siêu thị thứ 44 tại TP. Hồ Chí Minh, tọa lạc tại chung cư Green River (số 2225 đường Phạm Thế Hiển, P.6, Q.8). Đáng chú ý, siêu thị đã được Saigon Co.op đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm bổ sung thêm địa điểm tham quan và mua sắm tin cậy cho người dân thành phố trong đợt nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9.

Để nâng cao tỉ lệ hàng Việt, Saigon Co.op thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật cho nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất… cải tiến chất lượng, mẫu mã, bao bì phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Bên cạnh đó, Saigon Co.op còn liên kết với một số nhà sản xuất trong nước để đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên kinh doanh các sản phẩm Việt Nam và các đặc sản làng nghề.

Saigon Co.op cũng chú trọng tổ chức nhiều chương trình kích cầu thiết thực nhằm đẩy mạnh hơn nữa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường các chính sách hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tại Việt Nam như: Ưu tiên trong chính sách mua hàng, diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mãi cho các doanh nghiệp hàng Việt… Từ đó, hàng loạt thương hiệu Việt đã tồn tại và phát triển.

Longform | Doanh nghiệp chung tay 'chắp cánh' hàng Việt

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) cho biết, nhiều năm qua Saigon Co.op (đơn vị quản lý mạng lưới siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra…) luôn ưu tiên mua hàng, bố trí diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mại… dành cho hàng Việt. Ngoài ra, Saigon Co.op còn phối hợp với địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật để doanh nghiệp cung ứng đầu tư sản xuất các mặt hàng chất lượng cao cho hệ thống Co.opmart.

Mới đây, Tháng giới thiệu và quảng bá hàng Việt với tên gọi “35 năm Tự hào hàng Việt” do Saigon Co.op triển khai đã chính thức bắt đầu tại 800 điểm bán trên toàn quốc. Chương trình cũng là hoạt động của Saigon Co.op nhằm chào mừng ngày Quốc khánh 2/9.

Theo đó, trong 21 ngày từ ngày 29/8 đến ngày 18/9, Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, SenseMarket, Sense City, Cheers, Finelife dành toàn bộ những vị trí đẹp nhất để trưng bày và giới thiệu hàng Việt. Saigon Co.op phối hợp cùng hơn 600 đối tác kinh doanh giảm giá từ 10 - 50% cho hơn 3.500 sản phẩm Việt trên tất cả ngành hàng.

Doanh nghiệp sản xuất Hàng Việt được hưởng lợi

Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp, chủ thể hợp tác xã trên cả nước đã nỗ lực sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, tính đến tháng 8/2024, cả nước đã đánh giá, phân hạng được gần 13.000 sản phẩm OCOP; trong đó có 73,9% sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 24,7% sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 50 sản phẩm 5 sao. Với tỉnh An Giang đã hình thành và phát triển được gần 200 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Thời gian gần đây, người tiêu dùng Việt Nam đã hình thành thói quen lựa chọn, chú trọng những sản phẩm có thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Việc xây dựng, phát triển các điểm giới thiệu, bày bán các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền như Trung tâm đặc sản Việt Nam tại Châu Đốc, hoặc các kênh phân phối thuần Việt khác đóng vai trò quan trọng đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng” – bà Lê Việt Nga chia sẻ.

Theo Bộ Công Thương, sau 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng mạnh.

Longform | Doanh nghiệp chung tay 'chắp cánh' hàng Việt

Khảo sát tại một số siêu thị cho thấy, hàng Việt được trưng bày tại hệ thống quầy kệ ngày càng đa dạng về mẫu mã và tỷ lệ áp đảo hàng ngoại nhập. Đặc biệt, tại các kênh phân phối thuần Việt, tỷ lệ hàng Việt chiếm cao hơn. Đơn cử, tại chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+, tỷ trọng hàng Việt cũng luôn được duy trì đạt mức từ 80-90% số lượng, chủng loại hàng hóa; trong đó, doanh thu từ các mặt hàng nông sản chiếm trên 30%. Chuỗi siêu thị Coop mart, tỷ lệ hàng Việt là trên 90%, trong đó nông sản chiếm 100%.

Nhận thấy “sức nóng” của hàng Việt, từ đầu năm 2024 nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội trở lại “đường đua” mở rộng hệ thống siêu thị. Đơn cử như để phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng, trong nửa đầu năm 2024, WinCommerce (doanh nghiệp quản lý khai thác hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích WinMart+/WiN) đã mở mới 91 cửa hàng WinMart+/WiN, đồng thời chuyển đổi 236 cửa hàng WinMart+ sang mô hình cửa hàng WiN.

Không chỉ WinCommerce nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng tham gia vào cuộc đua mở rộng thị phần. Đáng ghi nhận, hệ thống phân phối đã tập trung tiêu thụ hàng Việt qua đó góp phần kích thích sản xuất trong nước.

Hiện trên các kệ hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ở thành thị, nông thôn… hàng Việt luôn chiếm tỷ trọng 85-90%” - bà Lê Việt Nga cho biết.

Longform | Doanh nghiệp chung tay 'chắp cánh' hàng Việt

Chú trọng chất lượng sản phẩm

Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại thị trường nội địa, bà Vũ Thị Hậu - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, việc các doanh nghiệp bán lẻ mở rộng hệ thống phân phối là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, để hàng hóa vào được những kênh phân phối này, nhà sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng…

Longform | Doanh nghiệp chung tay 'chắp cánh' hàng Việt

Ở góc độ đơn vị bán lẻ, bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, hiện tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op đang có hơn 130 mặt hàng OCOP đến từ các hợp tác xã của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị, bên cạnh việc bảo đảm về số lượng, các chủ thể OCOP cần chú trọng hơn về chất lượng sản phẩm. Thiết kế bao bì theo hướng bắt mắt qua đó người tiêu dùng có thể hiểu được câu chuyện về sản phẩm, tạo sự khác biệt giữa các sản phẩm OCOP của vùng miền khác nhau.

Thông tin về những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc hỗ trợ các chủ thể OCOP tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ thường xuyên tiến hành rà soát danh mục sản phẩm OCOP cần kết nối vào các kênh phân phối bán lẻ nhằm cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối để tổ chức kết nối, tiêu thụ theo nhu cầu.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam đến đông đảo người tiêu dùng. Triển khai các hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất kinh doanh trên địa bàn thông qua tổ chức các chương trình, hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm, tôn vinh sản phẩm Việt…

Từ đó các đơn vị tham gia quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối, hợp tác với các kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm trong nước, hỗ trợ xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối nước ngoài (Aeon, Lotte, Central Group…).

Longform | Doanh nghiệp chung tay 'chắp cánh' hàng Việt

Bộ Công Thương khuyến nghị trong thời gian tới các địa phương cần có chiến lược hỗ trợ cho các hộ sản xuất ở vùng sâu, vùng xa về kỹ thuật canh tác nông nghiệp chất lượng cao và các phương thức vận tải phù hợp để đa dạng hóa thêm nhiều loại nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap trên kệ hàng của người Việt.

Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, người sản xuất làm sao để đưa hàng đến được cho người bán hàng, hệ thống bán buôn, bán lẻ thì phải qua hệ thống. Bộ Công Thương cũng khuyến nghị với các tỉnh, các địa phương phải tổ chức doanh nghiệp đứng ra thu mua thì mới đảm bảo hàng hóa đồng đều, thúc đẩy sản xuất quy mô lớn.

Bảo Ngọc

Đồ họa: Ngọc Lan

Bảo Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Kết nối nông sản Cà Mau và Hòa Bình vào kênh phân phối

Kết nối nông sản Cà Mau và Hòa Bình vào kênh phân phối

Với phương châm sử dụng nguồn cung ứng có nguồn gốc nội địa, doanh nghiệp phân phối đã đẩy mạnh tham gia hoạt động kết nối, nhằm tìm kiếm nguồn hàng cho dịp Tết
Không chỉ các hãng ô tô, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng giảm

Không chỉ các hãng ô tô, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng giảm 'rót vốn' vào Trung Quốc?

Giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài “rót vốn” vào Trung Quốc đã giảm gần 13 tỷ USD trong 9 tháng năm 2024 khi nhiều doanh nghiệp rút khỏi các liên doanh.
Đà Nẵng: Doanh nghiệp sản xuất lạc quan về đích năm 2024 vượt 40% kế hoạch

Đà Nẵng: Doanh nghiệp sản xuất lạc quan về đích năm 2024 vượt 40% kế hoạch

Nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TP. Đà Nẵng cho biết chắc chắn sẽ đạt kế hoạch năm 2024, thậm chí có doanh nghiệp lạc quan sẽ vượt tới 40 - 50% kế hoạch.