Việc được chứng nhận là sản phẩm OCOP đã giúp nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản Yên Bái. |
Gần 200 sản phẩm OCOP được xây dựng thành công |
Là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, Yên Bái được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tiểu vùng khí hậu phù hợp với các loại cây trồng, vật nuôi vừa là đặc sản vừa là thế mạnh của địa phương. Nhờ vậy, các sản phẩm nông sản của Yên Bái mang đậm bản sắc địa phương, có chất lượng vượt trội mà không vùng miền nào có được. Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái được đánh giá là một trong những chương trình quan trọng nhằm nâng tầm nông sản, đặc sản địa phương. Sau hơn 4 năm triển khai (từ năm 2008), người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã hưởng ứng tham gia, tạo nên hướng đi mới, hiện đại, hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh có gần 200 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3-4 sao. Mẫu mã, chất lượng các sản phẩm ngày càng được nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính, nhiều tiềm năng cả trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm OCOP tiêu biểu của Yên Bái có thể kể đến như: Miến đao Giới Phiên, thịt trâu sấy Nghĩa Lộ, mật ong rừng Mù Cang Chải, gạo nếp Tú Lệ, lạc ri đỏ Minh Tiến, Chè Suối Giàng Yên Bái… |
Những năm trước đây, hiểu biết của người dân về OCOP còn nhiều hạn chế, năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm chưa bài bản. Các sản phẩm truyền thống khi sản xuất ra còn thô sơ, chưa hấp dẫn về hình thức… Tuy nhiên, từ khi triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, tỉnh Yên Bái đã tư vấn cho các chủ thể hoàn thiện sản phẩm, bảo đảm được các tiêu chí tham gia đánh giá, phân hạng như kiểu dáng, mẫu bao bì, tem nhãn, câu chuyện sản phẩm, đăng ký mã số mã vạch, QR code, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, định hướng xây dựng chuỗi liên kết... Ngoài ra, Chương trình còn hỗ trợ tư vấn cho các chủ thể về thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm, quảng bá sản phẩm cho 17 sản phẩm Yên Bái và đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ gồm: 3 chỉ dẫn địa lý là Quế Văn Yên, Gạo Mường Lò, Tre Bát độ; 6 nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm là Chè Suối Giàng Yên Bái, Sơn tra Mù Cang Chải, Bưởi Đại Minh Yên Bình, Cá hồ Thác Bà, Gà xương đen Mù Cang Chải, Vịt bầu Lâm Thượng; Cùng 8 nhãn hiệu tập thể là Cam Lục Yên, Cam Văn Chấn, Gạo Bạch Hà Yên Bình, Gạo nếp Tú Lệ Văn Chấn, Miến đao Giới Phiên, Gạo Hương chiêm Đại Phú An, Thịt hun khói Mường Lò, Hồng chùm không hạt Lục Yên. Bằng những giải pháp hỗ trợ mạnh, đến nay, các sản phẩm OCOP của địa phương đã được tiêu thụ tại các siêu thị lớn trên địa bàn các tỉnh: Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… và thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó là các trang thương mại điện tử uy tín. Sản phẩm OCOP Yên Bái được đánh giá cao về chất lượng, độ an toàn và bao bì ngày càng được thiết kế hấp dẫn, bắt mắt. |
"Giấy thông hành" cho sản phẩm OCOP |
Sản phẩm miến đao của Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên là sản phẩm duy nhất đến thời điểm này của thành phố Yên Bái đạt chuẩn OCOP 4 sao vào năm 2022. Trước đó, sản phẩm này đã đạt chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2019. Đại diện HTX Miến đao Giới Phiên cho biết, ban đầu chỉ nghĩ tham gia chương trình OCOP chỉ để có sao cho đẹp, tuy nhiên khi xúc tiến thương mại đưa nông sản vào siêu thị, đối tác yêu cầu sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên. Từ đó, HTX và thành viên mới nhận ra tầm quan trọng của chứng nhận OCOP, không ngừng phấn đấu để đạt OCOP 5 sao. Trong quá trình thực hiện các quy trình công nhận sản phẩm OCOP, HTX đã nhận được sự giúp đỡ của các phòng chuyên môn và được hỗ trợ 60 triệu đồng. Được biết, mỗi năm HTX sản xuất trung bình từ 60 - 70 tấn. Vừa qua, HTX cũng được hỗ trợ kết nối xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Anh. Như vậy, OCOP được coi như “giấy thông hành” giúp thăng hạng cho sản phẩm miến đao Giới Phiên, từ việc chỉ có mặt tại các chợ cóc, vỉa hè, nay các sản phẩm được đóng gói trong bao bì, hộp bắt mắt, sang trọng, chinh phục người tiêu dùng và được bày bán trang trọng trên kệ các siêu thị lớn. Từ khi xây dựng được thương hiệu, trung bình mỗi năm HTX xuất bán gần 100 tấn miến đao ra thị trường, trong đó chinh phục được những thị trường "khó tính" như hệ thống siêu thị Big C ở miền Bắc trên 20 tấn/năm, hệ thống nhà phân phối rộng khắp các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… Thậm chí sản phẩm hiện đã lên đường “xuất ngoại”. |
Ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên cho biết, HTX đã xuất khoảng 250 kg sang thị trường Anh. Sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn hàng tiêu chuẩn chất lượng, sợi nhỏ hơn… "Nhìn chung, xuất khẩu sang thị trường nước ngoài không dễ vì đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe. Chúng tôi hi vọng sản phẩm miến đao Giới Phiên sẽ được người tiêu dùng Anh quốc đón nhận, mở ra cơ hội xuất khẩu nhiều sản phẩm sang thị trường châu Âu" - ông Toàn chia sẻ. Một sản phẩm OCOP thế mạnh khác của Yên Bái là chè. Huyện Văn Chấn là địa phương có diện tích chè lớn nhất tỉnh, với trên 4.600 ha. Hiện tại, toàn huyện có 8 sản phẩm OCOP từ cây chè gồm: Tuyết Sơn Trà, Chè xanh Shan tuyết Giàng Pằng, Chè trắng Giàng Pằng, Chè lên men Giàng Pằng, Đại Lão Vương Trà - Diệp Trà Suối Giàng, Đại Lão Vương Trà - Hồng Trà Suối Giàng, Đại Lão Vương Trà - Hoàng Trà Suối Giàng, Đại Lão Vương Trà - Bạch Trà Suối Giàng. Năm 2023, huyện phấn đấu xây dựng thêm 5 sản phẩm, nâng tổng số lên 13 sản phẩm chè OCOP. Để tiếp tục xây dựng thương hiệu chè, huyện tuyên truyền người dân tích cực canh tác chè theo hướng hữu cơ, bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào thâm canh, xây dựng vùng sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm; duy trì các chứng nhận VietGAP, hữu cơ, cấp mã số vùng trồng, xây dựng các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên… giúp gia tăng giá trị kinh tế, góp phần khẳng định vị thế cây trồng chủ lực của địa phương. Ông Phạm Nguyên Bình - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: "Thời gian qua, huyện Văn Chấn đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và xây dựng các sản phẩm OCOP, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị cây chè”. |
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử |
Với mục tiêu hỗ trợ phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, thời gian qua, các cấp ngành ở Yên Bái đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các chủ thể làm OCOP Yên Bái trong phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương ở tỉnh đang cơ cấu lại vùng sản xuất, đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, qua đó nâng cao chất lượng và giá trị cho các sản phẩm này. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh xúc tiến thương mại và chuyển đổi số. Đến nay có gần 1.000 lượt doanh nghiệp và hơn 600 lượt sản phẩm chào bán trên sàn thương mại điện tử của địa phương. Số lượt khách truy cập trên sàn giao dịch thương mại điện tử Yên Bái, website Sở Công Thương ngày một tăng, đến nay có hơn 18 triệu lượt truy cập; hỗ trợ đăng tải thông tin 183 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử tỉnh Yên Bái; tạo mã QR mua bán trực tuyến cho 183 sản phẩm OCOP của tỉnh để giới thiệu, bán sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh... Bên cạnh đó, đến hết năm 2022, Yên Bái đứng thứ 15/63 về số lượng tài khoản hoạt động trên 2 sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart (thuộc Bưu điện Việt Nam). Số lượt giao dịch mua sắm trên 2 sàn này đạt 7.739 lượt, tăng hơn 12 lần so với năm 2021. Tổng số giao dịch trên 2 sàn là 7.739, trong đó trên sàn Vỏ Sò là 1.792 và trên sàn Postmart là 5.947. (năm 2021 là 636, trong đó sàn Vỏ Sò là 544 và Postmart là 92). Để tiếp tục hỗ trợ đưa các hộ sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm tập huấn, đào tạo kỹ năng số cho hộ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ kết nối hộ sản xuất đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, đào tạo, hướng dẫn các hộ về kỹ năng số và cách thức để có thể sử dụng các thiết bị di động thông minh trong quá trình giao dịch trên sàn; xây dựng quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để hỗ trợ kỹ thuật tác nghiệp cho hộ sản xuất nông nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn thương mại điện tử; triển khai giải pháp về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trên sàn để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như độ tin cậy đối với khách hàng… Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Bưu điện tỉnh Yên Bái nhấn mạnh, Bưu điện tỉnh sẽ tăng cường công tác truyền thông nhằm tuyên truyền sâu rộng cho các hộ và người dân trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia sàn thương mại điện tử, giúp các hộ sản xuất nông nghiệp hạn chế tình trạng ùn ứ sản phẩm khi cao điểm thu hoạch, ổn định giá thành, mở rộng kênh tiêu thụ hiệu quả, bền vững. |
Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững hơn nữa, tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, từ truyền thống đến thương mại điện tử... Từ đó nâng cao hơn nữa cho giá trị sản phẩm địa phương. |
Phương Lan - Vũ Hạnh
|