Để thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết, tại các cấp ủy người đứng đầu được đánh giá có vai trò quyết định, điều này đã được minh chứng tại huyện Xín Mần. |
Là một trong những xã vùng 3 khó khăn của Hà Giang có đến 98,5% là đồng bào dân tộc Mông, xã Pả Vẩy Sủ có 7 thôn, bản chia làm 2 vùng, trong đó có 4 thôn, bản vùng cao đường xá hết sức khó khăn, chủ yếu đường đất. Hiện toàn xã Pả Vẩy Sủ có 421 hộ dân, số nhân khẩu 2.236 nhân khẩu, 13 chi, bộ trực thuộc Đảng ủy xã với 155 đảng viên. Ở đây các đảng viên vừa là đầu tầu trong phát triển kinh tế, đồng thời là tấm gương tiêu biểu tại mỗi thôn bản trong nếp sống, sinh hoạt, đi đầu trong các hoạt động đảm bảo an ninh - chính trị, phát triển kinh tế hộ gia đình. 7 thôn, bản của Pả Vẩy Sủ đều là thôn biên giới, để đến được một số thôn vùng cao, vùng sâu, vùng xa của xã là cả một kỳ công, bởi đường mòn đi vào các thôn nhiều đoạn vô cùng cheo leo, người không có “nghiệp vụ” đi đường hiểm trở và không có lòng can đảm thì khó có thể đến được những thôn này. Do vậy phát triển cơ sở đảng tại thôn, bản là vấn đề quan trọng và cấp bách, đây là lực lượng nòng cốt tại cơ sở để tham gia cùng chính quyền cấp ủy trong tham mưu chỉ đạo, xây dựng phát triển kinh tế, bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự, xã hội tại địa phương. “Những năm qua, thay vì ngồi một chỗ chờ hết giờ làm việc, những cán bộ, đảng viên cấp xã và cả thôn, bản được chúng tôi xác định phải bám sát dân, sẵn sàng phục vụ nhân dân, hỗ trợ nhân dân và đồng hành với nhân dân trong mọi mặt của đời sống, sản xuất. Qua đó phát hiện những quần chúng ưu tú để có kế hoạch bồi dưỡng, kết nạp” - ông Lê Văn Tiến nói. |
Theo đó, để xây dựng đảng ở cơ sở vững mạnh cả về phẩm chất và tinh nhuệ trong triển khai nhiệm vụ, cấp ủy xã luôn phối hợp chặt chẽ với các Bí thư chi bộ để rà soát các quần chúng ưu tú để cử đi học lớp Cảm tình đảng (Bồi dưỡng đảng viên mới). Với đặc thù của xã biên giới, địa hình, địa lý phức tạp, giao thông còn khó khăn, nhằm tạo điều kiện cho các chi bộ có nguồn kết nạp, xã đã linh hoạt phối hợp chặt chẽ với Trường chính trị huyện để mở lớp tại các xã, ưu tiên dành một tuần để tạo điều kiện cho quần chúng đi lại được thuận tiện, đảm bảo số lượng học viên, thời gian học. “Giải pháp này được chúng tôi thực hiện từ năm 2021 đến nay. Mỗi năm số lượng bồi dưỡng đạt từ 35 đến 40 quần chúng để có sẵn Giấy chứng nhận, khi đảm bảo các tiêu chí sẽ kết nạp” – ông Tiến cho biết. |
Cấp ủy cũng phân công các cán bộ, công chức về dự sinh hoạt tại các thôn, bản quan tâm phát triển Đảng. Qua đó, đối với xã Pả Vẩy Sủ trên cơ sở danh sách quần chúng ở các chi bộ đưa lên, cấp ủy xã sẽ xem xét kế hoạch và giao chỉ tiêu kết nạp mới 3-4 đảng viên. Năm 2023, Pả Vẩy Sủ đạt 150%, tương đương 4-6 quần chúng được kết nạp. Bí thư xã Pả Vẩy Sủ nhấn mạnh: “Sự nghiệp cách mạng” thành công hay không là do người đứng đầu. Ở Pả Vẩy Sủ, Bí thư giao cho Phó Bí thư trực tiếp phụ trách từng quần chúng. Nhờ phân công đúng người, giao việc trực tiếp, cụ thể, có kế hoạch rõ ràng, vướng mắc đến đâu tháo gỡ ngay đến đó, trong những năm qua, Pả Vẩy Sủ luôn vượt chỉ tiêu kết nạp 130% trở lên. Được Đảng bộ cấp trên khen thưởng”. |
Tuy nhiên cũng theo ông Lê Văn Tiến trong quá trình thực hiện, cấp ủy cũng gặp rất nhiều khó khăn, đối với đồng bào dân tộc Mông, nhận thức còn hạn chế về tổ chức Đảng, thêm vào đó điều kiện kinh tế khó khăn, do cuộc sống mưu sinh, nhiều thanh niên phải rời nhà đi lao động ở xa như: Đắc Lắk, Đồng Nai, Quảng Ninh…Đối với những trường hợp này, Pả Vẩy Sủ thường xuyên liên hệ với công ty - nơi có quần chúng làm việc để nắm bắt tình hình. Đặc biệt, Pả Vẩy Sủ đã dành dành một nguồn kinh phí để hỗ trợ tiền tàu, xe cho quần chúng khi quay về địa phương triển kinh tế. Cách làm này đã nhận được sự đồng tình của người dân. |
“Chúng tôi không chỉ đảm bảo số lượng, mà chất lượng cũng được chúng tôi hết sức quan tâm. Thường trực Đảng ủy trực tiếp trao đổi với lãnh đạo các công ty, nắm địa chỉ, số điện thoại lãnh đạo các doanh nghiệp, qua đó theo dõi và làm hồ sơ phát triển đảng viên, phân công người theo dõi trực tiếp để kết nạp khi quay trở về địa phương. Đồng thời, tận dụng nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, hỗ trợ cho các quần chúng quay trở về địa phương có nguồn vốn để phát triển sản xuất” - ông Lê Văn Tiến nói. |
Để thực hiện được điều đó, ngay từ đầu năm Pả Vẩy Sủ xây dựng kế hoạch, trên cơ sở nguồn của địa phương, xã ban hành Nghị quyết và Kế hoạch để tổ chức, thực hiện. Theo lộ trình hàng quý để trình Ban chấp hành Đảng ủy xã ra Nghị quyết, huyện cho chủ trương, triển khai tuyên truyền. “Nguồn đi bộ đội và công an nghĩa vụ được kết nạp Đảng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khi về địa phương được xã tặng một con bò giống trị giá 10 triệu đồng” - ông Tiến nói. Ngoài ra, các đối tượng trên khi thực hiện nghĩa vụ trong quân ngũ, lực lượng công an nhân dân, được chính quyền xã thu xếp phương tiện tàu, xe cho gia đình, thân nhân đến đơn vị thăm động viên. Khi quay trở về địa phương, các quần chúng này được chính quyền xã quan tâm sắp xếp công việc, quy hoạch các chức danh, bố trí vào các công việc là cán bộ bán chuyên trách hay công việc ở các thôn, đội trưởng… Nhờ đó, các đối tượng quần chúng trên sau khi được kết nạp đảng luôn đi đầu gương mẫu trong các phong trào phát triển kinh tế, thực hiện hương ước của thôn, bản, tạo sự thay đổi về nhận thức của người dân địa phương. |
Bí thư xã Lê Văn Tiến cho rằng, năm 2024 khi nhà nước triển khai thực hiện thu nhập theo vị trí công việc thì dù bán chuyên trách hay chính thức sẽ không còn quan trọng nữa, có thể lúc đó một cán bộ kiêm nhiệm nhiều việc, với chính sách thu nhập mới sẽ đảm bảo thu nhập giúp cán bộ yên tâm công tác, cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tại các vùng đồng bào biên giới như Pả Vẩy Sủ. |
Bài 2: Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của Đảng viên là người lao động Longform | Xây dựng cơ sở Đảng gắn với phát triển kinh tế vùng biên: Câu chuyện từ huyện Xín Mần |