Longform
25/10/2023 06:00
Longform | Ara-Tay Coffee và “hạt cà phê tử tế” của phụ nữ dân tộc Thái

25/10/2023 06:00

Ara-Tay Coffee đã trở thành một thương hiệu cà phê đặc biệt của phụ nữ Thái tại Sơn La. Câu khẩu hiệu của bà con là: “Tử tế đến từng hạt".
Longform | Ara-Tay Coffee và “hạt cà phê tử tế” của phụ nữ dân tộc Thái

Đến Sơn La, hỏi Ara-Tay Coffee ai cũng biết. Ara-Tay đã trở thành một thương hiệu cà phê đặc biệt của phụ nữ Thái Sơn La. Câu khẩu hiệu của bà con là: “Tử tế đến từng hạt”.

Phụ nữ dân tộc Thái và tình yêu với hạt cà phê

Những ngày đầu tháng 10, khắp Sơn La rộn ràng không khí chuẩn bị cho Lễ hội Cà phê Sơn La lần đầu tiên được tổ chức. Khắp những sườn đồi dẫn về những bản làng xanh mướt bóng cây, xen lẫn là những chùm cà phê tím đỏ chín nặng trĩu cành rung rinh trong nắng. Bản Lọng Nghịu, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn cũng vậy. Đặc biệt hơn, nơi đây có câu chuyện khởi nghiệp của nhóm phụ nữ dân tộc Thái mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Ara-Tay Coffee, tạo ra các sản phẩm cà phê đặc sản, chất lượng cao của Sơn La.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Cầm Thị Mòn – Giám đốc Hợp tác xã Ara-Tay Coffee cho biết, cây cà phê vốn là cây giảm nghèo ở Sơn La. Đặc biệt, loại cây này rất thích hợp để trồng ở xã Chiềng Chung.

Xã Chiềng Chung nằm ở độ cao từ 1.000m đến 1.300m so với mực nước biển. Nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm trên 10 độ C. Đêm từ 16 độ C đến 20 độ C, ngày từ 27 độ C đến 32 độ C. Tháng 4 đến tháng 5 nóng nhất, tháng 6 đến tháng 8 là mùa mưa. Nhiệt độ trung bình là 24,02 độ C; hằng năm có sáu tháng có nhiệt độ trung bình 24,02 độ C. Nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu tốt nên từ trước năm 1945, người Pháp đã mang cây cà phê Arabica lên trồng ở đất này.

Longform | Ara-Tay Coffee và “hạt cà phê tử tế” của phụ nữ dân tộc Thái

"Đến nay, gần một nửa sản lượng cà phê Arabica của Việt Nam được trồng ở tỉnh Sơn La, tập trung ở xã Chiềng Chung và Mường Chanh của huyện Mai Sơn. Nhưng mãi đến gần đây thương hiệu cà phê Arabica Sơn La mới được nhiều người biết đến.

Năm 2018, Dự án Care thuộc tổ chức phi chính phủ của Úc hỗ trợ, thành lập nhóm phụ nữ tiết kiệm ở Chiềng Chung, chị Cầm Thị Mòn và một số thành viên được Dự án lựa chọn cho đi thăm mô hình HTX sản xuất cà phê chất lượng cao ở Tây Nguyên.

Suốt 20 năm chỉ hái cà phê xô để bán với giá 25 nghìn đồng/kg nhân xanh, nên khi thấy người khác bán cà phê giá gấp đôi, gấp ba, chị Mòn không thể tin được. Trở về nhà, chị Mòn nung nấu suy nghĩ rằng người ta làm được thì mình cũng làm được nên đã thuyết phục bố mẹ và chồng thay đổi cách làm cà phê chất lượng cao. Rất may mọi người trong gia đình đều ủng hộ.

“Cũng trong thời gian này, nhận được sự tài trợ của Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam, sau một thời gian chuẩn bị tích cực, năm 2019, Hợp tác xã Ara Tay Coffee ra đời với sự tham gia của 14 hộ gia đình trong đó chủ yếu là phụ nữ dân tộc Thái với tổng số vốn góp hơn 500 triệu đồng” – chị Cầm Thị Mòn chia sẻ.

Longform | Ara-Tay Coffee và “hạt cà phê tử tế” của phụ nữ dân tộc Thái

Cái tên Ara-Tay Coffee rất có ý nghĩa với các thành viên hợp tác xã. Bởi theo lý giải của chị Mòn, trong tiếng Thái, "Ara" là Arabica, "Tay" trong tiếng Thái có nghĩa là người Thái. Logo của hợp tác xã cũng được lấy cảm hứng từ hình ảnh con người và họa tiết từ chiếc khăn piêu đặc trưng, của người phụ nữ Thái và có màu đỏ chủ đạo dựa trên hình ảnh những quả cà phê đỏ tươi mỗi vụ mùa thu hoạch. Tên gọi Ara-Tay, logo của hợp tác xã mang hàm ý chỉ bàn tay nâng niu, tận tụy của người phụ nữ Thái dành cho cây cà phê.

Hành trình làm nên “hạt cà phê tử tế”

Không đơn giản là tìm kiếm sinh kế từ hạt cà phê, Ara-Tay Coffee còn cam kết mang đến sản phẩm cà phê nguyên chất tử tế đến từng hạt. Để đảm bảo lời hứa này, HTX quyết tâm từ bỏ thói quen canh tác cũ, có hại cho chất lượng cà phê nói riêng và môi trường nói chung. Bà con xã Chiềng Chung đã ra khỏi bản làng của mình, tìm đến những người đi trước, có uy tín trong làng cà phê Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm. Để mang những sản phẩm vừa chất lượng, vừa ý nghĩa đến với người tiêu dùng, có đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ Thái năng động, dám học hỏi, dám quyết tâm đổi thay để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Longform | Ara-Tay Coffee và “hạt cà phê tử tế” của phụ nữ dân tộc Thái

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, cùng với sự hỗ trợ của Dự án Care, HTX đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất; xây dựng nhà màng để sấy cà phê, sử dụng hiệu ứng nhà kính, đảm bảo sạch, duy trì nhiệt độ sấy ổn định; đầu tư 2 máy xát vỏ cà phê hiện đại dùng công nghệ chế biến ướt, công suất 5 tấn quả/giờ; bảo đảm hương vị cà phê tự nhiên, tiết kiệm nước; vỏ cà phê được tận dụng ủ thành phân vi sinh bón cho vườn cà phê, tiết kiệm chi phí, không gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, HTX còn mua máy rửa quả, máy pha cà phê, sản xuất bao bì, đóng gói sản phẩm. Nhờ đó, ngay khi đi vào hoạt động, HTX chính thức sản xuất 4 sản phẩm cà phê chất lượng cao, gồm: Cà phê nhân xanh Natural; cà phê Honey nhân xanh; cà phê bột và hạt Natural; cà phê bột và hạt Honey.

Longform | Ara-Tay Coffee và “hạt cà phê tử tế” của phụ nữ dân tộc Thái

Để sản xuất ra các sản phẩm cà phê chất lượng cao, HTX Ara-Tay Coffee chú trọng chất lượng nguyên liệu đầu vào được kiểm soát chặt chẽ. Khi thu hoạch, lựa chọn kỹ lưỡng quả cà phê chín đỏ, đủ độ đường, bảo đảm không lẫn quả xanh. Toàn bộ 70 ha cà phê nguyên liệu của các thành viên HTX và 300 hộ vệ tinh trên địa bàn xã Mường Chanh và Chiềng Chung đều được sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo sạch, an toàn.

Việc hướng dẫn cho bà con ở bản thật sự không đơn giản vì phải thuyết phục được bà con thay đổi thói quen hái xô (hái lẫn tất cả quả chín, xanh, non, bị sâu...) sang hái chọn quả cà phê chín. Rồi thay đổi cả cách vận chuyển, đóng gói, rửa hạt... Mọi máy móc, công nghệ cũng thật lạ lẫm. Những thuật ngữ “rang đậm, nhạt”, “hương vị trái cây, socola” cũng thật khó hiểu... Mới nói đến thôi là bà con đã gạt ngay vì thấy ngợp bởi sự kỳ công cho từng công đoạn. Ở bản, mọi người chỉ thường làm cà phê, cốt sao cho nhanh chóng, để còn lo toan cho những nương lúa, đi làm thêm việc để kiếm thu nhập. Không nản, họ không ngừng hỗ trợ và giải thích cho bà con, rồi từ những buổi cầm tay chỉ việc, bà con cũng trở nên tự tin hơn.

Quá trình sản xuất, chế biến cà phê Ara-Tay được giám sát thường xuyên, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Mỗi công đoạn thực hiện tỉ mỉ; tùy từng dòng sản phẩm Honey hay Natural, sẽ có phương pháp, quy trình chế biến khác nhau, tạo ra những hương vị tự nhiên đặc trưng.

Longform | Ara-Tay Coffee và “hạt cà phê tử tế” của phụ nữ dân tộc Thái

Với sự năng động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của những phụ nữ dân tộc Thái ở Chiềng Chung, sản phẩm cà phê Ara-Tay đã được chứng nhận cà phê chất lượng cao và đặc sản trong các cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam và đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Hiện nay, mỗi năm HTX xuất bán ra thị trường từ 8 - 10 tấn cà phê nhân, xay; cung ứng, tạo nên dòng sản phẩm đặc trưng cho các cửa hàng cà phê ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước, được người tiêu dùng đón nhận. Doanh thu hằng năm của HTX đạt khoảng 1,6 tỷ đồng.

Tạo sinh kế bền vững cho bà con

Hiện nay, HTX Ara-Tay Coffee có 14 thành viên, chủ yếu là các phụ nữ dân tộc Thái ở hai xã Chiềng Chung, Mường Chanh của huyện Mai Sơn. Ngoài ra, HTX còn kết nạp thêm 7 hộ vệ tinh làm nhà màng phơi cà phê và 100 hộ vệ tinh cung cấp quả cà phê tươi. Những hộ vệ tinh bán cà phê cho HTX, các thành viên của Ara Tay cà phê cũng ưu tiên cho những hộ nghèo, người khuyết tật để giúp họ vừa có thêm thu nhập vừa hòa nhập cộng đồng.

Diện tích sản xuất của các thành viên HTX khoảng 20ha nhưng nếu tính cả các hộ liên kết bán sản phẩm cà phê cho HTX thì diện tích lên đến 50ha. Hiện HTX sản xuất 3 dòng sản phẩm chính: Cà phê Arabica Nature, cà phê Arabica Honey và cà phê phin giấy.

Bên cạnh phát triển thương hiệu Ara-Tay Coffee, chị Mòn và các thành viên trong Hợp tác xã còn hướng dẫn thuyết phục bà còn trong thôn bản làm quen với cách làm cà phê theo kiểu mới. Những người đứng đầu hợp tác xã không ngừng hỗ trợ và giải thích cho bà con, cầm tay chỉ việc để bà con thay đổi thói quen hái xô cà phê, thu hoạch tất cả quả chín, xanh, non, bị sâu... sang hái chọn quả cà phê chín. Tiếp đó là thay đổi cách vận chuyển, đóng gói, rửa hạt...

Lần đầu tiên, người dân trong bản được làm quen với máy móc, công nghệ và những thuật ngữ "rang đậm, nhạt", "hương vị trái cây, socola". Trước đây ở bản, mọi người chỉ thường làm cà phê, cốt sao cho nhanh chóng, để còn lo toan cho những nương lúa, đi làm thêm việc để kiếm thu nhập. Nhưng thuyết phục dần và minh chứng rõ nét nhất là giá của cà phê thu mua đã tăng lên tới vài lần. Đây chính là cách chứng minh hiệu quả nhất để bà con nghe theo, tin tưởng và tự tin với con đường tăng thêm giá trị cho hạt cà phê tại địa phương.

Longform | Ara-Tay Coffee và “hạt cà phê tử tế” của phụ nữ dân tộc Thái

Từ “sứ mệnh” xóa đói, giảm nghèo, cây cà phê giờ đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh, giá trị mang lại trong niên vụ này ước đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Các sản phẩm cà phê chất lượng cao từng bước chinh phục các thị trường trên thế giới, góp phần khẳng định thương hiệu “Cà phê Sơn La” nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung trên bản đồ cà phê thế giới. Giống như câu nói: “Người Pháp đã mang cây cà phê Arabica đến Sơn La. Giờ đã đến lúc người Sơn La mang những hạt cà phê tử tế nhất đến người tiêu dùng trên thế giới”.

Phương Lan

Đồ họa: Linh Chi

Bảo Ngọc - Linh Chi

Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Đình Việt được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La

Ông Nguyễn Đình Việt được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La

Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa XV đã bầu ông Nguyễn Đình Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La với số phiếu tuyệt đối.
Sơn La có tân Giám đốc Công an tỉnh

Sơn La có tân Giám đốc Công an tỉnh

Ngày 6/11, tại Công an tỉnh Sơn La, Bộ Công an tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác cán bộ.
Longform | Xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị cà phê Sơn La

Longform | Xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị cà phê Sơn La

Bằng việc liên kết chặt giữa người nông dân và doanh nghiệp, giá trị cà phê Sơn La đã không ngừng tăng cao.