Thứ sáu 09/05/2025 22:44

Lời kể về 'dấu mốc' trưởng thành của chàng trai người Dao

Lễ Cấp sắc không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời của người đàn ông mà còn thể hiện sự truyền nối văn hóa, duy trì nòi giống...

Tín nghĩa trước sau như một

Nghi lễ Cấp sắc hay còn gọi là lễ Tự cải, tiếng Dao gọi là “Đào cải” ở thôn Nậm Đăm, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Gianglà Lễ Cấp sắc mang đậm những giá trị văn hóa độc đáo của người dân miền núi cao phía Bắc. Từ năm 2012, nghi lễ cấp sắc của người Dao thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đến nay nghi lễ vẫn được cộng đồng người Dao duy trì tổ chức.

Kể về nguồn gốc nghi lễ đặc biệt này, ông Lý Đại Thông (SN 1958) - người có uy tín trong làng Nặm Đăm cho biết, nghi lễ này đã tồn tại từ xa xưa và được người dân địa phương lưu giữ, phát huy cho đến ngày nay. Theo ông Thông, Lễ Cấp sắc đã trở thành một nghi lễ quan trọng và độc đáo của người Dao chàm, thể hiện sự chuyển tiếp từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành và khẳng định vị trí của một cá nhân trong cộng đồng.

Ông Lý Đại Thông (áo đen) giới thiệu với du khách về ý nghĩa của lễ cấp sắc phong của đồng bào dân tộc Dao chàm

Để chuẩn bị cho Lễ Cấp sắc, các gia đình phải lên kế hoạch kỹ lưỡng, chuẩn bị nhiều lễ vật như gà, lợn, trâu, bò và đặc biệt là phải mời họ hàng đến tham dự nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết và sự chung tay của cả gia đình và cộng đồng. Một điểm nổi bật của lễ là sự tham gia của 6 thầy cúng, mỗi người có một vai trò, nhiệm vụ cụ thể trong việc thực hiện các nghi lễ.

Các thầy cúng bao gồm Khòi déo, Diền déo, Trềnh mềnh, Sầu píu, Khòi tàn và Sám phát, đều mặc trang phục truyền thống với áo dài màu đỏ, họa tiết trắng, mũ chóp nhọn và sử dụng các nhạc cụ như chuông, chiêng và tù và. Khòi déo được coi là thầy cúng điều hành, người tổ chức chính các trò chơi, điệu múa dân gian và những nghi lễ linh thiêng khác.

"Việc này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là dịp để ôn lại những giá trị truyền thống, giáo dục các thế hệ sau về nguồn gốc, lòng biết ơn và đạo làm con" - già làng Thông nói.

Điệu múa và âm nhạc là phần không thể thiếu trong Lễ Cấp sắc

Một phần quan trọng khác của lễ là việc ghi lại tiểu sử ba đời của người được cấp sắc và ghi vào gia phả như một cách lưu giữ và truyền đạt lịch sử gia đình. Hai tờ phiếu được thầy cúng ghi chép nội dung này, một tờ được ném lên người được cấp sắc còn một tờ được đốt để gửi lên tổ tiên. Điều này thể hiện sự tôn trọng, sự kết nối giữa thế hệ hiện tại và thế hệ đã qua.

Điệu múa và âm nhạc là phần không thể thiếu trong Lễ Cấp sắc góp phần tạo không khí sôi động và linh thiêng cho buổi lễ. Ngày nay, những điệu múa truyền thống này đã và đang được cải biên để biểu diễn tại các sự kiện văn hóa, góp phần quảng bá và bảo tồn di sản quý báu của người Dao Đỏ. Sau khi các nghi thức được hoàn tất, gia đình và cộng đồng cùng tụ họp trong bữa tiệc chung, thể hiện sự gắn kết và tình thân mật.

Tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống

Đến nay, Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ đã trở thành một nét văn hóa độc đáo với giá trị xã hội, lịch sử và khoa học sâu sắc. Các bậc trưởng lão, thầy cúng và gia đình thường tham gia tích cực vào lễ này để đảm bảo các nghi thức được thực hiện đúng đắn.

Cũng theo già làng Thông: "Sự kiện văn hóa quan trọng này của người Dao chàm thường diễn ra vào những tháng cuối năm hoặc đầu năm mới như tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng và được thực hiện với các chàng trai từ 13 tuổi trở lên. Đây là dịp để các chàng trai người Dao bước qua một giai đoạn mới trong cuộc đời, trở thành người lớn với tất cả những trách nhiệm và quyền lợi của người trưởng thành trong xã hội. Người nào chưa làm lễ cấp sắc thì cộng đồng người Dao vẫn coi họ là người chưa trưởng thành và không được tham gia họp bàn các công việc lớn của dòng họ".

Qua các nghi thức công phu, độc đáo trong phần lễ cấp sắc không chỉ gợi nhớ về cội nguồn và truyền thống mà còn là cơ hội để cộng đồng giao lưu, học hỏi lẫn nhau, góp phần củng cố tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống và tạo nên một di sản văn hóa quý báu cho các thế hệ mai sau.

Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ thu hút sự quan tâm của khách du lịch

"Chính vì ý nghĩa tâm linh sâu sắc đó, Lễ Cấp sắc đã, đang và sẽ tiếp tục song hành cùng sự phát triển và tồn tại của cộng đồng người Dao. Dù chỉ diễn ra trong một gia đình, lễ hội vẫn thu hút đông đảo cộng đồng tham dự, bao gồm anh em, họ hàng và láng giềng. Đây cũng chính là cơ hội để củng cố tình đoàn kết, tình anh em và làng xóm, tạo nên sự gắn bó sâu sắc trong cộng đồng" - già làng Thông chia sẻ.

Cùng với giá trị tâm linh truyền đời, Lễ Cấp sắc còn mang giá trị giáo dục quan trọng. Đối với mỗi cá nhân tham gia, nhất là nam giới - những người sẽ là trụ cột trong gia đình, lễ hội là cơ hội để hiểu biết về các giá trị đạo đức và phẩm hạnh. Các nghi lễ thiêng liêng trong Lễ Cấp sắc như cúng tế, những điệu múa kiếm độc đáo và các bài hát dân ca mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc Dao góp phần tạo nên một không gian văn hóa tinh thần lành mạnh trong cộng đồng.

Thông qua Lễ Cấp sắc của cộng đồng người Dao không chỉ giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn truyền tải những thông điệp đạo đức, giáo dục cho thế hệ trẻ. Lễ Cấp sắc còn là một nghi thức tôn giáo, một phần quan trọng trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội bền vững, góp phần phát triển văn hóa cộng đồng một cách lành mạnh và bền vững.

Theo Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 6/10/2021của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đang nỗ lực xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển di sản văn hóa gắn liền với du lịch. Trong số các di sản, nghi lễ Cấp sắc độc đáo của người Dao được chú trọng đặc biệt. Đây không chỉ là một phần thiết yếu của bản sắc văn hóa người Dao mà còn là điểm nhấn thu hút du khách đến với Hà Giang. Sự gắn kết giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch là cách hiệu quả để quảng bá di sản văn hóa của Hà Giang, đồng thời tạo nguồn thu nhập bền vững cho người dân địa phương.
Đỗ Nga - Bình Nguyên
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Hà Giang

Tin cùng chuyên mục

Người Anh hùng trên lễ đài lịch sử rơi lệ khi nghe một câu hát

Cảnh kết phim 'Địa đạo' rực rỡ trong đại lễ 30/4

Những ô cửa nhỏ kể chuyện tình yêu đất nước

Bài 2: 'Bản giao hưởng' văn hóa Việt trên bản đồ thời trang thế giới

20 ấn phẩm sách - chứng nhân của lịch sử và khát vọng thống nhất

Thành phố Huế: Rực rỡ cờ hoa dịp lễ 30/4

10 xu hướng mạng xã hội nổi bật dịp 30/4

Triển lãm du lịch và di sản văn hóa Việt tại Huế

Phú Thọ tổ chức chương trình '50 năm bản hùng ca mùa xuân'

Những hình ảnh ấn tượng tại Lăng Bác trong không khí 30/4

‘Nổi lửa lên em’ – ca khúc có đóng góp của phóng viên Báo Công Thương trên tuyến lửa

Bảo tàng Côn Đảo: Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử

Điện Biên: 'Đại tiệc' Festival Tinh hoa Tây Bắc có gì hấp dẫn?

Chiếu phim kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cựu chiến binh 76 tuổi chạy xe máy 1.300km để xem diễu binh dịp 30/4

Thành lập Ban Giám đốc Trung tâm Báo chí tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 30/4

Chiến thắng 30/4/1975 - khúc khải hoàn của một dân tộc không khuất phục

Đại lễ Vesak 2025: Cầu nối văn hoá Việt Nam, thế giới

150 tư liệu quý tái hiện hồi ức thống nhất non sông

Vụ việc Quang Linh Vlogs là hồi chuông cảnh tỉnh nghệ sĩ