Theo nguồn tin từ Bloomberg, Ấn Độ đang xem xét thêm việc hạn chế các hoạt động xuất khẩu gạo và thông tin này đặc biệt gây chú ý cho giới quan sát thị trường khi mà trước đó, Bloomberg cũng là nơi đầu tiên truyền đi tin về việc Ấn Độ có kế hoạch cấm xuất khẩu gạo. Sau đó, lệnh cấm chính thức được công bố vào ngày 20/7.
Giá gạo toàn cầu đã tăng mạnh sau lệnh cấm xuất khẩu từ Ấn Độ |
Theo Bloomberg, việc áp thuế xuất khẩu đối với gạo đồ mới trong giai đoạn xem xét, chưa có quyết định nào được đưa ra. Nếu thông tin này thành hiện thực, sẽ tiếp tục khiến nguồn cung gạo toàn cầu bị siết chặt.
Trước đó, vào ngày 20/7 Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo đã đẩy giá gạo toàn cầu tăng lên mức kỷ lục kể từ năm 2008 bởi quốc gia này là nguồn cung gạo hàng đầu thế giới với 40% thị phần, tiếp theo là Thái Lan và Việt Nam.
Với lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu trên toàn cầu đã liên tục tăng mạnh, cho tới tuần trước giá gạo xuất khẩu được điều chỉnh giảm nhẹ nhưng đến đầu tuần này đã tăng trở lại.
Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hôm qua (21/8) giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng 10 USD/tấn so với cuối tuần trước.
Theo đó giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 638 USD/tấn. Với mức tăng như hiện nay, giá gạo Việt Nam tiếp tục đứng đầu thế giới khi cao hơn Thái Lan 10 USD/ tấn (gạo cùng loại của Thái Lan hiện ở mức 628 USD/tấn) và hơn gạo của Pakistan 50 USD/tấn (gạo nước này đang chào bán 588 USD/tấn).
Lý giải việc giá gạo bật tăng trở lại sau phiên điều chỉnh giảm mạnh tuần trước các chuyên gia cho rằng, do Việt Nam đang cuối vụ thu hoạch lúa Hè thu, sản lượng không có nhiều.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, dự báo Ấn Độ sẽ tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Trong khi đó, nhu cầu thu mua, dự trữ lương thực của các quốc gia vẫn tiếp tục, từ đó tác động và khiến thị trường gạo toàn cầu tiếp tục có những biến động.