Chưa hạ nhiệt, giá cà phê xuất khẩu tăng 4 phiên liên tiếp Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê xuất khẩu lên cao nhất 16 năm |
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại ngày hôm qua (16/1), giá Robusta xác lập mức cao nhất trong 28 năm khi tính theo mã hợp đồng tháng 1 và chạm đỉnh của 16 năm khi tăng hơn 6%, tính theo mã hợp đồng tháng 3. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn do căng thẳng tại biển Đỏ tiếp tục thúc đẩy giá thiết lập kỷ lục mới.
Giá Robusta xác lập mức cao nhất trong 28 năm |
Xung đột trên biển Đỏ đang có xu hướng căng thẳng khiến thị trường không chỉ dừng lại ở lo ngại vấn đề phí cước vận chuyển gia tăng và các đơn hàng được vận chuyển lâu hơn bình thường.
Theo các nhà phân tích, sự ách tắc của tuyến vận tải hàng hải qua khu vực Biển Đỏ tiếp tục gây mối lo thiếu hụt nguồn cung Robusta từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam - quốc gia xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới.
Biển Đỏ nơi có tuyến hàng hải quan trọng, nối Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương, hay từ châu Âu đến châu Á. Do đó, căng thẳng tại Biển Đỏ làm tăng rủi ro cho dòng chảy thương mại toàn cầu và làm tăng thêm chi phí cho lĩnh vực vận tải biển. Doanh nghiệp Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ từ diễn biến “nóng” tại Biển Đỏ.
Những rủi ro nghiêm trọng hơn đã xuất hiện như tình trạng nông dân Việt Nam hạn chế bán hàng kéo dài và một số hợp đồng giao hàng trước đó không được thực hiện.
Phục hồi từ mức thấp nhất trong hơn một tháng, khép lại phiên ngày hôm qua, giá Arabica tăng 2,92% dù hoạt động xuất khẩu cà phê của Brazil tiếp diễn sự tích cực trong tháng 12.
Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho biết trong tháng cuối cùng của năm 2023, quốc gia Nam Mỹ này đã xuất đi 4,12 triệu bao cà phê, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 3,78 triệu bao cà phê dạng hạt đã được xuất đi, với 3,26 triệu bao Arabica, tăng 15% so với tháng 12/2022.
Giá cà phê ở Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trong năm 2024 |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu, cho biết căng thẳng tại Biển Đỏ có thể khiến 1 container đi qua khu vực châu Âu bị đội chi phí thêm từ 1.000 - 2.000 USD.
Giờ đây, Châu Âu gần như chỉ có thể trông vào Việt Nam để mua cà phê Robusta. Vì vậy, nhiều khả năng giá cà phê ở Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trong năm 2024, thậm chí cao nhất thế giới.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo niên vụ 2023-2024 sản lượng cà phê Robusta toàn cầu sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp xuống còn 74,1 triệu bao so với 76,6 triệu bao của niên vụ trước và là mức thấp nhất trong 4 niên vụ gần đây.
Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuật cho biết một số nông dân đang chờ đợi giá cà phê lên cao hơn trước khi bán ra và dựa vào những nguồn thu khác như sầu riêng để trang trải chi phí sinh hoạt và sản xuất.
Sau khi giá Robusta vọt tăng, một số người trồng cà phê đã huỷ bỏ hợp đồng bán mà họ đã ký vào đầu vụ vì lo ngại rằng họ sẽ bỏ lỡ cơ hội kiếm lời trong trường hợp giá cà phê vọt lên 100.000 đồng/kg.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam vừa đưa ra thông báo, tình trạng leo thang tại khu vực Biển Đỏ khiến các hãng tàu đã quyết định không đi qua tuyến này mà đi qua Mũi Hảo Vọng, dẫn tới thời gian di chuyển kéo dài hơn 8-21 ngày, đồng thời cước phí vận chuyển đi châu Âu và Hoa Kỳ cũng đã tăng 4-5 lần.
Hiện tại các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới do cước phí vận tải tăng cao làm cho giá cả hàng hóa tăng, người mua không chấp nhận giá mới. Đồng thời, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về việc các hãng tàu tự động áp thêm phụ phí chiến tranh cho các lô hàng đã được xếp lên tàu từ tháng 12/2023 với mức phí khoảng 1.000-2.700 USD cho cont từ 20-40 feet. Điều này cũng khấu trừ vào giá hàng hóa, đẩy cà phê tăng mạnh trở lại.
Bộ Nông nghiệp Việt Nam ngày 3/11 dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023/24 có thể giảm 10% xuống 1.656 triệu tấn, vụ mùa nhỏ nhất trong 4 năm, do hạn hán. Trong khi đó, Hiệp hội Cà phê Việt Nam ngày 5/12 dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2023/24 của Việt Nam sẽ giảm xuống 1,6 triệu tấn-1,7 triệu tấn, giảm so với mức 1,78 triệu tấn một năm trước đó.
Với tình hình hiện tại, chỉ cần đến tháng 4 - 5/2024, người nông dân có thể đẩy hết hàng, góp phần thúc đẩy xuất khẩu cà phê nước ta vượt mốc 4 tỷ USD sớm trong năm 2024, đồng thời lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu nếu tình hình kéo dài đến cuối năm.