Theo báo cáo tổng kết Chương trình Khuyến công quốc gia đến năm 2020 (chương trình) theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, qua 6 năm triển khai, hoạt động khuyến công đã thực sự ghi được dấu ấn trong sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp nông thôn (CNNT) nói riêng và trong toàn ngành công nghiệp nói chung.
Nhiều cơ sở CNNT hưởng lợi từ Chương trình Khuyến công quốc gia |
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật – nền tảng cho hoạt động khuyến công từng bước đươc hoàn thiện từ trung ương tới địa phương. Hệ thống tổ chức thực hiện công tác khuyến công được thiết lập và bước đầu hoạt động khá hiệu quả. Hoạt động liên kết, phối hợp ngang giữa các trung tâm khuyến công cấp tỉnh và với các tổ chức dịch vụ khuyến công khác đã dần hình thành mạng lưới và hoạt động ngày càng hiệu quả.
Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khuyến công tăng theo hàng năm, đạt tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn là 9,59%/năm. Quan trọng, nguồn vốn khuyến công đã thu hút được 9.500 tỷ đồng vốn đối ứng, chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của các chương trình, đề án. Các hoạt động khuyến công nhất là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, hoạt động đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp... đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất CNNT, tạo việc làm cho lao động nông thôn đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn.
Theo số liệu của Ban Kinh tế trung ương tại Hội nghị sơ kết Chương trình Khuyến công quốc gia giai đoạn 2014-2018, giá trị sản xuất CNNT tăng bình quân 12,7%/năm, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Con số này thực sự có ý nghĩa và phản ánh khách quan những đóng góp của ngành Công Thương thông qua các chương trình, trong đó có khuyến công.
Phát huy kết quả đã đạt được, Bộ Công Thương đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Chương trình Khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025 nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả của hoạt động khuyến khích phát triển CNNT giai đoạn tới. Bộ Công Thương cũng nhận định rất rõ bối cảnh của nền kinh tế đất nước trong những năm tới, khi mà Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn nữa, sẽ phải thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, điều này sẽ không ngoại lệ với bất cứ doanh nghiệp nào, kể cả doanh nghiệp CNNT nếu muốn bước ra thị trường lớn. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là thách thức không nhỏ với sản xuất công nghiệp, làm thay đổi nhận thức, tư duy sáng tạo và chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, dịch Covid-19 khiến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng và nặng nề hơn với các doanh nghiệp CNNT yếu về vốn và công nghệ.
Để vượt qua những trở ngại trên, Bộ Công Thương định hướng huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên - nhiên liệu, bảo vệ môi trường; lồng ghép chương trình với các dự án, chương trình mục tiêu khác để thu hút nguồn vốn của toàn xã hội đầu tư phát triển CNNT…
Từ nguồn ngân sách hỗ trợ bình quân 250 tỷ đồng/năm (bao gồm cả kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương), 6 năm qua, công tác khuyến công đã từng bước thu hút đầu tư, cải thiện năng lực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. |