Tính đến hết tháng 11/2023, cả nước có hơn 14,33 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận khoảng 562.000 lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lao động đông nhất thuộc 5 lĩnh vực: Thợ may thêu, lắp ráp, nhân viên bán hàng, kỹ thuật viên điện tử và kế toán. Người nhận trợ cấp chủ yếu ở các thành phố lớn, đông khu công nghiệp.
Cơ quan quản lý dự báo tình trạng này còn gia tăng trong bối cảnh cắt giảm việc làm kéo dài tới đầu năm 2024. Một số ngành tiếp tục biến động nhân lực, như dệt may có thể cắt giảm 123.000 người; nông nghiệp và dịch vụ giảm 78.000 người; bán lẻ giảm 32.000 người.
Năm 2023, công tác chi trả bảo hiểm thất nghiệp diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người lao động. Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, trong năm 2023, theo đánh giá của người dân, chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ người lao động thất nghiệp và phát huy vai trò quan trọng là cơ chế chống sốc tự động, hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp. Theo đó, năm 2023, công tác chi trả bảo hiểm thất nghiệp diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người lao động, giúp giảm áp lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tái hòa nhập vào thị trường.
Cụ thể, quy trình chi trả bảo hiểm thất nghiệp được tổ chức thành ba bước chính: Nộp hồ sơ tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm, xác nhận giải quyết hồ sơ và chi trả tiền trợ cấp trong vòng 20 ngày làm việc.
Người lao động cần nộp hồ sơ đến Trung tâm Dịch vụ Việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Sau đó, trong vòng 15 ngày, họ đến xác nhận giải quyết hồ sơ. Trong thời gian 20 ngày làm việc tiếp theo, Trung tâm Dịch vụ Việc làm thực hiện chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp. Quy trình này không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính mà còn thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với quyền lợi của người lao động.
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Mức hưởng trợ cấp thấp nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, đóng đủ 12-36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; đóng thêm đủ 12 tháng được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng.