Điển hình, thông tin từ Hải đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc - Hải đội 1 (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) cho biết, trong quá trình triển khai kế hoạch đấu tranh chuyên đề chống xuất lậu khoáng sản của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (do lãnh đạo Tổng cục Hải quan được ủy quyền ký ban hành) và thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển, Hải đội 1 phối hợp với Thủy đoàn 1 (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) kiểm tra tàu mang số hiệu HD 3368 tại vùng biển giáp ranh giữa Hải Phòng và Quảng Ninh.
Trong năm 2019, cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ hàng chục tàu chở than không rõ nguồn gốc trên vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh (Ảnh minh hoạ) |
Tại thời điểm lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, chủ tàu khai báo trên tàu chở khoảng 1.000 tấn quặng bô-xít được bốc xếp lên tàu từ Bắc Giang và vận chuyển theo đường thủy nội địa ra khu vực biển Hòn Nét (Cẩm Phả, Quảng Ninh) để làm thủ tục xuất khẩu.
Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, chủ tàu đã xuất trình một số chứng từ, như: hợp đồng, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, lệnh điều động phương tiện… đều đứng tên Công ty CP vận tải - thương mại Bảo Nguyên, có địa chỉ tại huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Cùng với các chứng từ nói trên, chủ tàu cũng đưa ra một hợp đồng thương mại với đối tác nước ngoài, invoce, giấy phép xuất khẩu khoảng sản do UBND tỉnh Lạng Sơn cấp. Tuy nhiên, giấy phép xuất khẩu này đã hết hạn từ năm 2018.
Từ những dấu hiệu bất thường nói trên, cơ quan chức năng đã mở rộng điều tra, xác minh tại Bắc Giang và Chi cục Hải quan Cẩm Phả (Cục Hải quan Quảng Ninh). Kết quả cho thấy, Công ty CP vận tải - thương mại Bảo Nguyên đã mở tờ khai tại Chi cục Hải quan Cẩm Phả để xuất khẩu 42.000 tấn tinh quặng bô-xít cho một đối tác có trụ sở tại Hồng Kông. Số quặng nói trên được đóng trên 35 tàu vận tải, lưu trú tại vùng biển Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu quặng trên 35 tàu để giám định và kết quả đều là quặng bô-xít dạng thô chứ không phải quặng tinh như nội dung trên tờ khai của doanh nghiệp.
Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ có hay không hành vi gian dối, biến quặng thô thành quặng tinh để xuất khẩu.
Trước đó, ngày 29/12, tin từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục Nghiệp vụ và pháp luật cho biết vừa tiến hành kiểm tra, tạm giữ tàu số hiệu HD 1951 đang vận chuyển 600m3 cát không rõ nguồn gốc tại khu vực biển giáp ranh giữa Hải Phòng và Quảng Ninh. Tại thời điểm kiểm tra, tàu HD 1951 gồm 2 thuyền viên do ông Nguyễn Văn Đạt, 38 tuổi, trú tại xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà (Hải Dương) làm thuyền trưởng đang chở khoảng 600 m3 cát. Qua kiểm tra, thuyền trưởng Đạt không xuất trình được các loại hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, cả 2 thuyền viên đều không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
Cũng chỉ trước đó vài ngày (ngày 25/12), tổ công tác Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã kiểm tra, tạm giữ tàu hàng mang số hiệu NĐ 3603 đang vận chuyển 500 tấn than không rõ nguồn gốc trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Tại thời điểm kiểm tra, tàu NĐ 3603 có 6 người do ông Lê Văn Nghĩa, trú tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) làm thuyền trưởng. Trên tàu đang chở khoảng 500 tấn than cám nhưng thuyền trưởng Nghĩa không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Hiện, lực lượng Cảnh sát biển đã lập biên bản vi phạm, dẫn giải tàu NĐ 3603 về khu vực bến Gót, huyện Cát Hải (Hải Phòng) để tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh, làm rõ theo quy định.
Được biết, trước thực trạng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản vẫn còn một số hạn chế, như: Chưa kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản thực tế và tổn thất khoáng sản trong khai thác; việc quyết định chủ trương đầu tư, xây dựng các cơ sở chế biến khoáng sản tại một số địa phương không gắn với nguồn nguyên liệu; nhiều khu vực khai thác khoáng sản tác động xấu đến môi trường sinh sống của người dân và cảnh quan nhưng chưa được khắc phục triệt để… Đặc biệt, khai thác, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra, nên từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, trong đó quy định rõ, mặt hàng quặng thô không nằm trong danh mục được xuất khẩu.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh trái phép các loại khoáng sản, đặc biệt là trên các tuyến đường thuỷ.