Theo Viện phân tích quan hệ quốc tế Italia, cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6 là thời điểm then chốt đối với tương lai của Liên minh châu Âu (EU). Với bối cảnh địa chính trị, kinh tế và xã hội đang thay đổi, EU ngày nay đang phải đối mặt với một loạt thách thức và cơ hội sẽ xác định vai trò của mình trên thế giới.
Sau cuộc bầu cử châu Âu, hiện EU đang trải qua thời điểm đầy khó khăn trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo mới cũng như xác định lại các ưu tiên chính trị của Khối. Những thay đổi này có thể sẽ tạo ra những tác động trong các lĩnh vực quan trọng của Khối như kinh tế, nhập cư, an ninh, môi trường và chính sách.
Các đảng cánh hữu thể hiện sức mạnh
Kết quả cuộc bầu cử EP đã xác nhận sự lớn mạnh của các đảng cánh hữu trên khắp châu Âu. Theo đó, tại Italia, đảng Anh em Italia (FdI) - đảng lớn nhất trong Liên minh cầm quyền tại Italia đã giành được 28,8% số phiếu ủng hộ, qua đó xác nhận giành được 24 ghế tại EP nhiệm kỳ tới.
Trong khi đó, tại Pháp, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) cũng không ngoại lệ khi có chiến thắng vang dội với tỉ lệ phiếu ủng hộ vượt quá 33%, cao gấp đôi so với đảng của Tổng thống đương nhiệm Macron.
Tại Đức, đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cũng vượt qua đảng xã hội chủ nghĩa (SPD) của Thủ tướng Scholz. Sự lớn mạnh của các đảng cánh hữu cũng diễn ra tại Áo khi đảng cực hữu Tự do (EPO) cũng đứng đầu về tỉ lệ ủng hộ.
EP cũng là Nghị viện “siêu quốc gia” duy nhất trên thế giới được bầu trực tiếp bởi người dân. Ảnh: Europarl |
Các kết quả này đã cho thấy nhóm tăng số ghế tại Strasbourg chủ yếu là nhóm cánh hữu, trái ngược so với kết quả cuộc bầu cử EP diễn ra vào năm 2019. Cụ thể số ghế của các đảng tại EP nhiệm kỳ mới là: Đảng cánh tả có 39 ghế (tăng 2 ghế so với EP 2019); Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) - khối trung tả giành được 136 ghế (giảm 3 ghế so với EP 2019); đảng Xanh (ALE) giữ 53 ghế (giảm 18 ghế so với EP 2019); Nhóm Đổi mới châu Âu (RE), khối trung dung, chứng kiến sự sụt giảm mạnh khi giảm 22 ghế so với EP 2019, chỉ còn 75 ghế; đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm trung hữu, tiếp tục giữ vị trí lớn nhất với 188 ghế (tăng 12 ghế so với kỳ bầu cử trước).
Đây cũng là đảng mà đảng Forza Italia (FI), 1 trong 3 đảng thuộc Liên minh chính phủ Italia, tham gia. Nhóm Cải cách và Đổi mới châu Âu (ECR), nhóm bảo thủ, giữ 83 ghế (có số ghế đứng thứ 3 tại EP), tăng nhẹ so với kỳ trước.
ECR cũng là đảng mà FdI của Thủ tướng Italia tham gia và nắm quyền lãnh đạo. Nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID) với đảng RN của Marine Le Pen chiếm đa số, giành được 58 ghế (tăng 9 ghế so với kỳ bầu cử trước); Nhóm không liên minh NI giành 45 ghế (giảm 17 ghế so với EP 2019) và cuối cùng là các nhóm khác (các bên chưa xác định được liên minh vì là các đảng mới) giành 42 ghế.
Thách thức của EU hậu bầu cử EP
Kết quả của bầu cử EP 2024 thể hiện sự thay đổi đáng kể trong bối cảnh chính trị châu Âu. Trên thực tế, các phong trào và đảng phái mới đã xuất hiện với tầm nhìn khác về châu Âu so với cơ quan lập pháp trước đó. Việc này có thể tác động tới tương lai của một số chính sách quan trọng nhất của châu Âu như Thỏa thuận Xanh, NextGeneration EU (Gói phục hồi kinh tế của Ủy ban châu Âu nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên EU phục hồi sau đại dịch Covid-19 và các chính sách nhập cư).
Việc cánh hữu thắng thế tại bầu cử châu Âu sẽ có tác động lớn tới Thỏa thuận Xanh nếu vẫn giữ nguyên quy mô của thỏa thuận. Trong những năm gần đây, các chính sách môi trường của châu Âu luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen. Mục tiêu của các chính sách là nhằm giúp châu Âu trở thành châu lục không phát thải vào năm 2050.
Tuy nhiên, các đảng cánh hữu tại châu Âu chưa bao giờ che giấu mong muốn giảm quy mô của kế hoạch này. Trên thực tế, cử tri cánh hữu phần lớn gồm các doanh nhân rất quan tâm đến việc thay đổi các chính sách môi trường. Nếu vẫn giữ nguyên như cam kết ban đầu, Thỏa thuận Xanh có nguy cơ tác động mạnh đến nguồn tài chính của họ vì họ sẽ phải thay đổi để thực hiện những điều chỉnh quan trọng về năng lượng nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Được tổ chức 5 năm một lần, cuộc bầu cử thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận khi EP là cơ quan có vai trò quyết định trong quá trình lập pháp, phê duyệt ngân sách và kiểm tra, giám sát hoạt động của EU. Ảnh: European University Institute |
Bên cạnh Thỏa thuận Xanh, EP sẽ phải giải quyết những thách thức về kinh tế. Trong số những thách thức kinh tế quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của các nghị sĩ mới chắc chắn sẽ là việc giám sát và chỉ đạo việc sử dụng vốn từ NextGeneration EU. EP mới sẽ phải đảm bảo rằng nguồn vốn từ NextGenerationEU được đầu tư hiệu quả, bền vững và phù hợp với các mục tiêu kỹ thuật số và khí hậu của liên minh.
Việc thực hiện hiệu quả các khoản đầu tư này sẽ đòi hỏi sự giám sát và hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên và các thiết kế EU. Thành công của nó sẽ phụ thuộc vào khả năng của các quốc gia thành viên trong việc thực hiện hiệu quả các Kế hoạch Phục hồi và Kế hoạch Phục hồi Quốc gia của họ cũng như vào sự hợp tác của các thiết chế châu Âu.
Bên cạnh đó, một chủ đề quan trọng khác có liên quan tới NextGeneration EU đó là vấn đề cải cách Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng, trong đó quy định các chính sách tài khóa của các quốc gia thành viên EU. EP mới có thể sẽ nỗ lực nới lỏng các quy định để khuyến khích các hoạt động đầu tư mang tính dài hạn.
Vấn đề nhập cư sẽ là một thách thức mà trong nhiệm kỳ này, EP sẽ phải tìm ra cách giải quyết. Hiện nay, điều gây chia rẽ sâu sắc trong EU là vấn đề nhập cư. Do đó, các thành phần mới trong EP chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các chính sách quản lý biên giới, tị nạn và hội nhập. Nhu cầu về một chính sách chung về nhập cư và tị nạn ngày càng cấp thiết, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng di cư vẫn tiếp tục xảy ra tại EU.
Ngoài ra, vấn đề an ninh nội địa, với trọng tâm là chống khủng bố và tội phạm có tổ chức, chắc chắn sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của EU. Để giải quyết vấn đề nhập cư, sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên và việc áp dụng các công nghệ mới để kiểm soát biên giới sẽ rất quan trọng để giải quyết những thách thức này.
Nhu cầu tăng cường quốc phòng châu Âu và thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược của EU sẽ là một trong những vấn đề quan trọng nhất của chương trình nghị sự EU trong thời gian tới. Bối cảnh địa chính trị luôn thay đổi là một thách thức lớn đối với EU. Điển hình như cuộc chiến tại Ukraine đã cho thấy sự cần thiết phải có một chính sách an ninh và đối ngoại gắn kết cũng như quyết tâm hơn trong Khối.
Cuộc bầu cử năm 2024 đã cho thấy sự đồng thuận rộng rãi giữa các nước về nhu cầu tăng cường quốc phòng châu Âu. Do đó, tương lai của EU cũng sẽ phụ thuộc vào khả năng hoạt động của khối với vai trò là một chủ thể toàn cầu có ảnh hưởng và đáng tin cậy. Điều này sẽ đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thành viên và thậm chí là sự hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh của họ.
Một thách thức không thể bỏ qua mà EU sẽ phải giải quyết là sự hoài nghi châu Âu đang lan rộng trong Khối. Tâm lý hoài nghi châu Âu xuất hiện chủ yếu do thiếu sự gắn kết giữa người dân và các thể chế châu Âu.
Do đó, EU sẽ phải chống lại chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và kết nối lại với người dân, bằng việc cho thấy những lợi ích cụ thể của việc gia nhập Khối. Thử thách này sẽ còn phức tạp hơn nếu xét đến thực tế là hiện đa số các nhóm đảng cánh hữu trong EP đều theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu.
Nổi bật trong Nhóm này là những người theo chủ nghĩa Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR). Việc nhóm này hiện có 83 nghị sĩ trong một EP có 720 ghế có thể khiến cuộc chiến chống lại chủ nghĩa hoài nghi châu Âu gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Valentina Marazza, Tiến sĩ khoa học hành chính và quan hệ quốc tế và cũng là chuyên gia phân tích của Viện phân tích quan hệ quốc tế Italia, tương lai của EU hậu bầu cử sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của EP trong việc đối mặt với những thách thức mới và khả năng đối thoại để tìm ra giải pháp giữa các nhóm.