Tại hội thảo “Chuỗi giá trị không phát thải khí nhà kính” do Unilever Việt Nam tổ chức ngày 25/5, ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển Bền vững (Bộ Công Thương) - cho biết: Phát triển kinh tế carbon thấp sẽ là xu thế của Việt Nam. Nhằm phát triển nền kinh tế xanh hơn, thực hiện hiệu quả các chính sách, cam kết về phát thải khí nhà kính, cần có sự triển khai đồng bộ các giải pháp và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế. Theo đó, một số nhóm giải pháp cần ưu tiên chú trọng triển khai tới đây. Cụ thể là hoàn thiện chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; thúc đẩy áp dụng các mô hình bền vững nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực công thương; tăng cường hợp tác liên kết.
Đánh giá cao về sự nỗ lực xây dựng chuỗi giá trị không phát thải khí nhà kính, ông Tăng Thế Hùng kỳ vọng sự quan tâm, tham gia và gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa Unilever và các đơn vị cùng các bên liên quan trong các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững sẽ góp phần tạo ra lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường và xã hội, góp phần thực hiện các chính sách quốc gia về phát triển bền vững và cam kết của Việt Nam về giảm phát thải tại Hội nghị COP26.
Hội thảo “Chuỗi giá trị không phát thải khí nhà kính" do Unilever Việt Nam tổ chức sáng 25/5 |
Theo mục tiêu giảm phát thải đã được Unilever Việt Nam công bố vào tháng 12/2020, đến năm 2025 công ty sẽ giảm 70% lượng phát thải tuyệt đối phát sinh từ hoạt động vận hành so với năm 2015. Đến năm 2030, giảm 100% lượng phát thải và đến năm 2039, hướng tới mục tiêu toàn bộ chuỗi giá trị đạt lượng phát thải bằng “0”.
Để đạt được mục tiêu này, đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp. Điển hình như việc đưa vào sử dụng nhiên liệu Biomass. Đây là những viên gỗ sạch được tái chế từ 100% pallet hư hỏng, gỗ vụn, trấu... để sử dụng cho lò hơi, thay thế hoàn toàn nhiên liệu dầu diesel. Cùng với đó là sử dụng năng lượng tái tạo cho hoạt động sản xuất. Từ năm 2007 đến năm 2021, Unilever Việt Nam đã loại bỏ 9.684 tấn CO2 mỗi năm.
Mặc dù đã có nhiều hoạt động để giảm phát thải, tuy nhiên trên thực tế, việc phát thải carbon của doanh nghiệp đến từ hầu hết các khâu từ nguyên liệu đầu, khí thải từ việc vận chuyển nguyên liệu, đến các hoạt động của nhà máy, sau đó là quá trình sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Do vậy để xây dựng chuỗi giá trị không phát thải nhà kính, cần phải có sự chung tay của nhiều bên. Bà Nguyễn Thị Bích Vân – Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ Unilever Việt Nam mong muốn khuyến khích các đối tác, các nhà cung cấp của chúng tôi đặt ra mục tiêu cắt giảm phát thải carbon và phối hợp chặt chẽ cùng chúng tôi để phát triển và thực hiện các giải pháp dựa vào khả năng ứng dụng khoa học – công nghệ.
“Đặc biệt, chúng tôi mong muốn sẽ có được sự hỗ trợ và đồng hành từ Chính phủ và các cơ quan bộ ngành thông qua các chiến lược và khuôn khổ chính sách về giảm carbon để Unilever Việt Nam và các doanh nghiệp cùng chí hướng có thể tự tin tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa vào một tương lai ‘không phát thải carbon’. Đồng thời, sự đồng hành của Chính phủ cũng sẽ tạo thêm động lực để nâng cao nhận thức của cộng đồng, truyền cảm hứng và kêu gọi hành động của người tiêu dùng, từ đó tạo ra tác động và thay đổi tích cực trong toàn xã hội”, bà Nguyễn Thị Bích Vân cho hay.