Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi: Cần lồng ghép nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia |
Vụ mùa năm 2022, gia đình chị Hoàng Thị Đồ- Chi hội trưởng Hội phụ nữ bản Váng (xã Địa Linh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) trồng 3.500m2 bí xanh thơm, sản lượng đạt 3 tấn quả/1000m2. Chị Đồ cho biết: Toàn bộ bí xanh thơm của gia đình đã được Hợp tác xã (HTX) Nhung Luỹ bao tiêu nên rất yên tâm về đầu ra. “Bình quân mỗi năm thu nhập từ trồng bí xanh thơm được 50-60 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa”, chị Đồ nói.
Không chỉ gia đình chị Đồ, toàn bộ bà con dân tộc Tày tại bản Váng đã thay đổi cuộc sống nhờ cây bí xanh thơm và việc bắt tay với HTX Nhung Luỹ trong trồng, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. “Cuộc sống của bà con bản Váng đã thay đổi rất nhiều, khá giả hơn có nhà xây, mua được xe máy, đường làng ngõ xóm bằng bê tông đi lại dễ dàng”, chị Đồ chia sẻ.
Mô hình liên sản xuất- tiêu thụ trái bí xanh thơm giữa bà con bản Váng và HTX Nhung Luỹ là điển hình về tính hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Thành lập từ năm 2018, HTX Nhung Luỹ đã liên kết với 248 hộ dân để cùng sản xuất bí xanh thơm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bao tiêu đưa sản phẩm ra thị trường.
Liên kết sản xuất- tiêu thụ: Mô hình phát triển kinh tế hay cho bà con dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn |
Bà Đinh Tuyết Nhung- Giám đốc HTX Nhung Luỹ bày tỏ: Sau nhiều năm liên kết, cùng đồng hành với bà con trong tìm và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị cao nhằm nâng cao giá trị đất nông nghiệp và giá trị sản phẩm, kết quả thu nhập của bà con tăng đáng kể. Bản thân doanh thu của HTX cũng theo đó ngày một tăng.
Mô hình liên kết sản xuất- tiêu thụ đã được các cấp chính quyền tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ xây dựng không chỉ với trái bí xanh thơm mà còn với nhiều sản phẩm khác, như miến dong, tinh bột nghệ, quýt…và đều mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận.
Đánh giá cao cách làm hay này của chính quyền và nhân dân Bắc Kạn trong phát triển kinh tế địa phương, nhất là sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cũng cho rằng: Nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ cũng là yếu tố quan trọng giúp nông sản của tỉnh được biết đến rộng rãi.
Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng đồng thời nhận định: Còn nhiều dư địa để Bắc Kạn nâng cao giá trị và tiêu thụ tốt hơn nữa nông sản thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc sản xuất theo tiêu chuẩn cao như VietGAP, nông sản hữu cơ. Đáp ứng một số chứng chỉ quan trọng khác về vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể nhằm tạo ra thương hiệu cho Bắc Kạn về nông sản, thực phẩm.
“Đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Có thể ứng dụng công nghệ, đưa thông tin về hàng hoá, sản phẩm của Bắc Kạn lên mạng xã hội thông qua tiktok, facebook…Thậm chí, đưa lên những sàn thương mại điện tử lớn trong nước để tuyên truyền quảng bá rộng rãi”, ông Vũ Bá Phú cho hay.
Một hình thức xúc tiến thương mại nữa, theo ông Vũ Bá Phú là mới mẻ đã được UBND tỉnh Bắc Kạn bước đầu triển khai là kết hợp du lịch trải nghiệm với quảng bá nông sản chủ lực của tỉnh. Mô hình này hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều du khách, có thể đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Ngoài ra, thông qua các dự án phối hợp với tổ chức nước ngoài, tỉnh có thể tăng cường truyền thông liên quan đến việc hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số gắn với bình đẳng giới, HTX do nữ làm chủ… sẽ góp phần tăng giá trị cho sản phẩm.
“Xúc tiến thương mại truyền thống thông qua các hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm sẽ không thể thay thế. Tuy nhiên, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại rất hiệu quả và bổ sung tốt cho xúc tiến thương mại truyền thống, giúp hoạt động xúc tiến hiệu quả hơn, rộng rãi hơn và phù hợp trong nhiều bối cảnh”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Sau nhiều năm thực hiện các hoạt động quảng bá, liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ, sản phẩm bí xanh thơm nói riêng, nông sản nói chung của Bắc Kạn đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến.