Theo thông tin, lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024 tiếp tục được tổ chức với quy mô cấp tỉnh nhằm khẳng định giá trị di sản văn hóa nhà Trần ở Thái Bình và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi dịp đầu xuân mới. Chương trình khai mạc được phát sóng trực tiếp trên sóng từ 20h10 ngày 22/2, tức ngày 13 tháng Giêng với nhiều tiết mục đặc sắc.
Trong đó, sau màn trống khai hội “Long Hưng – Tôn miếu triều Trần” sẽ là vở diễn bán thực cảnh kết hợp trình diễn 3D “Hùng oanh một cõi trời Nam” với 3 chương, 8 cảnh. Được biết, với công nghệ 3D Mapping đỉnh cao, màn trình diễn mapping sống động trực tiếp trên mái Đền Trần, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Vở diễn sẽ tái hiện những trận đánh oanh liệt của quân và dân nhà Trần trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước trước những vó ngựa ngoại bang xâm lăng. Vở diễn còn khẳng định một "Hào khí Đông A" luôn vang vọng. Ở đó, quân với dân một lòng "phụ tử" thề quét sạch bóng thù, giữ cho được bờ cõi nước Nam, để cho "Non sông ngàn thủa vững âu vàng". Không chỉ có vậy, theo thông tin được đăng tải, bằng công nghệ 3D Mapping, một số hình ảnh như biểu tượng Rồng thời nhà Trần cũng được tái hiện như biểu trưng cho uy quyền của các bậc đế vương nhà Trần.
Lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024 sẽ được diễn ra từ ngày 13 đến 17 tháng Giêng |
Tiếp đó là lễ bái yết và chương trình nghệ thuật “Khúc ca khải hoàn”. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo của ban tổ chức hứa hẹn một mùa lễ hội thành công, mang đậm dấu ấn về mảnh đất, con người Thái Bình giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng.
Được biết, sự kiện khai mạc lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024 sẽ được diễn ra với một sân khấu hoành tráng, dưới bàn tay tài hoa của họa sỹ thiết kế Trịnh Hải Nam, cùng sự góp mặt của dàn diễn viên chuyên nghiệp và ekip sản xuất hàng đầu - bao gồm: Đại tá nhà văn Sương Nguyệt Minh, NSND Đỗ Quốc Hưng, NSƯT Phan Lương, nhạc sỹ Kiên Ninh, ca sỹ Tân Nhàn, NSƯT Lương Huy, nhóm Dòng Thời Gian, vũ đoàn PL, và MC VTV Mỹ Lan - Đại Dương. Chương trình hứa hẹn sẽ mang đến một đêm khai mạc lễ hội đậm dấu ấn Đền Trần Thái Bình không thể quên.
Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 13 - 17 tháng Giêng năm Giáp Thìn. Trong đó, ngày đầu tiên tổ chức lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động quan trọng như: Lễ tế mở cửa đền, lễ dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần, lễ rước nước; buổi tối là chương trình khai mạc lễ hội và lễ bái yết. Theo chia sẻ của ông Vũ Xuân Thắng, thành viên Ban Quản lý di tích đền Trần, thành viên tiểu ban nội dung lễ hội đền Trần năm 2024, năm nay lễ rước nước thu hút gần 80 đoàn ở trong và ngoài tỉnh với hơn 2.000 người tham gia, ngoài ra còn có các du khách, tín đồ Phật tử thập phương về tham dự. Nghi lễ này đã được thực hiện từ hàng trăm năm qua, gợi nhớ lại thuở hàn vi tổ tiên nhà Trần vốn làm nghề chài lưới.
Hào khí Đông A của quân và dân nhà Trần sẽ được tái hiện - Ảnh https://hungha.thaibinh.gov.vn/ |
Biểu tượng Rồng thời Trần sẽ được tái hiện bằng công nghệ 3D Mapping - https://hungha.thaibinh.gov.vn/ |
Đối với phần hội, có rất nhiều hoạt động sôi nổi, ngoài duy trì các hoạt động như năm 2023 gồm: Triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi cỗ cá, thi kéo lửa nấu cơm cần, kéo co... còn tổ chức thêm một số hoạt động độc đáo khác như: Liên hoan hát văn, hội thi viết thư pháp, thi têm trầu cánh phượng, giải vật cầu, cờ tướng, giao lưu các CLB chèo và triển khai gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP. Trong đó, liên hoan hát văn sẽ diễn ra vào tối ngày 15 tháng Giêng ở sân tòa trung tế đền Vua, thu hút sự tham gia của Hội Thanh đồng đạo quan các huyện trong tỉnh. Chương trình bao gồm các giá đồng trong hệ thống thờ nhà Trần và hệ thống thờ Tứ phủ như giá Đức Thánh Trần, giá chầu Bát Tiên La, giá các Quan Hoàng... nhằm góp phần giữ gìn, phát triển và lan tỏa nghệ thuật chầu văn.
Với triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Bình đã lựa chọn được gần 80 tác phẩm nghệ thuật của các hội viên Chi hội Nhiếp ảnh và Mỹ thuật tham gia triển lãm. Các tác phẩm là thành quả từ những chuyến thực tế sáng tác của các nghệ sĩ tại khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, xoay quanh các lễ hội truyền thống, nhịp sống thường ngày, vẻ đẹp đất và người trước mùa xuân sang, ngoài ra còn có những tác phẩm hội họa hình tượng rồng chào năm Giáp Thìn 2024 sẽ góp phần tạo nên niềm vui, khí thế mới cho mỗi người khi được thưởng thức nghệ thuật trong không gian lễ hội truyền thống. Toàn bộ các tác phẩm tham gia triển lãm sẽ được hoàn thiện khâu trưng bày từ ngày 12 tháng Giêng để phục vụ nhân dân trong suốt các ngày lễ hội diễn ra.
Thái Bình là vùng đất phát tích, hưng nghiệp của vương triều Trần, là nơi vua Trần Thái Tông sinh ra, gia tộc nhà Trần dựa vào đây mà gây dựng cơ nghiệp. Các vua Trần đã cho xây dựng hành cung Long Hưng, hành cung Lỗ Giang để tổ chức những đại lễ mừng chiến thắng và Tam Đường là nơi lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần. Đền Trần và Thái Đường Lăng tại thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, Thái Bình là đất phát nghiệp, nơi đặt mộ tổ, các vua, hoàng hậu và công chúa Nhà Trần, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là khu di tích lịch sử quốc gia. Hàng năm, tại đền Trần, người dân thường tổ chức lễ hội từ ngày 13 - 18 tháng Giêng để tri ân công đức các vị vua Trần; đồng thời giáo dục lòng yêu nước, tinh thần “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ. Lễ hội đền Trần Thái Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014; khu di tích lịch sử lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần ở xã Tiến Đức được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Những năm trước, lễ hội do UBND huyện Hưng Hà tổ chức nhưng bắt đầu từ năm 2023, sự kiện này được tổ chức quy mô cấp tỉnh, gắn với tôn vinh lễ hội đền Trần là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |