Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: Thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch Khám phá Lễ hội độc đáo chùa Dâu Bắc Ninh Hà Nội: Đặc sắc lễ hội truyền thống làng Duyên Trường |
Năm nay, lễ hội đền Suối Mỡ diễn ra từ ngày 7-9/5/2024 (tức ngày 29/3 - 2/4/2024 âm lịch), với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ hội đền Suối Mỡ là nơi suy tôn Tam tòa Thánh Mẫu, đặc biệt là công chúa Quế Mỵ Nương, người đã có công giúp người dân khơi nguồn suối lấy nước trồng trọt, mùa màng tươi tốt, khiến cuộc sống của người dân được no ấm.
Lễ tế cúng vật trong ngày Lễ hội đền Suối Mỡ tại Bắc Giang. Ảnh lehoi.info |
Theo truyền thuyết, công chúa Quế Mỵ Nương là con vua Hùng Định Vương thứ 16, người thích du ngoạn khắp nơi, đến đâu cũng đều ra ân cứu giúp dân nghèo. Một ngày công chúa đến vùng đất Nghĩa Phương thấy nơi đây cảnh đẹp kỳ thú, cây cối xanh tươi nhưng ruộng đồng lại khô nẻ vì hạn hán, dân tình đói khổ. Nàng đã cùng đoàn tùy tùng lên núi Huyền Đinh tìm nguồn nước. Đến suối Mỡ, khu vực thác Vực Mỡ, nàng đã dùng 5 đầu ngón chân ấn xuống tảng đá cho khỏi ngã. Bỗng nhiên, từ vết lõm của các ngón chân này, nước mát tuôn chảy róc rách tạo nên nhiều dòng thác lớn chảy ầm ầm, tung bọt trắng xóa. Nước từ trong lòng núi cũng bị tiếng động đó đánh thức cùng đua nhau tuôn trào thành dòng thành suối.
Lễ hội được tổ chức hàng năm với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh dulich.bacgiang |
Từ đó nhân dân nơi đây có nước canh tác, sinh hoạt, ruộng đồng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc... Để ghi nhớ công ơn của công chúa Quế Mỵ Nương, người dân gọi dòng suối là Suối Mỡ. Dọc bên bờ suối người ra lập đền Hạ, đền Trung và đền Thượng và suy tôn công chúa là Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Hàng năm, tổ chức hội để tưởng nhớ công ơn của Thánh Mẫu.
Đến với lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào không khí vui tươi mà không kém uy nghiêm của đoàn rước, được thưởng mục những màn tế lễ đặc sắc của các đoàn tế lễ, với 21 đoàn rước ở 21 thôn trong xã dâng lễ vật đến Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng để làm lễ cầu cho mưa thuận, gió hòa.
Hát chầu văn, diễn xướng hầu đồng đặc sắc tại nhà đền. Ảnh dulich.bacgiang |
Ngày hội đền Suối Mỡ là ngày rước của người dân ở nơi đây. Làng Dùm có một ngôi đình to cách đền Suối Mỡ hơn 1 km về phía đông. Từ sáng tinh mơ người dân và quan viên đã đến tế lễ ở đình. Tế xong họ xin rước sắc và bài vị của công chúa Quế Mỵ Nương ra đền suối. Đám rước có trống dong, cờ mở đi đến đền cây Xanh đến gần trưa mới tới đền Hạ. Cũng thời điểm ấy, người dân làng Quỷnh cũng bắt đầu rước từ đình Quỷnh ở phía Tây Suối Mỡ đi lên, rước qua nghè Hàn Lâm tiến về đền Trung làm lễ. Khi đám rước đi đến đền Hạ thì làm lễ tế an vị. Những năm hội lớn, lễ này thường mổ lợn to. Cuộc tế này thường diễn ra ở khu sân tiền đường của đền Hạ.
Ngoài tế lễ, hội đền còn có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: Hát chầu văn diễn xướng hầu đồng đặc sắc tại nhà đền, hát quan họ trên hồ Đảo Nổi; được nghe các liền anh, liền chị hát quan họ giao duyên ngọt ngào, những làn điệu Then của các cô dân tộc Tày với cây đàn Tính trên tay; chương trình nghệ thuật do nhà hát chèo tỉnh Bắc Giang biểu diễn; tổ chức các trò chơi dân gian, hoạt động vui chơi, giải trí: cờ tướng, cờ bỏi, chọi gà, vật, bắn cung, võ dân tộc, bịt mắt đập niêu… Các hoạt động này diễn ra đến hết ngày 02/4 âm lịch.
Lễ hội Đền Suối Mỡ là một sự kiện rất quan trọng với người dân, giúp bảo tồn nét đẹp của văn hóa dân gian, gắn kết cộng đồng. Lễ hội cũng là dịp để nhân dân địa phương và du khách thập phương cầu nguyện cho một năm mưa thuận, gió hòa, cầu tài, cầu lộc, cầu bình yên, hạnh phúc.
Lễ hội đền Suối Mỡ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015.