Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, trong đó om xòm nhất là lợi dụng truyền thông, thông tin để bôi nhọ, "tạo sóng dư luận" nhằm mục đích hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước ta, gây nghi ngờ, mất niềm tin, chia rẽ mối quan hệ nhân dân với Đảng.
Mục đích đen tối
Những ngày qua, một trong những sự kiện ngoại giao được dư luận trong nước chú ý là việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến 16-4, theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Kết quả tốt đẹp của chuyến thăm sẽ hứa hẹn mang tới những kỳ vọng mới trong quan hệ của hai nước, đặc biệt là hứa hẹn thúc đẩy quan hệ thương mại trong thực hiện các hiệp định buôn bán tự do giữ hai nước đã ký kết.
Tuy nhiên, khi nhìn toàn cảnh chuyến thăm này, nhiều người rất bất bình trước những chiêu trò của các đối tượng mang thâm thù với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Bằng cách tung thông tin “mượn gió bẻ măng”, các đối tượng chống phá cách mạng Việt Nam tiếp tục lấy nhân quyền ra để kêu gọi, định hướng, “nhờ” và thậm chí là hy vọng Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken lấy đó như một cái cớ để mặc cả với Việt Nam trong giải quyết các vấn đề trên bàn nghị sự, không cho Việt Nam hưởng các quyền ưu đãi về thuế và các quyền khác khi đưa hàng hóa sang Hoa Kỳ.
Một trong những sự kiện mà những kẻ chống phá lợi dụng đó là việc TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Lân Thắng 6 năm tù về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự và bị quản thúc 2 năm sau khi chấp hành xong hình phạt. Họ coi đây là cơ hội “vàng” để thúc đẩy con bài “mượn gió bẻ măng”, nhằm đạt mưu đồ. Xin dẫn ra một vài ví dụ tiêu biểu.
Trước giờ Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken thực hiện chuyến thăm Việt Nam thì rất nhiều các trang web tiếng Việt có máy chủ đặt ở nước ngoài gồm RFI, RFA, BBC… đã đưa thông tin: “Ngày 13-4, Bộ Ngoại giao Mỹ lên án Việt Nam vừa bỏ tù một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, và nói rằng quan hệ giữa hai nước chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền”. Họ cho rằng, các hoạt động chống nhà nước Việt Nam của bị cáo Thắng phải được xem là “công trạng”.
Cũng thời điểm này, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về và cổ vũ cho nhân quyền, có trụ sở tại Thành phố New York, Hoa Kỳ được thành lập năm 1978 đã viết bài trên trang web, kêu gọi Ngoại trưởng Blinken đến thăm Hà Nội và “thúc giục công khai giới lãnh đạo Việt Nam trong các cuộc gặp riêng để chấm dứt việc đàn áp có hệ thống quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa”. Tổ chức Ân xá quốc tế xuyên tạc việc xét xử là “Việt Nam đang làm xấu vị trí trong Hội đồng nhân quyền”.
Bên cạnh những trang web đã nêu ở trên thì những tài khoản facebook và youtuber vốn không thiện chí với Việt Nam đưa nhiều thông tin sai lệch ủng hộ cho Nguyễn Lân Thắng, kêu gọi Ngoại trưởng Hoa Kỳ đấu tranh với Chính phủ ta cải thiện tình hình nhân quyền… Ví dụ tài khoản facebook có tên Nhà báo Kiều Sơn viết bài “Tôi nghĩ khoảng chênh giữa công đường” nhằm biện minh rằng động của Nguyễn Lân Thắng: “Không một trí thức nào cho rằng Thắng có tội. Những việc Thắng làm đều vì tình yêu đất nước và với mong ước nhà nước hoàn thiện hơn, chính thể tốt đẹp hơn… Nói cách khác Nguyễn Lân Thắng chỉ hành động vị nghĩa, chỉ thực hiện quyền biểu đạt của mình cho những điều tốt đẹp hơn”. Ngoài ra còn một số tài khoản khác cũng có cách lập luận tương tự.
Trên youtuber, các tài khoản như Thoibao.de, Nguyễn Văn Đài và một số tài khoản khác cũng “tường thuật”, phân tích và cho rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam dùng điều luật mơ hồ để đàn áp những người “bất đồng chính kiến”, những “nhà dân chủ”….
Có thể nói, nhân sự kiện Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken thăm chính thức Việt Nam, các thế lực thù địch đã đã cố tình đánh tráo bản chất, hướng lái vụ án theo chiều hướng tiêu cực, nhằm tạo những làn sóng phản đối, dùng sức mạnh Mỹ để gây sức ép buộc Việt Nam “thả tự do” cho bị cáo Nguyễn Lân Thắng.
Lật tẩy chiêu “núp bóng quan lớn”
Đứng vững trên lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, trên cơ sở phát huy kết quả, đường lối đối ngoại, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý, lẽ phải.
Thực hiện chủ trương này, trong ngoại giao quốc tế nói chung và với Hoa Kỳ nói riêng, Việt Nam đã làm rất tốt các chương trình, kế hoạch đã thỏa thuận theo đúng tiến độ. Thực tế cho thấy, trong thời gian thăm chính thức Việt Nam, khi hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, hay khi hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đều có các cuộc họp báo và được nhiều trang web tiếng Việt có máy chủ đặt ở nước ngoài vốn luôn sẵn dụng ý xấu với Việt Nam đưa tin. Tuy nhiên, qua theo dõi nhận thấy, chẳng có lần nào ngài Blinken đề cập đến cái gọi là “tù nhân lương tâm” Nguyễn Lân Thắng.
Vốn chống phá Việt Nam đến u mê như VOA cũng phải thừa nhận: “Trong ba cuộc gặp, các quan chức Mỹ và Việt Nam thảo luận về "cách thức hợp tác những vấn đề trong khu vực bao gồm tiểu vùng sông Mekong, cuộc khủng hoảng khí hậu, và Biển Đông. Hoa Kỳ khẳng định cam kết nâng tầm quan hệ Đối tác toàn diện và ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Thậm chí trang này còn nhấn mạnh: Theo bản ghi của Bộ Ngoại giao Mỹ, tới đây Hoa Kỳ nhấn mạnh cam kết “hỗ trợ Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập” và “tôn trọng quyền của Việt Nam trong việc định hình tương lai của đất nước dưới hệ thống chính trị của mình”.
Như vậy, qua đây có thể thấy, mục đích ca ngợi bị cáo Nguyến Lân Thắng, kể cả khi dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - dù chưa có kiểm chứng như đã đề cập ở trên là rất rõ ràng. Có thể nói, những kẻ chống phá đã dùng chiêu trò truyền thông để “bắn tin” tới Ngoại trưởng Blinken; “kêu gọi”, “thúc giục” và kỳ vọng Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken có ý kiến với Việt Nam về nhân quyền trong chuyến thăm chính thức. Nhưng không có mục đích nào đạt được; ngược lại còn phơi bày âm mưu và thủ đoạn muốn “núp bóng quan lớn”.
Với những dụng ý xấu, liên tục phê phán Đảng, Nhà nước Việt Nam, đặc biệt, với cách đưa tin cắt ghép và bình luận chủ quan, phiến diện, một chiều về tình hình Việt Nam vốn đã thành thương hiệu thì nay bị thất bại ê chề. Đúng hơn, bị phá sản hoàn toàn. Bởi chúng ta đều biết rằng, trong phiên tòa xét xử ấy, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội nêu rõ, từ ngày 13-6-2018 đến 31-12-2020, bị cáo Thắng trực tiếp tham gia trả lời phỏng vấn các trang mạng và được đăng tải lên internet 12 video tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước. Trong đó có 11 nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân; 8 nội dung tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt; 4 nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân...
Nguyễn Lân Thắng không phải là trường hợp đầu tiên bị các đối tượng thù địch lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta. Trước đó, bọn họ đã nhiều lần lấy Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương… để xây dựng chiến dịch kêu oan, “tẩy trắng” tội danh, lôi kéo các tổ chức quốc tế, nhà ngoại giao của các bước vào cuộc, khiến dư luận dễ nhầm tưởng là các đối tượng bị xét xử oan. Xét đến cùng, đây là một chiêu trò nguy hiểm trong tổng thể chiến lược “diễn biến hoà bình” nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Quyền dân chủ, tự do ngôn luận là những quyền cơ bản của con người đã được quy định rất rõ trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật Việt Nam. Nhà nước Việt Nam luôn đặt quyền tự do dân chủ của công dân lên hàng đầu. Tuy nhiên, những cá nhân, tổ chức cố tình lạm dụng quyền này nhằm mục đích xấu, núp dưới danh nghĩa "bảo vệ quyền tự do dân chủ" mà thực chất là có những hành vi chà đạp lên quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác, xâm phạm đến Nhà nước thì đều phải chịu các chế tài xử phạt tương ứng. Chẳng cứ ở Việt Nam, pháp luật của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều rất nghiêm khắc với những tội danh lợi dụng tự do, dân chủ để kích động bạo loạn, vu khống, bôi nhọ tổ chức và cá nhân...
Cảnh giác với thủ đoạn của những kẻ tự xưng, mạo xưng "dân chủ" không bao giờ thừa.