Xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Quảng Ninh vướng gì? Quảng Trị: Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới |
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Lào Cai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, cấp uỷ chính quyền các cấp và đồng lòng của cộng đồng dân cư, nhân dân khu vực nông thôn, hết năm 2022 tỉnh Lào Cai có 62/127 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” (đạt 48,8% tổng số xã); có 04 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”; 237 thôn được công nhận “Thôn đạt chuẩn nông thôn mới”, 177 thôn được công nhận “Thôn kiểu mẫu”; 02 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Người dân và cộng đồng dân cư là chủ thể xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương. |
Tỉnh Lào Cai đã kiện toàn hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp (Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh; Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện; công chức phụ trách nông thôn mới cấp xã).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện một năm vừa qua có một số tồn tại, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Theo đó, một số Bộ, ban, ngành trung ương chưa có, hoặc ban hành các hướng dẫn nội dung, chỉ tiêu, tiêu chí do ngành phụ trách chậm, do đó khó khăn trong hướng dẫn thực hiện của các sở, ban, ngành đơn vị cấp tỉnh và việc rà soát, đánh giá, triển khai thực hiện tại cấp huyện, xã.
Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025 ban hành đã có nhiều thay đổi so với giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 có 12 chỉ tiêu tăng chỉ tiêu đánh giá tiêu chí và 13 chỉ tiêu mới được ban hành so với Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Một số chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Ví dụ như Chỉ tiêu về Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng thuộc tiêu chí Môi trường, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Một số chỉ tiêu tuy đã giao cho tỉnh quy định, nhưng còn khó khăn trong thực hiện như Chỉ tiêu 12.3 về “Tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn”, theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022. Tuy nhiên, đối với nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình mới được giao năm 2022 - 2023, chưa giao cả giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, gặp khó khăn trong việc xây dựng các danh mục nội dung dự án sử dụng vốn sự nghiệp thực hiện chương trình, nhất là việc lựa chọn, xác định quy mô các dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện chuỗi liên kết từ 2 - 3 năm.
Thực hiện quy định theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, đối với các xã khu vực II, khu vực III sau khi được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực II, khu vực III. Do đó một bộ phận cán bộ, Nhân dân tại các xã dự kiến hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới hằng năm có tâm lý không muốn hoàn thành nông thôn mới.
Việc chưa thống nhất cơ cấu, tổ chức, biên chế Văn phòng Điều phối nông thôn mới từ cấp tỉnh đến cấp huyện, ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của cán bộ, công chức, viên chức khi được điều động công tác tại Văn phòng (đặc biệt là Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện). Hiện nay thì mỗi tỉnh có cơ cấu, tổ chức khác nhau, như: Văn phòng cấp tỉnh có tỉnh trực thuộc Sở Nông nghiệp, có tỉnh trực thuộc Ban Chỉ đạo tỉnh (như tỉnh Lào Cai), có tỉnh lại thuộc Chi cục Phát triển nông thôn. Biên chế giao cho Văn phòng có cả công chức và viên chức.
Do đó, để thực hiện Chương trình trong thời gian tới hiệu quả, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị Trung ương xem xét, định hướng, điều chỉnh kịp thời để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình thời gian qua.