Lào Cai: Hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số Lào Cai: Nghề dệt của người Thu Lao được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Theo thông tin từ UBND tỉnh Lào Cai, địa phương sẽ tập trung phòng ngừa cháy, nổ do hệ thống, thiết bị điện; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người dân về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) nhằm kiềm chế, không để gia tăng số vụ cháy, nổ so với năm 2023. Đây là mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm UBND tỉnh Lào Cai đặt ra trong năm 2024 tại Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 22/02/2024 về công tác PCCC và CNCH và phát động phong trào “Toàn dân phòng cháy và chữa cháy” trên địa bàn tỉnh.
Lào Cai đặt mục tiêu kiềm chế cháy, nổ trong năm 2024 và thời gian tới (Ảnh: CTTĐTLC) |
Triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân phòng cháy và chữa cháy” năm 2024, tỉnh Lào Cai đặt ra chỉ tiêu 100% các cơ quan, đơn vị, cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC xây dựng kế hoạch phát động phong trào; có 20% cơ quan, đơn vị, cơ sở đăng ký xây dựng điển hình tiên tiến trong phong trào năm 2024, trong đó trên 80% cơ quan, đơn vị, cơ sở đăng ký được xét, công nhận đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào.
100% các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH cho học sinh, sinh viên bằng các hình thức, phù hợp với từng cấp học, ngành học.
Tiếp tục củng cố, duy trì các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân phòng cháy và chữa cháy”, trong đó 100% các hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, nổ liên kết tham gia “Tổ liên gia an toàn PCCC”; 100% hộ gia đình để ở, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC và mỗi hộ gia đình tự trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy, có ít nhất 01 người được tuyên truyền, học tập kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH.
100% các cơ quan, đơn vị, cơ sở, thôn, tổ dân phố thành lập, củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động có hiệu quả Đội dân phòng, Đội PCCC cơ sở, Đội PCCC chuyên ngành theo quy định pháp luật…
Quán triệt toàn thể cán bộ, đảng viên gương mẫu trong thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC tại cơ quan, gia đình và nơi cư trú. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của cơ quan, tổ chức, đoàn thể, hộ gia đình và cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, người lao động.
Công an tỉnh chủ động xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian mùa hanh khô, bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh; các mục tiêu, công trình trọng điểm, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế tại địa phương; đề xuất nhân rộng và khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến trong công tác PCCC và CNCH; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng phong trào “Toàn dân phòng cháy và chữa cháy”, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác PCCC và CNCH, hướng đến mục tiêu: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng cơ quan, đơn vị an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn.
Hướng dẫn người dân phòng ngừa cháy nổ, kỹ năng chữa cháy (Ảnh: CTTĐTLC) |
Mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy tinh thần, trách nhiệm, chủ động nghiên cứu, nắm vững các quy định, biện pháp cơ bản về PCCC và CNCH để tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, người dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về PCCC; hướng dẫn tự thực hiện các biện pháp phòng cháy tại nơi ở, nơi làm việc, vì sự an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của mọi người; đặc biệt chú ý các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống, thiết bị điện và phòng, chống cháy lan…
UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp xã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các cơ quan, trường học, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu vực tập trung các cơ sở kinh doanh, khu dân cư; tuyên truyền trên các trang mạng xã hội.
Vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân gương mẫu thực hiện mở lối thoát nạn thứ 2; vận động tham gia Tổ liên gia an toàn PCCC tại khu dân cư; mỗi hộ gia đình tự trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy, công cụ phá dỡ thô sơ; tuyên truyền cài đặt, sử dụng thành thạo app “Báo cháy 114; hằng ngày tổ chức tuyên truyền tình hình cháy nổ, cảnh báo và hướng dẫn biện pháp PCCC trên Đài Phát thanh - Truyền hình, qua hệ thống loa phát thanh của xã, phương, thị trấn, thôn bản, tổ dân phố vào buổi sáng và cuối chiều, bằng tiếng Việt và tiếng địa phương đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Quản lý chặt chẽ, tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các dự án công trình vi phạm quy định trong hoạt động đầu tư, xây dựng; đặc biệt lưu ý công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC, chỉ nghiệm thu công trình khi có văn bản chấp thuận nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH theo quy định.
Chỉ đạo chủ động kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng theo thẩm quyền; đặc biệt chú ý việc tự chuyển đổi công năng của các công trình, chuyển đổi nhà ở riêng lẻ sang kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, nhà hàng, khách sạn, kho bảo quản hàng hóa, cơ sở sản xuất… tại các địa phương; trường hợp không đảm bảo an toàn xây dựng, an toàn PCCC phải cương quyết xử lý, rút giấy phép xây dựng, cưỡng chế phá dỡ công trình, hạng mục công trình xây dựng trái phép; đồng thời, thông báo cho các cơ quan liên quan thu hồi giấy phép; kiên quyết không để công trình xây dựng trái phép, không đúng công năng, không đảm bảo an toàn PCCC hoạt động…