Cảng chuyên dụng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2: Vì sao chậm tiến độ? Vì sao các dự án trọng điểm TP. Hồ Chí Minh chậm tiến độ? |
Ngày 5/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 12, HĐND TP. Hà Nội tổ chức phiên chất vấn, trả lời chất vấn về việc thực hiện cam kết, lời hứa của UBND TP. Hà Nội, các sở, ngành và chính quyền các địa phương. Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đề cập đến nhiều dự án trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc và đề cập giải pháp để triển khai hoàn thiện sớm các dự án.
Cụ thể, các đại biểu đã đặt câu hỏi về tiến độ phê duyệt đồ án quy hoạch khu đất 148 Giảng Võ (từng là Trung tâm triển lãm Giảng Võ trên địa bàn quận Ba Đình) tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND TP. Hà Nội.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, dự án 148 Giảng Võ đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2016 nhưng quá trình triển khai gặp một số vướng mắc và ý kiến cộng đồng của cư dân, nên sau đó dự án đã tạm dừng.
![]() |
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn sáng 5/7 |
Ông Kỳ Anh dẫn lại thông tin của UBND TP. Hà Nội về cam kết phê duyệt, triển khai dự án trên vào giữa năm 2023 nhưng hiện chưa thể thực hiện. Nguyên nhân là một số vấn đề phải lấy ý kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Xây dựng.
Ông Kỳ Anh nói: “Đến nay, hai bộ này đã có ý kiến và các đơn vị đang tổng hợp. Chúng tôi cam kết trong tháng 7 sẽ trình nội dung nhiệm vụ và tháng 8 sẽ có đồ án để thành phố phê duyệt".
Bên cạnh đó, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, quá trình điều chỉnh quy hoạch với dự án trên, vướng mắc gặp phải là doanh nghiệp cần thoái vốn khỏi dự án theo yêu cầu của Chính phủ bởi đây là một trong 3 dự án thành phần của triển lãm quốc gia.
Sau khi nhà đầu tư đề xuất, Sở sẽ giải quyết nhanh nhất và xem xét trước những vướng mắc khó khăn để đề xuất cấp có thẩm quyền. Nếu trong năm nay nhà đầu tư trình, nhanh nhất phải đến năm 2024 mới có thể khởi công.
Liên quan đến dự án Công viên văn hoá Đống Đa "đắp chiếu" hơn 20 năm, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, UBND thành phố đã có cam kết để tháng 7/2022 được phê duyệt.
Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc nhận trách nhiệm đối với công tác triển khai quy hoạch tại đây, đồng thời chỉ ra, có những nguyên nhân mang tính chất khách quan trong quá trình triển khai. Vướng mắc chung của các công viên này là về vấn đề đất và nhà ở của dân trong các khu vực công viên.
Ngoài ra, tại Kỳ họp thứ 12, đại biểu Trịnh Xuân Quang (quận Thanh Xuân) đề cập đến dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Hà Nội (kênh dẫn nước La Khê và Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chậm tiến độ.
“Hiện công tác giải phóng mặt bằng kênh dẫn nước La Khê vẫn chưa hoàn thành, dự án chưa được tiếp tục triển khai. Đề nghị quận Hà Đông và thành phố nêu nguyên nhân chậm tiến độ và cam kết khắc phục trong thời gian tới” - đại biểu Trịnh Xuân Quang nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn, bà Cấn Thị Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Hà Đông, cho biết, dự án cải tạo tiêu thoát nước cho khu vực phía Tây Hà Nội (kênh dẫn nước La Khê và trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) có tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng là 30,7 ha, sau rà soát cần giải phóng mặt bằng 29,15 ha.
"Đến nay đã giải phóng mặt bằng được 28,45 ha, đạt 97,59% và đã bàn giao cho chủ đầu tư 26,32ha để thi công. Quá trình giải phóng mặt bằng có nhiều khó khăn do vướng nhiều cơ chế chính sách vì dự án trải qua nhiều giai đoạn. Đến nay, các vướng mắc đã được thành phố và các sở, ngành tháo gỡ, đặc biệt là công tác tái định cư" - bà Hà nói.
“Quận Hà Đông đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan để hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2023" - Chủ tịch UBND quận Hà Đông khẳng định.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, tham gia trả lời thêm về các vấn đề liên quan. Trong đó có đề cập đến dự án cải tạo tiêu thoát nước cho khu vực phía Tây Hà Nội (kênh dẫn nước La Khê và trạm bơm tiêu Yên Nghĩa).
![]() |
Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn điều hành phiên chất vấn |
Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, thành phố nhận thức trách nhiệm của mình và thường xuyên tập trung chỉ đạo tháo gỡ rất quyết liệt những vướng mắc liên quan đến khâu giải phóng mặt bằng kênh dẫn nước La Khê.
"Đến giờ các khó khăn, vướng mắc của dự án cơ bản được tháo gỡ. Quận Hà Đông và Sở Xây dựng đang tập trung giải quyết tái định cư bằng đất cho 43 hộ và 122 hộ khác tái định cư bằng nhà" - ông Quyền nói.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, phương án tái định cư đang được xây dựng nhưng trong trường hợp các hộ dân vẫn không chấp hành theo cơ chế, chính sách của thành phố thì sẽ phải thực hiện cưỡng chế. Nếu phải cưỡng chế sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Về tiến độ, ông Quyền cho biết sau khi giải phóng mặt bằng xong, các đơn vị thi công, chủ đầu tư sẽ tiếp tục xây dựng kênh dẫn nước La Khê. Thành phố chỉ đạo các đơn vị theo hướng có mặt bằng đến đâu thì xây dựng đến đó, dự kiến bảo đảm tiến độ trong năm 2023.
Được biết, dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Hà Nội được khởi công vào cuối năm 2015 với tổng mức đầu tư 7.466 tỉ đồng.
Sau 5 năm thi công, đến tháng 1/2020, trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thành với 10 tổ máy, có công suất 120 m3/giây. Tuy nhiên, từ khi trạm bơm hoàn thành, khu vực phía Tây Hà Nội bao gồm các quận huyện Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đan Phượng… vẫn chịu cảnh ngập úng; người dân rất bức xúc vì tình trạng chậm tiến độ của dự án này.
Trước đó, tại phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 vào năm 2022, liên quan đến dự án này, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong tháng 6/2022, ông đã xuống Hà Đông họp và chỉ đạo xử lý từng việc liên quan. Chậm nhất năm 2022 phải hoàn thành xong giải phóng mặt bằng theo kế hoạch.
Cần thiết, một tổ công tác của Sở Tài nguyên Môi trường sẽ vào Hà Đông để hỗ trợ xác định nguồn gốc đất để bồi thường giải phóng mặt bằng. Sau khi có mặt bằng sạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết thi công trong 6 tháng, nghĩa là đầu năm 2023 sẽ xong.