Chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu
Ngày 19/12/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức họp báo thường kỳ quý IV năm 2023. Nội dung chính của buổi họp báo là thông tin về kết quả nổi bật trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2023 và đưa ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024.
Chủ trì cuộc họp là ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và ông Phùng Quang Hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Tham dự buổi họp còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành và phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại buổi họp báo |
Theo báo cáo, tỉnh Lạng Sơn triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; những khó khăn, điểm nghẽn của nền kinh tế, thị trường bất động sản trầm lắng, sự thiếu đồng bộ giữa một số cơ chế, chính sách đã tác động đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hậu quả của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn về vốn, thị trường; các ngành sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn chậm.
Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, sự giám sát, đồng hành, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của HĐND tỉnh và các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự cố gắng, nỗ lực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế; xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có tính chất lan tỏa để chỉ đạo quyết liệt, bám sát các công việc quan trọng để tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện đạt và vượt nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Ông Nguyễn Vĩnh Phú, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn phát biểu tại buổi họp báo |
Tại cuộc họp báo, một trong những vấn đề được cơ quan báo chí quan tâm là việc phát triển kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Báo cáo cho biết, kinh tế cửa khẩu tiếp tục phát triển, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đến năm 2030; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu vực cửa khẩu chính Chi Ma, huyện Lộc Bình đến năm 2045; điều chỉnh cục bộ quy hoạch cửa khẩu Bình Nghi, huyện Tràng Định.
Kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu tiếp tục được đầu tư hoàn thiện. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Khu trung chuyển hàng hóa và Khu chế xuất 1.
Lạng Sơn cũng đã triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Khu hợp tác thương mại, du lịch Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc)” do Quỹ đặc biệt Hợp tác Mê Kông - Lan Thương viện trợ.
Tỉnh Lạng Sơn thường xuyên tăng cường trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để thống nhất các chủ trương chung về hợp tác, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Đã khôi phục hoạt động thông quan trở lại tại cửa khẩu Na Hình, hoạt động xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Chi Ma, nâng tổng số cửa khẩu hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 6 cửa khẩu; lượng xe thông quan trung bình đạt khoảng 1.100 - 1.350 xe/ngày.
Kết quả, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh tăng mạnh so với năm 2022, ước thực hiện 4.780 triệu USD, đạt 125,8% kế hoạch, tăng 56,2%; trong đó, xuất khẩu 2.730 triệu USD, đạt 210% kế hoạch, tăng 166,9%; nhập khẩu 2.050 triệu USD, đạt 82% kế hoạch, tăng 0,6% (đến 30/11/2023, lũy kế tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn ước thực hiện đạt 46.716,9 triệu USD (xuất khẩu 18.234,7 triệu USD, nhập khẩu 28.482,2 triệu USD).
Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt 4.505 triệu USD (xuất khẩu đạt 2.570 triệu USD, nhập khẩu đạt 1.935 triệu USD); kim ngạch xuất nhập khẩu các loại hình khác (bao gồm tạm nhập, tái xuất; chuyển khẩu; kho ngoại quan; quá cảnh; gia công) đạt 42.211,9 triệu USD (trong đó, xuất khẩu đạt 15.664,6 triệu USD, nhập khẩu đạt 26.547,3 triệu USD). Xuất khẩu hàng hóa địa phương ước 156 triệu USD, đạt 101,3% kế hoạch, tăng 9,9%.
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị |
Cửa khẩu thông minh thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu
Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và lối thông quan hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan.
Ông Nguyễn Vĩnh Phú, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn đã xây dựng và hoàn thiện xong đề án để trình Chính phủ, trong đó gồm nhiều giải pháp đồng bộ để xin ý kiến Trung ương và các bộ, ngành liên quan. Nếu không phải điều chỉnh và được phê duyệt thì tỉnh sẽ tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở đồng bộ và nâng cao tối đa năng lực thông quan cho các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.
Ông Phú kỳ vọng hệ thống cửa khẩu thông minh được đưa vào sử dụng sẽ giúp cho năng lực thông quan và kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng từ 2 - 3 lần so với hiện nay vào năm 2027 và tăng 4 - 5 lần vào năm 2030.
Ngoài ra, cửa khẩu thông minh sẽ giảm từ 30 - 40% chi phí bến bãi, thông quan tại cả 2 khu vực cửa khẩu là Hữu Nghị và Tân Thanh.
Đặc biệt, cửa khẩu sẽ thúc đẩy việc chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp theo hướng chính ngạch và chuyên nghiệp; giảm thiểu các rủi ro về kinh tế cho doanh nghiệp Việt Nam khi giao thương theo hình thức hiện tại.
Liên quan cửa khẩu thông minh, trước đó tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã thống nhất cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan.
Được biết, dự án trên do phía Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây triển khai dựa trên định vị vệ tinh và công nghệ 5G.
Cửa khẩu thông minh sẽ sử dụng xe tự hành vận chuyển container không người lái, thiết bị cẩu tự động, hệ thống kiểm bản đồ thông minh và có thể hoàn thành việc trao đổi thông tin logistics xuyên biên giới giữa 2 nước. Theo đó, hàng hóa sẽ được tự động không người trực 24h liên tục trong ngày.
Vốn đầu tư dự án cửa khẩu thông minh do phía Trung Quốc thực hiện vào khoảng 1,062 tỷ Nhân dân tệ, thời gian xây dựng khoảng 15 tháng kể từ ngày khởi công, dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 12/2024.