Tất bật sản xuất mùa cao điểm Tết
Làng nghề nước mắm Nam Ô là một trong những làng nghề lâu đời của thành phố Đà Nẵng, nghề làm nước mắm Nam Ô được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sản phẩm nước mắm Nam Ô không chỉ quen thuộc với người dân địa phương, mà còn được phân phối đi khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Các hộ sản xuất nước mắm tại làng nghề nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng) đang tất bật chuẩn bị cho vụ hàng Tết |
Mỗi năm, làng nghề cung ứng ra thị trường khoảng 200.000 lít nước mắm truyền thống thành phẩm. Trong đó, Tết là mùa cao điểm nhất trong năm, thường chiếm khoảng 30% tổng lượng tiêu thụ và doanh thu của năm. Năm nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19, tuy nhiên, đơn hàng Tết của các hộ sản xuất tại làng nghề vẫn khả quan.
Là thành viên làng nghề nước mắm Nam Ô, cơ sở sản xuất nước mắm Hồng Hương có sản phẩm nước mắm được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, ông Bùi Thanh Phú, chủ cơ sở cho biết, mỗi năm, đơn vị bán ra hơn 20.000 lít nước mắm thành phẩm. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác vận chuyển tiêu thụ sản phẩm cũng như nhập nguyên vật liệu như chai, hộp, thùng giấy từ các tỉnh thành gặp khó khăn, nhưng nước mắm là loại sản phẩm đặc biệt, nên số lượng bán ra trong năm qua cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Dịp Tết năm nay, đơn hàng của đơn vị tương đối khả quan.
"Dự kiến mùa Tết năm nay chúng tôi sẽ bán ra được 7000 lít nước mắm thành phẩm, chiếm khoảng 30% sản lượng của năm. Để kích cầu tiêu dùng, đơn vị còn triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cho khách, các thùng quà, hộp quà đựng nước mắm nhằm phục vụ nhiều đối tượng khách hàng”, ông Phú cho hay.
22 người lao động của hợp tác xã (HTX) nước mắm Ô Long hiện đang tích cực sản xuất để kịp đóng chai, chuyển hàng cho khách kịp thời gian đã đặt. Ông Nguyễn Ngọc Huy, Phó giám đốc HTX Ô Long cho biết, mùa sản xuất hàng dịp Tết quyết định 40% doanh thu của cả năm. “Vào vụ Tết hàng năm, chúng tôi đều bán ra hơn 5.000 lít nước mắm thành phẩm, tập trung vào thị trường Đà Nẵng là khoảng 3.000 lít. Năm nay, chúng tôi đang nỗ lực sản xuất để có thể đảm bảo được số lượng như năm ngoái hoặc hơn” ông Huy cho biết.
Mỗi năm, làng nghề Nam Ô cung cấp cho thị trường hơn 200.000 lít nước mắm thành phẩm, riêng dịp Tết chiếm tới 1/3 số lượng cả năm |
Tại các cơ sở sản xuất hộ gia đình nhỏ, sản lượng và đầu ra cũng được đảm bảo. Các hộ sản xuất đã chủ động bán hàng qua cả kênh trực tiếp và trực tuyến, thị trường tiêu thụ chính là tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận.
Bà Bùi Thị Liên, chủ cơ sở nước mắm Hai Liên cho biết, năm nay, đầu ra của nước mắm thành phẩm của hộ sản xuất được đảm bảo, khách hàng chủ yếu là người dân địa phương và khách hàng quen từ trước. Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán năm nay gia đình sản xuất được 500 lít nước mắm để xuất bán ra thị trường.
Bà Tân Thị Minh Anh, đại diện cơ sở nước mắm Tân Ngọc Vinh cho biết, khách hàng từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác cũng đã tìm vào mua nước mắm của hộ gia đình. “Những cơ sở sản xuất nhỏ như chúng tôi cũng cảm thấy được sự tích cực từ vụ mùa Tết năm nay. Từ cuối tháng 11 âm lịch, mỗi ngày chúng tôi bán được hàng chục lít nước mắm thành phẩm. Vụ Tết năm nay, gia đình dự kiến bán ra hơn 700 lít nước mắm thành phẩm.” bà Minh Anh cho biết.
Nâng cao chất lượng, hướng đến xuất khẩu
Làng nghề nước mắm Nam Ô hiện có khoảng gần 100 hội viên. Bằng những nỗ lực để truyền nghề, giữ nghề, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đến nay, nhiều thành viên của làng nghề đã thành lập được các hợp tác xã, doanh nghiệp. Bên cạnh mở rộng sản xuất, vấn đề nâng cao chất lượng, đặc biệt là “chuẩn hóa” an toàn vệ sinh thực phẩm được đặc biệt chú trọng. Ngoài nguyên liệu được lấy từ vịnh Nam Ô từ lâu, được chính tay người dân chọn lựa về độ tươi, ngon, người dân làng nghề đã chuyển đổi từ ủ chượp trong bể xi măng sang những chum sành, công nghệ đóng gói hiện đại hơn, bao bì, nhãn mác và chai đựng cũng được đầu tư về diện mạo hơn.
Các hội viên làng nghề nước mắm Nam Ô kỳ vọng vụ hàng Tết sẽ là khởi đầu tốt đẹp để làng nghề bắt tay vào khôi phục sản xuất, hướng đến xuất khẩu nước mắm truyền thống |
Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19, vụ hàng Tết được kì vọng tạo động lực để làng nghề phôi phục sản xuất sau dịch. Bên cạnh đó, các hội viên làng nghề cũng lên phương án để đưa nước mắm Nam Ô “xuất ngoại”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Huy, PGĐ HTX Ô Long, vào năm 2018, sản phẩm của HTX từng xuất khẩu qua các thị trường như Nhật Bản, Thái Lan… nhưng do giá cả vận chuyển tăng, cùng với diễn biến dịch bệnh phức tạp tại nhiều nước, HTX đã quyết định tạm ngưng xuất khẩu sản phẩm trong 2 năm trở lại đây.
“Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng tập trung vào thị trường nội địa để khôi phục và ổn định hoạt động sản xuất cũng như vững chắc về tiềm lực kinh tế. Năm 2022, nếu như mọi việc thuận lợi, chúng tôi sẽ lên phương án tiếp tục hoạt động xuất khẩu để đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ sản phẩm cho thành viên HTX.”, ông Huy cho hay.
Ông Bùi Thanh Phú, chủ cơ sở Mắm Hồng Hương cho biết, hiện sản phẩm nước mắm Hương Làng Cổ đã đạt chuẩn OCOP 4 sao, là sản phẩm thương mại đặc trưng cấp Thành phố, sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp Thành phố.
“Từ khi được chứng nhận OCOP, cơ sở cũng mong muốn được xuất khẩu sang thị trường các nước, tuy nhiên phải ‘lớn’ ở thị trường nội địa trước để làm tiền đề xuất khẩu. Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa để có thể mang nước mắm truyền thống Nam Ô, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ra thế giới.” ông Phú chia sẻ.