Làng nghề Hà Nội chủ động chuyển đổi bắt kịp xu thế mới
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng: Làng nghề Hà Nội cần chủ động chuyển đổi bắt kịp xu thế mới |
Hà Nội tự hào là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, trong đó có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có bề dày lịch sử lâu đời, gắn với lịch sử phát triển của Thủ đô và đất nước.
Tại hội thảo quốc tế “Tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đối với làng nghề trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế” ngày 18/10/2018, ông Đàm Tiến Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- cho biết, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, đang tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, nhìn chung, làng nghề nói chung và làng nghề Hà Nội nói riêng vẫn tồn tại nhiều yếu kém cần khắc phục: mẫu mã sản phẩm ít được đổi mới, sản phẩm làng nghề hiện vẫn chưa bắt kịp xu hướng của thị trường và nhu cầu khách hàng. Niều làng nghề vẫn làm thị trường theo cung cách cũ là sản xuất và bán cái mình có chứ không phải cái thị trường cần. Công nghệ thiết bị sản xuất chủ yếu là thô sơ, lạc hậu.
Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động khi 100% cơ sở làng nghề có chỉ số ô nhiễm vượt chuẩn cho phép. Kết quả khảo sát của Tổng cục môi trường cũng cho thấy, không khí ở một số làng nghề của Hà Nội có nồng độ bụi vượt 1,4-1,6 lần giới hạn. Nhiều nơi ở các làng nghề cơ khí có nồng độ kim loại nặng vượt giới hạn; nông độ nhiều chất hữu cơ độc rất cao. Nước ngầm ở các khu vực này cũng bị ô nhiễm ở mức khá nghiêm trọng. môi trường ô nhiễm do sản xuất đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đạt tiêu chuẩn nhập khẩu vào các nước phát triển đối với sản phẩm làng nghề.
Tất cả những điều này làm cho làng nghề gặp nhiều bất lợi khi bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư mang đến nhiều cơ hội cho kinh tế thế giới, do vậy, các làng nghề cũng sẽ có không ít cơ hội để phát triển trong điều kiện mới này. Nhờ những nền tảng công nghệ thông tin mà giờ đây, doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm được bạn hàng trên những diễn đàn điện tử; đồng thời cũng dễ dàng nắm bắt nhu cầu khách hàng dựa trên nền tảng phân tích dự liệu kỹ thuật số toàn cầu.
Do vậy, để hạn chế những thách thức và nắm bắt được cơ hội phát triển, các làng nghề của Hà Nội cần nhận thức rõ thế mạnh và hạn chế của mình trong bối cảnh mới, chủ động thay đổi kịp thời theo xu thế của thời đại. Thực tế, nền sản xuất công nghệ cao với khối lượng ngày càng lớn lại là cơ hội để những sản phẩm thủ công mang tính độc đáo có chỗ đứng đặc biệt trong tâm trí khách hàng. Vì vậy, những người làm nghề thủ công cần tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, để sản phẩm của mình trở thành độc đáo, tạo nên thương hiệu in đậm trong tâm trí khách hàng.
Tại hội thảo, các đại biểu trong và ngoài nước đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học có giá trị đúc rút từ các nước trên thế giới trong việc tận dụng thời cơ, cơ hội mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang lại; đồng thời đề xuất các giải pháp để phát triển làng nghề hiệu quả, bền vững, và bảo vệ môi trường.