Dãy phố tấp nập trước đây giờ vắng bóng khách hàng |
“Chợ chiều” làng gỗ
Khác với những gì chúng tôi thấy trước đây ở làng nghề gỗ nổi tiếng vùng Kinh Bắc (làng Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh): vào mùa này (từ tháng 9 đến cuối năm), từng đoàn xe tải tấp nập ra vào. Nay, con đường thông thương của làng nghề vắng tanh, người bán ngồi ngóng người mua, không ít doanh nghiệp (DN) đã đóng cửa, hoặc sản xuất cầm chừng… Nhất là sau vụ việc liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981 và cơ chế, chính sách của Trung Quốc đã khiến đồ gỗ mỹ nghệ của Đồng Kỵ nói riêng và Bắc Ninh nói chung xuất sang Trung Quốc gần như bị tê liệt. Theo Hội gỗ Đồng Kỵ, lượng hàng của làng nghề bán sang Trung Quốc hiện đã giảm 1/2, thậm chí 2/3 so với trước, giá bán các sản phẩm cũng giảm nhiều. Khoảng 30 – 50% cơ sở tạm ngưng sản xuất với trên 8.000 công nhân phải nghỉ việc; số DN, cơ sở báo vỡ nợ khoảng 5- 7%. Phần còn lại cũng đều thu hẹp quy mô chỉ còn 30 - 50% so với lúc thịnh vượng.
Không chỉ hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn mà sức tiêu thụ trong nước cũng hạn chế. Theo chủ cửa hàng ở đầu làng, sức mua trong nước giờ chỉ chiếm khoảng 20 - 30% lượng hàng sản xuất ra. Lý do chính là giá bán của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ rất cao, từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng/bộ, trong khi nền kinh tế trong nước vẫn chưa phục hồi nên người tiêu dùng không có khả năng mua những sản phẩm này.
Đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm
Để phát triển ổn định và bền vững, Hiệp hội Gỗ đang khuyến nghị các làng nghề thay thế bằng các loại gỗ khác, tìm kiếm thị trường mới… Tuy nhiên, bài toán đặt ra là phải thay đổi công nghệ và thay bằng loại gỗ nào, có tìm đủ lượng để làng nghề thay thế hay không?
Theo ông Lê Văn Cầm - quyền Chủ tịch Hiệp hội gỗ tỉnh Bắc Ninh - hàng thủ công mỹ nghệ Bắc Ninh sản xuất chỉ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng cao cấp của Trung Quốc, trong khi thị trường châu Âu, Mỹ chỉ thích các sản phẩm nội thất ngoài trời. Tại các nước ASEAN, người tiêu dùng cũng không mặn mà các sản phẩm đồ gỗ của Bắc Ninh, nguyên do thị hiếu tiêu dùng và giá của các mặt hàng này quá đắt. Như vậy, việc quay trở về thị trường nội địa không dễ.
Ông Vũ Quốc Vương - Chủ tịch Hội gỗ Đồng Kỵ - cho biết, hiện 80% các hộ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ trong làng mong muốn được chuyển đổi tìm hướng đi mới. Theo đó, làng nghề Đồng Kỵ sẽ tự chuyển sang sử dụng nguồn cung cấp gỗ rõ ràng, hợp pháp, sử dụng nguồn lao động tay nghề cao, đồng thời, xây dựng quy mô bài bản chi tiết để đưa sản phẩm vào những thị trường khắt khe như EU, Mỹ…Theo ông Vương, trước hết phải bảo đảm nguồn vốn cho làng nghề, không nên quá thắt chặt tín dụng vì nguồn vốn mà DN làng nghề dựa vào chủ yếu là ở ngân hàng.
Trước những khó khăn của làng nghề Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh đã có những chính sách hỗ trợ về vấn đề tín dụng, nhân công lao động, sản xuất… Tuy nhiên, bản thân làng nghề phải tự mình chuyển đổi thay vì phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Phải chuyển từ tư duy bán cái mình có sang bán cái thị trường cần, tìm kiếm những thị trường mới, ổn định và bền vững.
Ông Lê Khắc Côi - Giám đốc Viện gỗ và Lâm sản ngoài gỗ: Mặt hàng gỗ mỹ nghệ của Việt Nam vẫn có tiềm năng duy trì, thậm chí mở rộng thị trường tại thị trường Trung Quốc. Điều quan trọng là phải đổi mới công nghệ, cơ chế hoạt động để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và năng lực của DN, tránh “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Các DN trong ngành phải liên kết, xây dựng cơ chế, phương cách bán hàng chặt chẽ, vì mục tiêu chung chứ không phải mạnh ai nấy làm như hiện nay. |