Người dân làng Tây Tựu ăn ngủ cùng hoa vào dịp cận Tết |
Lưu giữ nghề truyền thống của quê hương
Được biết, trước đây nghề làm hương truyền thống tại xã Quảng Phú Cầu chủ yếu phát triển ở thôn Phú Thượng với quy mô nhỏ lẻ tại các hộ gia đình. Tuy nhiên, vài chục năm trở lại đây, khi mà thương hiệu tăm hương Quảng Phú Cầu phát triển, được nhiều người biết đến nên nghề này được mở rộng ra nhiều thôn khác của xã như Đạo Tú, Cầu Bầu, Quảng Nguyên,…Từ chỗ chỉ là nghề phụ, người dân tranh thủ làm lúc nông nhàn, đến nay, nghề làm tăm hương phát triển mạnh, trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho hàng nghìn hộ dân ở địa phương.
Những bó chân hương được phơi nắng trên những khoảng trống sân nhà, sân đình ở khắp xã Quảng Phú Cầu. |
Đi qua những cung đường làng, người ta tận dụng những khoảng trống ở sân nhà, sân đình, những bãi đất trống để phơi phần chân hương sau khi nhuộm. Ở làng hương này, những bó tăm hương được bó lại với kích thước lớn, đầu chụm vào nhau và chân xòe tròn đều như những đóa hoa khổng lồ đang nở dưới ánh nắng vàng rực. Hương ở Quảng Phú Cầu là loại hương màu vàng và đỏ - màu sắc may mắn của phương Đông nên rất đẹp và nổi bật.
Người dân tranh thủ từng đợt nắng, lật chân hương lên cho khô để kịp tiến hàng những công đoạn tiếp theo. |
Nghề làm hương ở đây được người dân cẩn thận lưu truyền từ đời này sang đời khác như một nghề truyền thống, một nét đẹp văn hóa đáng trân quý. Ông Long - chủ xưởng sản xuất tăm hương trên địa bàn xã Quảng Phú Cầu - cho hay: “Đời tôi làm nghề tăm hương đến nay đã được hơn 40 năm rồi, chưa kể đến đời cha ông tôi. Tôi được tiếp xúc với nghề làm tăm hương từ những ngày còn bé nên tmuốn lưu giữ và phát triển nghề làm tăm hương cho những thế hệ mai sau của làng. Như vậy, con cháu chúng tôi sẽ vừa có công việc làm kiếm thu nhập lại vừa không phải đi xa gia đình.”
Không chỉ góp phần ổn định kinh tế, những người dân làng Quảng Phú Cầu mong muốn lưu truyền lại nghề làm hương truyền thống cho các thế hệ mai sau. |
Trước kia, ở làng hương Quảng Phú Cầu, việc làm hương hoàn toàn thủ công nên khá vất vả. Nhưng hiện nay công đoạn se nhang đều được sử dụng máy móc hiện đại nên sản phẩm hương bóng đẹp và hiệu quả cao. Tính trung bình một người có thể làm được từ 15-20kg hương mỗi ngày.
Nét đặc sắc của Hương đen Xà Cầu được làm từ than đen và nhựa trám. đặc thù sở hữu màu đen và mùi thơm từ nhựa trám rừng… Chính vì được chọn lọc từ những nguyên liệu thiên nhiên ấy nên khác hẳn những mùi hương khác như: Hương trầm, hương quế, hương bài…
Được lựa chọn từ nguyên liệu thiên nhiên nên hương ở đây vừa có hương thơm đặc biệt, vừa đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. |
Theo bà Minh, người làm hương tại làng Quảng Phú Cầu, hiện nay, nhiều nơi trên thị trường vẫn đang sản xuất dòng hương truyền thống. Dòng hương này được người thợ ngâm diêm sinh trong quá trình làm giúp chân hương cuốn lại khi mỗi khi cháy. Trước, các cụ quan niệm là hương càng cuộn tàn thì càng có nhiều lộc. Thực tế, chỉ có loại hương nào được tẩm hóa chất thì khi thắp lên mới cuộn tàn lại. Bởi vậy, nếu sử dụng hương tẩm hóa chất thường xuyên, lâu dần sẽ tích tụ lại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Vì hương được sử dụng cho mục đích thiêng liêng và bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng nên các công đoạn làm hương cũng phải đảm bảo sự chu đáo, vệ sinh và hơn hết thảy là tấm lòng trong đó.
Ngày nay, hương của làng hương Quảng Phú Cầu được làm để tiêu thụ trong nước và cả xuất khẩu rộng rãi ra nước ngoài.
Làng hương nhộn nhịp dịp cận Tết
Một vụ Tết sôi động với màu đỏ ngập tràn đang đến với làng nghề trù phú của huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Làng hương Quảng Phú Cầu là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời ở Hà Nội còn tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Nơi đây không chỉ giữ cái hồn của một vật phẩm mang ý nghĩa văn hóa tâm linh mà còn là địa điểm du lịch đẹp mà du khách nên ghé thăm khi đến với Thủ đô Hà Nội.
Việc sản xuất hương nhộn nhịp nhất vào dịp cuối năm. |
Công việc làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu nhộn nhịp suốt cả năm, nhưng sôi động hơn cả là vào những tháng cuối năm. Thời điểm này, các cơ sở tại Quảng Phú Cầu tất bật chuẩn bị cho vụ hương Tết.
Dọc đường làng sắc đỏ, sắc hồng của những bó chân hương nhuộm kín cả hai bên lề đường, cạnh bờ mương, các bãi đất trống… Những máy chẻ chân hương hoạt động hết công suất để kịp đưa vào thị trường phục vụ cho dịp tết nguyên đán Quý Mão 2023 sắp tới.
Bà Lê Hồng Mai (65 tuổi, chủ cơ sở Gia Huy) cho biết: “Mấy năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên chúng tôi cũng không sản xuất nhiều, phải nhờ vào hỗ trợ của nhà nước để duy trì việc làm hương tăm. Nhiều gia đình còn phải đóng cửa vì không đủ kinh phí để duy trì công việc. Nhưng năm nay hoạt động mua bán đã khởi sắc hơn. Những ngày cận Tết như này mỗi ngày chúng tôi sản xuất từ 70 - 100 kg.”
“Hương ở đây bán cho thương lái, các mối quen với giá từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg. Người lấy hàng chủ yếu đều là khách quen cho nên việc buôn bán của xưởng luôn được duy trì. Cứ mấy ngày lại có một xe đến chuyển hàng đi.”, bà Mai chia sẻ thêm.
Cũng trong dịp Tết này, nhiều khách du lịch thập phương và người nước ngoài cũng ghé thăm làng hương để check in và khám phá vẻ đẹp của những bó hương khoe sắc dưới ánh nắng vàng.
Những bó tăm hương được nhuộm nhiều màu và xếp phơi theo những hình bắt mắt như cây thông noel, lá cờ, bản đồ… với mục đích để khách đến tham quan và check-in. Một lượt vào chụp ảnh có giá từ 50.000 - 100.000 đồng. Việc làm này vừa có thể tạo thêm thu nhập lại vừa có thể quảng bá thêm thương hiệu của làng nghề nên hiện nay cũng có một vài người cũng đang triển khai mô hình tương tự.