Khám phá nông trại hoa lớn nhất Đà Lạt |
Đa dạng các loại hoa phục vụ Tết
Làng hoa Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm là một trong những vùng trồng hoa lớn nhất của Hà Nội, với diện tích hơn 650ha trồng các loại hoa: cúc, hồng, ly, đồng tiền… Những ngày cận Tết Qúy Mão, người dân làng hoa đang tất bật thu hoạch hoa để cung cấp cho thị trường Thủ đô và các vùng lân cận.
Những cánh đồng hoa cúc được chăm sóc kĩ để nở đúng ngày, đúng tháng |
Ở Tây Tựu có đến hơn 60% hộ gia đình làm nghề trồng hoa. Tùy từng diện tích và mỗi loài hoa có mức đầu tư khác nhau. Theo tính toán của một chủ vườn hoa, mức đầu tư trung bình cho một vườn hoa có thể từ vài trăm triệu lên tới vài tỷ đồng từ khâu giống đến các khâu chăm sóc, đầu tư nhà vườn....
Những loại hoa quen thuộc được người dân Tây Tựu trồng vào dịp cuối năm chủ yếu là hoa ly, hoa cúc, hoa hồng. Những ngày gần đây, thời tiết thay đổi thất thường nên ảnh hưởng đến chất lượng hoa và thời điểm thu hoạch.
Do vậy, để đảm bảo chất lượng hoa và thời điểm thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán, nhiều ruộng hoa tại làng Tây Tựu được trồng trong nhà lưới, thắp điện sáng cả ngày để giữ ấm cho hoa. Nhiều nhà vườn đã mạnh dạn đầu tư xây nhà lạnh, làm giàn, nhà lưới che phủ, hệ thống chiếu sáng, hệ thống phun tưới để sản xuất, đưa ra thị trường những bông hoa chất lượng.
Hoa ly được dự báo sẽ ngày càng tăng giá vào dịp Tết |
Tại nhà vườn Tập Trường, hoa ly đang được thu hoạch để phục vụ cho dịp Tết. Chủ nhà vườn chia sẻ: “Năm nay vườn ly nhà tôi cũng nở đẹp đúng dịp nên cũng được giá, giá bán cho mỗi đơn hoa tại vườn tại thời điểm ghi hình là 200.000đ /10 cành. Khả năng sẽ còn được tăng hơn cho tới dịp giáp Tết".
Với hoa cúc, hiện tại giá bán buôn dao động từ 100.000 - 140.000 đồng cho 50 bông. Hoa hồng đẹp giá 3.000 - 4.000 đồng/bông, hoa cúc 4.000 - 5.000 đồng/bông. Cúc vàng, cúc trắng là loài hoa chủ đạo của làng Tây Tựu thời gian này, giá bán sỉ từ 100.000 - 140.000 đồng/50 bông.
Ruộng violet này đã bắt đầu đơm hạt, nở hoa |
Từ sáng sớm, ông Nguyễn Văn Kiên đã cùng vợ ra vườn chăm những luống hoa cúc để nở đúng, nở kịp vào dịp cuối năm. Ông chia sẻ: “Nhà có 10 sào ruộng đều trồng hoa cúc bởi đây là giống cây ngắn ngày lại dễ chăm sóc. Ngoài ra, giống cúc này rất phù hợp để bán vào dịp mùng một, ngày rằm hàng tháng, đặc biệt là dịp Tết, như Tết ông Công ông Táo, đi tảo mộ, cắm trên bàn thờ, trồng vào chậu để trang trí.”
“Thời tiết năm nay thất thường, nắng nóng kéo dài đến tận cuối năm nhưng cũng may gần đây trời trở lạnh nên hoa không bị nở sớm, khi bán cũng không bị mất giá nhiều”, ông Kiên chia sẻ thêm.
Người dân đối diện với nỗi lo “mất Tết”
Ngoài kỹ thuật trồng và chăm sóc, yếu tố quyết định đến năng suất hoa chính là thời tiết. Nếu trời nắng ấm, độ ẩm cao thì hoa sẽ dễ nở, còn nếu trời mưa liên tục hoa sẽ xấu, bị mất giá.
Dù đã có kinh nghiệm trồng hoa đã hơn 20 năm nay nhưng trước diễn biến thất thường của thời tiết, chị Đinh Hồng Thắm vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận.
Do thời tiết thất thường, nhiều người nông dân lo lắng vì hoa nở không đúng ý muốn |
“Năm nay giá hoa có nhỉnh hơn một chút so với năm trước nhưng giá phân bón và nguyên vật liệu khác lại tăng nên mỗi sào hoa cũng chẳng lãi được bao nhiêu. Thời tiết thất thường nên có luống hoa còn nở sớm, luống thì mới hé nụ không kịp Tết thì người dân chúng tôi chỉ biết lấy công làm lãi để có cái Tết ấm no", chị Đinh Hồng Thắm nói.
Lứa hoa sớm đã không được giá, còn lứa hoa dự cho đợt Rằm tháng Chạp thì lại chưa thể khoe sắc. Chị Thắm nhìn luống hoa chưa hé nụ mà ngao ngán: "Lứa hoa này sẽ thu hoạch vào tầm 17-18 tháng Chạp không phải ngày rằm, ngày lễ nên hoa cũng không được giá."
Cùng chung nỗi lo mất Tết, chị Lan Anh ở ruộng bên cũng lo lắng bởi chưa năm nào chị chứng kiến thời tiết hanh khô, ít mưa và khắc nghiệt như năm nay. “Ruộng này tôi mua giống trồng hơn 1 vạn cây mà nay chỉ còn độ 800 - 900 cây hoa cúc. Giá như bây giờ tầm hơn 20.000 đồng/cây thì chỉ đủ thu hồi vốn thôi. Từ giờ đến Tết nếu giá có nhích lên một chút thì mới có tí lãi”.
Nhiều chủ vườn đều nhận định, năm nay thời tiết không được thuận lợi nên việc thu hoạch cũng thất thường. Trong khí đó, mỗi lần đến dịp thu hoạch đại trà thì còn phụ thuộc vào mức tiêu thụ.
"Làm nghề này rất vất vả, phải canh chừng thời tiết, chăm bón, phun thuốc nếu không cẩn thận thì thân cây sẽ bị cong. Khi thu hoạch về thì phải bao bọc từng cành, từng bó hoa rồi mới giao cho khách", chủ vườn Tập Tường cho biết, nếu vào thời điểm thu hoạch đại trà, gia đình chị phải thuê thêm người thì mới kịp trong vài ngày.
Giấu nỗi lo vào trong, người dân vẫn ngày ngày ra đồng chăm sóc từng bông hoa để mong mang về nhà một cái Tết trọn vẹn, ấm áp hơn. |
Nhiều năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu thị trường giảm, không có người mua. Sang năm nay tình hình ổn định thì người dân lại phải chịu cảnh hoa mất mùa, rớt giá.
Với người nông dân để thu được một vụ hoa mất thời gian khoảng 5 tháng với bao công sức, tiền của.
Cả năm chỉ trông chờ vào vụ hoa Tết để có thêm thu nhập nhưng thực tế lại đang khiến những người trồng hoa thấp thỏm, lo âu. Và "mất Tết" cũng là điều mà nhiều người trong số họ đã nghĩ đến...