Bệnh viện Bạch Mai làm rõ ca tử vong sau thay van động mạch chủ
Ngày 20/8, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai (thành phố Hà Nội) cho biết, liên quan đến ca tử vong sau thay van động mạch chủ qua da ở Đắk Lắk, bệnh viện đã yêu cầu bác sĩ tham gia có bản tường trình cụ thể sự việc.
Sau khi tiến hành rà soát các văn bản, giấy tờ liên quan quy chế hợp tác, bệnh viện sẽ họp để làm rõ về sự việc.
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai đã nhận được văn bản từ Sở Y tế Đắk Lắk về ca tử vong sau thay van động mạch chủ qua da tại Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột, có sự tham gia của ê-kíp Bệnh viện Bạch Mai.
Theo văn bản này, có 3 bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai là bác sĩ thuộc Viện Tim mạch Quốc gia, đã tham gia ca can thiệp.
Trong văn bản do ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, ký, bệnh nhân tử vong sau ca can thiệp được thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột, với sự tham gia của ê-kíp Bệnh viện Bạch Mai là bệnh nhân nữ, 67 tuổi.
Bệnh nhân được can thiệp thay van động mạch chủ qua da ngày 28/7. Đến ngày 29/7, bệnh nhân ngưng tuần hoàn, rối loạn nhịp thất ác tính, tràn máu ngoài màng tim, chèn ép tim và sau đó tử vong.
Sở Y tế Đắk Lắk đã họp Hội đồng chuyên môn ngày 14/8, gửi báo cáo đến Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Thanh tra Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai hôm 16/8.
Theo nội dung công văn gửi đến Bệnh viện Bạch Mai, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Đắk Lắk cho biết liên quan ca can thiệp, khi chẩn đoán trước phẫu thuật chưa thực hiện đầy đủ các cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán, như chụp động mạch vành, đo đường kính lỗ van, đường kính góc động mạch chủ…
Khi xử lý biến chứng thì chỉ định mở ngực là chưa phù hợp vì chưa có đội ngũ phẫu thuật tim, chưa có tuần hoàn ngoài cơ thể và các máy móc hỗ trợ hồi sức tim. Bác sĩ điều trị chưa đánh giá được tổn thương cấu trúc van tim và cơ tim.
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết về mặt pháp lý, từ trước đến nay, tất cả các hoạt động của bệnh viện liên quan đến đi làm bên ngoài, đi hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn các viện khác, hợp tác chuyển giao kĩ thuật đều có văn bản cụ thể.
Việc bác sĩ đi hội chẩn cũng cần có giấy mời hội chẩn, bệnh viện có văn bản cử đi; hỗ trợ chuyên môn hay hợp tác chuyển giao kỹ thuật đều có đầu mối, văn bản cụ thể.
Thông tin mới nhất vụ lùm xùm điểm thi vào lớp 10 ở Thái Bình
Nhằm khắc phục những sai sót trong công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD-ĐT)Thái Bình đã thành lập tổ công tác liên ngành để tiến hành rà soát, kiểm tra, đối khớp lại điểm thi từng bài thi của tất cả thí sinh đã tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025; công bố bảng điểm này lên hệ thống tuyển sinh đầu cấp vào 9h, ngày 20/8.
Đơn vị này cũng tổ chức xét tuyển vào trường THPT chuyên theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, công bố điểm chuẩn và xét tuyển đợt 1 (90% chỉ tiêu) đối với 29 trường THPT công lập.
Tỉnh sẽ tổ chức cho học sinh đăng ký xét tuyển đợt 2 thông qua hệ thống tuyển sinh đầu cấp (từ sau khi công bố danh sách xét tuyển đợt 1 đến trước 15h ngày 23/8); tiến hành xét tuyển và công bố trúng tuyển đối với 10% chỉ tiêu còn lại trong ngày 23/8.
Những học sinh và phụ huynh có nhu cầu có thể tiếp tục nộp đơn phúc khảo từ ngày 21 tới 25/8 để được chấm thi phúc khảo lần 2. Những thí sinh không trúng tuyển vào trường THPT công lập muốn đăng ký xét tuyển vào các trường THPT tư thục và trung tâm GDNN-GDTX huyện/thành phố theo nguyện vọng sẽ đăng ký trên hệ thống tuyển sinh đầu cấp từ ngày 24/8 - 27/8.
Tỉnh cũng chỉ đạo các trường THPT tư thục và trung tâm GDNN-GDTX huyện, thành phố tổ chức xét tuyển theo chỉ tiêu được giao và báo cáo về Sở GD-ĐT phê duyệt xong trước ngày 27/8.
Đối với 243 thí sinh từ đỗ thành trượt, Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể tổ chức gặp mặt để động viên và hướng dẫn các em đăng ký học tập tại các trường THPT tư thục, Trung tâm GDNN-GDTX huyện, thành phố và các trường nghề trên địa bàn tỉnh nếu có nhu cầu, đảm bảo tất cả học sinh đều có quyền được đến trường.
Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt các điều kiện để tiến hành khai giảng năm học 2024-2025 đúng thời gian quy định. Cùng đó, Sở yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân dẫn đến những sai sót trên và xử lý nghiêm theo chỉ đạo các cấp có thẩm quyền; tiếp tục thực hiện các giải pháp để khắc phục những tác động tiêu cực đối với học sinh, phụ huynh và các cơ sở giáo dục.
Phó Chánh Thanh tra tỉnh Thái Bình Phạm Công Dịch - Trưởng đoàn Thanh tra cho biết, trong quá trình thực hiện hồi phách bài thi tự luận, số lượng bài thi được kiểm tra khớp phách bằng tay chỉ đạt tỷ lệ 0,71%, không đảm bảo ít nhất 20% số bài thi tự luận theo quy định.
Nguyên nhân vi phạm được chỉ ra, do Trưởng ban Thư ký và cá nhân liên quan của ban Thư ký đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình Nguyễn Viết Hiển và Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, giám sát, không kịp thời báo cáo UBND tỉnh về sự cố bất thường tại kỳ thi này.
Điều này kéo theo 252 thí sinh từ trượt thành đỗ, trong đó 15 thí sinh đỗ trường chuyên. Ngược lại, 243 thí sinh tại các hội đồng thi trường THPT đại trà từ đỗ thành trượt và 15 thí sinh hội đồng thi chuyên sẽ ra khỏi danh sách trúng tuyển vào trường chuyên.
Nguyên Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu và 3 lãnh đạo doanh nghiệp bị đề nghị truy tố
Ngày 20/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Phạm Minh An, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng 5 bị can khác, trong vụ án “Vi phạm quy định đấu thầu và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thông tin về vụ án, Báo Công an Nhân dân cho biết: Đây là vụ án có liên quan đến gói thầu mua sắm thiết bị phòng mổ hybrid (gói thầu số 25) thuộc dự án trang thiết bị y tế Bệnh viện Vũng Tàu.
Chủ đầu tư của dự án là Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tổng mức đầu tư của toàn bộ trang thiết bị y tế cho bệnh viện này hơn 400 tỷ đồng.
Ông Phạm Minh An |
Theo kết luận điều tra, gói thầu nói trên được quyết toán hơn 36 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư thiệt hại số tiền lên đến hơn 18,3 tỷ đồng.
Kết luận điều tra đề nghị truy tố tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" đối với các bị can Phạm Minh An, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trần Mạnh Hải, nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế và Đỗ Hữu Hải, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Sơn Hà.
Ba bị can khác cùng bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định đấu thầu" gồm: Huỳnh Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân, Lê Hữu Lễ, Trưởng phòng Thiết bị y tế Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex, Tạ Quang Trường, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex.
Theo kết luận điều tra, bị can Huỳnh Tuấn Anh đã thông đồng với Lê Hữu Lễ và Tạ Quang Trường cung cấp thông tin không trung thực để Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex trúng gói thầu số 25.
Nhưng thực chất Công ty Tạ Thiên Ân của Huỳnh Tuấn Anh là doanh nghiệp bán thiết bị y tế cho chủ đầu tư thông qua Công ty Vimedimex.
Kết quả, gói thầu số 25 có trị giá hơn 36 tỷ đồng nhưng gây thiệt hại cho chủ đầu tư số tiền hơn 18,3 tỷ đồng như kể trên. Bản thân Công ty Vimedixex được chia hơn 680 triệu đồng.
Đối với ông Phạm Minh An, cơ quan điều tra xác định do tin tưởng vào thuộc cấp là Trần Mạnh Hải nên không kiểm tra tài liệu, không yêu cầu báo cáo, dẫn đến việc ông An ký quyết định tổ chức đấu thầu, thực hiện gói thầu vào tháng 5/2021 gây thiệt hại cho nhà nước số tiền trên.
Với trách nhiệm của doanh nghiệp tư vấn, bị can Đỗ Hữu Hải đã dùng bản dự thảo chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý để lập tờ trình cho chủ đầu tư.
Còn bị can Trần Mạnh Hải với trách nhiệm phụ trách trực tiếp hồ sơ thầu, biết tờ trình của Đỗ Hữu Hải không có giá trị nhưng vẫn trình cho Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh An ký duyệt.