Thời gian này, nếu du khách đặt chân đến TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) không thể bỏ qua các điểm tham quan khu du lịch vườn hồng đang vào mùa chín rộ, đặc biệt du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, tự tay hái những trái hồng chín mọng và nhâm nhi, thưởng thức những ly cà phê dưới tán cây hồng.
Khách du lịch tham quan vườn hồng đang chín rộ |
Sản phẩm theo phương pháp "hồng treo gió" công nghệ Nhật
Trong số các vườn hồng mà chủ nhân đang sử dụng để mở quán cà phê, làm điểm tham quan, trải nghiệm, thì khách du lịch không thể bỏ qua vườn hồng Lễ Vân, địa chỉ 45 Khe Sanh, phường 10, TP. Đà Lạt.
Chủ nhân của vườn hồng - bà Đặng Thị Thu Vân (62 tuổi) cho biết, vườn hồng của gia đình bà rộng 7.000m2 được trồng cách đây gần 50 năm về trước, sau nhiều lần thay thế, ghép cành đến nay vườn hồng của gia đình bà còn khoảng 300 gốc.
Ấn tượng quán cà phê ngay tại vườn hồng của bà Vân |
Bà Vân nhớ lại, bắt đầu bà khởi nghiệp làm hồng sấy từ những năm 1984, lúc đó, gia đình bà chỉ đơn thuần sản xuất hồng sấy với phương pháp thủ công, số lượng, sản lượng không nhiều, chất lượng không cao, giá trị kinh tế thấp.
Đến năm 2012, khi chính quyền địa phương phối hợp với Tổ chức Jica của Nhật Bản đã hỗ trợ, hướng dẫn người nông dân TP. Đà Lạt sản xuất hồng bằng phương pháp “hồng treo gió” công nghệ Nhật Bản và hộ gia đình bà Vân gần như là hộ đầu tiên áp dụng công nghệ này đến nay rất hiệu quả. Hiện nay, mỗi 1kg hồng thành phẩm gia đình bà Vân bán sỉ với giá từ 250.000 – 340.000đồng/kg.
“Với việc áp dụng phương pháp sản xuất hồng treo gió bằng công nghệ Nhật Bản, đòi hỏi cơ sở sản xuất phải đảm bảo an toàn, nếu sơ xuất lựa phải những trái hồng bị hư, bị thối sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, mỗi trái hồng sau khi thu hoạch đều được lựa chọn rất kỹ, rất tỉ mỉ và được kiểm tra nghiêm ngặt trước khi được mang đi chế biến”, bà Đặng Thị Thu Vân cho hay.
Sản phẩm "hồng treo gió” công nghệ Nhật Bản |
Điểm đến không thể bỏ lỡ trong mùa thu Đà Lạt
Ngoài việc bán các sản phẩm hồng sấy, hồng giòn, hồng treo gió, gia đình bà Vân đã sử dụng vườn hồng để làm quán cà phê, đón khách đến tham quan, du lịch đã đem lại thu nhập về giá trị kinh tế ổn định, kể cả khi hết mùa hồng thì khách du lịch vẫn đến để nhâm nhi, thưởng thức những ly cà phê nguyên chất dưới tán những cây hồng, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành.
Khách du lịch đến tham quan vườn hồng, chụp hình check-in |
Bà Vân chia sẻ thêm, đặc trưng của vườn hồng Lễ Vân khác với các vườn hồng khác là do vườn hồng được trồng bởi giống hồng vuông hay còn gọi là “hồng ông Đồng”, loại hồng muộn nhất Đà Lạt, vì vậy, vườn hồng Lễ Vân luôn là điểm đến lý tưởng của du khách thập phương.
Vườn hồng Lễ Vân đón trung bình khoảng 200 - 300 khách du lịch mỗi ngày, riêng các ngày cuối tuần, ngày lễ, khách đến đông hơn khoảng từ 500 khách trở lên, đặc biệt đã thu hút rất nhiều các bạn trẻ về đây mua hồng, dạo chơi, tham quan, trải nghiệm, chụp hình check-in…
Du khách tự tay lựa chọn hái những trái hồng chín đỏ và thưởng thức tại chỗ |
Các sản phẩm được chế biến từ hồng Đà Lạt như hồng giòn, mứt hồng, hồng treo… ăn rất ngon, giá trị dinh dưỡng cao, sạch sẽ bởi không có thuốc bảo vệ thực vật; nếu trước đây du khách chỉ biết và mua hồng về ăn từ các cửa hàng bán trái cây hoặc bán trong siêu thị, thì nay khi đến vườn hồng vừa được tham quan, vừa được tự tay lựa chọn hái những trái hồng chín đỏ và thưởng thức ăn tại chỗ đã mang lại nhiều cảm giác đầy thích thú cho du khách.
Bà Đặng Thị Thu Vân (áo đen), chủ vườn hồng Lễ Vân đang tiếp thị, bán các sản phẩm được chế biến từ hồng cho khách du lịch |
Chị Đào Thu Hà, một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chị đưa gia đình đến tham quan vườn hồng Lễ Vân từ sáng sớm, đến đây tận hưởng không khí trong lành, nhìn bầu trời có sương mù phẳng phất hòa quyện vào những trái hồng chín đỏ, rực rỡ và trên cành cây, kẽ lá vẫn còn đọng lại những giọt sương mờ cảm giác trong người tôi thật nhẹ nhàng và dễ chịu”.
“Tôi thấy hình thức kinh doanh tham quan mua hồng và kinh doanh quán cà phê vườn hồng rất hay, thu hút được sự tò mò, là nơi để tham quan, chụp hình rất lý tưởng. Mặt khác, những trái hồng nặng trĩu trên cây đang chuyển từ màu xanh qua màu hường, rồi qua màu đỏ rực, giống như những dây bóng đèn đủ màu sắc được chủ nhân trang hoàng cho cây hồng, đã tạo cho tôi và du khách đến tham quan một cảm giác thật thú vị”, anh Nguyễn Trung Toàn, một du khách khác chia sẻ.
Ngoài các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của Đà Lạt như Dâu tây, Atiso… thì trái hồng và các sản phẩm chế biến từ trái hồng Đà Lạt luôn mang trên mình vai trò là một "sứ giả" với thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Vì vậy, các vườn hồng hiện nay cần phải được duy trì, phát triển để thu hút khách du lịch đến với Đà Lạt tham quan, nghỉ dưỡng.