Theo đại diện Sở Công Thương Lâm Đồng, bên cạnh việc chiếm lĩnh thị trường trong nước, việc thúc đẩy xuất khẩu là rất cần thiết. Nhìn nhận được vấn đề đó, thời gian qua, ngành Công Thương Lâm Đồng luôn chú trọng các hoạt động trong lĩnh vực này, nâng cao chất lượng sản phẩm để thu hút, thuyết phục sự lựa chọn của các khách hàng ở nhiều quốc gia khác.
Theo số liệu của Sở Công Thương Lâm Đồng, 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tỉnh này tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 484,41 triệu USD, tăng 13,14% so với cùng kỳ. Trong đó mặt hàng nông sản vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với, thị trường xuất khẩu chính là: Nhật Bản, Đài Loan, các nước Liên minh châu Âu.
Các loại trà, cao Atiso là mặt hàng mang thương hiệu đặc trưng của Đà Lạt |
Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu thì chè, cà phê, hoa, rau-củ-quả chiếm số lượng lớn.
Cụ thể, cà phê vẫn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong mặt hàng nông sản với tổng giá trị xuất khẩu đạt 141,69 triệu USD. Hiện nay 80% cà phê của Lâm Đồng được các tập đoàn như OLAM, Louis Dryfus, Nestle thu mua, 20% được chế biến và xuất khẩu trực tiếp bởi các công ty khác. Thị trường xuất khẩu mặt hàng cà phê đa dạng với các nước Khu vực Đông Á, Liên minh Châu Âu và Mỹ.
Hoa tươi cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Lâm Đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2019, “Thành phố Hoa” thu về 35,55 triệu USD lợi nhuận xuất khẩu hoa. Đây là một trong 3 mặt hàng có sự tăng trưởng lớn cả về số lượng và giá trị. Hoa xuất khẩu bao gồm hoa cắt cành, hoa chậu như: hồng, cẩm chướng, cúc, lily, cát tường, lan hồ điệp…Đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu hoa lớn chủ yếu là các doanh nghiệp FDI.
Mặt hàng xuất khẩu rau-củ-quả xếp vị trí thứ ba với 30,21 triệu USD, mặt hàng chè xếp vị trí thứ 4 về xuất khẩu nông sản với 14,07 triệu USD. Trong đó, chè chế biến xuất khẩu bao gồm: chè ô long, trà xanh, trà lên men và trà sơ chế.
Ông Võ Ngọc Hiệp- Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng cho hay, trong những năm qua Sở Công Thương Lâm Đồng đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ xuất khẩu. Trong đó, đã xây dựng, triển khai các đề án phát triển các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực có sự phối hợp đồng bộ của nhiều đơn vị. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cơ hội quả bá sản phẩm đến với khách hàng.
“Sở Công Thương thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kỹ năng trong hoạt động xuất khẩu cho doanh nghiệp, phổ biến thông tin về các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, tập huấn nghiệp vụ xuất khẩu, khai báo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cách tìm kiếm khách hàng thông qua các dịch vụ trực tuyến”- ông Hiệp cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Võ Ngọc Hiệp cũng có không ít khó khăn và thách thức đang đặt ra cho xuất khẩu hàng hóa nông sản của Lâm Đồng như: các mặt hàng nông sản chủ yếu chế biến thô nên có giá trị gia tăng thấp; chưa tạo được thương hiệu riêng cho các mặt hàng; doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chưa nhiều năng lực cạnh tranh thấp; việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe cũng sẽ tạo nên rào cản bất lợi cho hàng hóa, đặc biệt là nông sản xuất khẩu Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung.