Chiều ngày 19/9, thông tin từ lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết, trên cơ sở xem xét đề xuất chấp thuận các vị trí đổ vật liệu dư thừa trong quá trình thi công dự án xây dựng đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) của Công ty Cổ phần Đèo Cả tại Văn bản số 1045/2024/DCG và cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương của Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang tại Văn bản số 27/2024/CV-FUTA; theo đó, nhu cầu đổ vật liệu dư thừa trong quá trình thi công dự án xây dựng đường cao tốc tại các huyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tổng là 16.768.849 m3 (trong đó dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương là 11.883.000 m3, dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là 4.885.849 m3).
Gần 100 vị trí đổ vật liệu dư thừa khi thi công 2 dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Ảnh: CTV |
Đối với dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, nhu cầu đổ vật liệu dư thừa trong quá trình thi công là 4.885.849 m3, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đề xuất 31 vị trí với tổng khối lượng lưu chứa 3.037.800 m3. Tuy nhiên, tổng khối lượng lưu chứa của các bãi thải được đề xuất vẫn chưa đảm bảo nhu cầu đổ thải, cần bố trí thêm các vị trí để lưu chứa với khối lượng 2.034.132 m3, cụ thể: Đạ Tẻh là 1.061.800 m3 (thiếu 1.507.993 m3), Bảo Lâm là 1.400.000 m3 (thiếu 526.139 m3), Đạ Huoai là 271.000 m3 (có khả năng tiếp nhận thêm 1.400 m3) và TP. Bảo Lộc là 305.000 m3 (có khả năng tiếp nhận thêm 184.623 m3).
Đối với dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, nhu cầu đổ vật liệu dư thừa trong quá trình thi công là 11.883.000 m3. Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang đề xuất 68 vị trí với tổng khối lượng lưu chứa 13.914.280 m3. Tổng khối lượng lưu chứa của các bãi thải được đề xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu chứa.
Bản đồ toàn tuyến cao tốc nối TP. Đà Lạt và TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, qua đánh giá hầu hết các vị trí đổ vật liệu dư thừa được đề xuất là đất của các hộ cá nhân, tổ chức đã được cấp quyền quản lý sử dụng và còn lại một phân nhỏ là đất công do UBND các xã quản lý. Do đó, cần thực hiện công tác khảo sát, đánh giá các vị trí đổ thải theo đề xuất làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản thống nhất vị trí đổ thải.
Qua đó, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị, đề xuất để đảm bảo các yêu cầu, điều kiện đáp ứng các quy định hiện hành, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và điều kiện thi công dự án làm cơ sở báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận đối với các vị trí tập kết khối lượng dư thừa.
Vị trí đề xuất bãi đổ thải số 18 tại xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: CTV |
Về tiêu chí và yêu cầu khi lựa chọn vị trí đổ thải phải ưu tiên lựa chọn vị trí thuộc đất công hoặc đất đã được quy hoạch bãi đổ thải, các dự án đầu tư công đang cần nhu cầu đất đắp…
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND TP. Bảo Lộc và UBND các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng phối hợp với Sở và Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh khảo sát thực tế để đánh giá toàn bộ các vị trí đổ vật liệu dư thừa trong quá trình thi công dự án theo đề xuất của 2 đơn vị Công ty Cổ phần Đèo Cả và Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang.
Đồng thời, rà soát, đề xuất bổ sung vị trí đổ thải khác nếu phù hợp hơn theo các tiêu chí và yêu cầu khi lựa chọn vị trí đổ thải và có văn bản thống nhất đối với các vị trí đổ thải phù hợp làm cơ sở để Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản thống nhất vị trí đổ thải theo quy định.