Vượt bất động sản, trái phiếu ngân hàng chiếm lĩnh thị trường Công ty tài chính không được mua, bán trái phiếu do ngân hàng phát hành |
Lãi suất lên đến 8%
Vừa tất toán 2 tỷ đồng tiết kiệm, kỳ hạn 36 tháng với mức lãi suất 7,5%/năm tại một ngân hàng thương mại, chị Quỳnh Hương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, đã chuyển số tiền này sang đầu tư mảng trái phiếu ngân hàng với lãi suất xấp xỉ 8%/năm. “Thị trường bất động sản đang “ngáo giá” rất cao, vàng khó mua, còn chứng khoán thì nhiều rủi ro,… nên tôi quyết định chọn mua trái phiếu ngân hàng vì lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm và độ rủi ro thấp hơn các kênh khác” - chị Quỳnh Hương giải thích.
Theo nhận định các chuyên gia, trái phiếu ngân hàng và gửi tiết kiệm tương tự nhau vì bản chất đều là cho ngân hàng vay tiền và ngân hàng có nghĩa vụ thanh toán tiền lãi trên khoản tiền đó. Việc nhận tiền khi đáo hạn cũng tương tự rút tiền từ tài khoản tiết kiệm sau khi hết hạn gửi.
Tuy nhiên, hiện nay, nhà đầu tư có xu hướng mua trái phiếu ngân hàng hơn gửi tiết kiệm là do lãi suất trái phiếu cao hơn. Hiện, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng của ngân hàng thương mại nhà nước khoảng 4,8%/năm; của các ngân hàng thương mại cổ phần khoảng 5 - 5,5%/năm; trong khi đó, lãi suất trái phiếu ngân hàng đang dao động 5,5% đến gần 8%/năm.
Mua trái phiếu ngân hàng an toàn, ít rủi ro hơn so với các kênh đầu tư khác. Ảnh: Tuệ Minh |
Thực tế cho thấy, các ngân hàng đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu kỳ hạn dài nhằm tranh thủ thu hút nguồn vốn trung dài hạn, một mặt để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn, mặt khác để cân đối lại nguồn vốn phục vụ nhu cầu tín dụng dịp cuối năm.
Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) đang chào bán ra công chúng 15 triệu trái phiếu với lãi suất 7,9%/năm. Từ năm thứ hai, lãi suất lô trái phiếu này được tính theo công thức lãi tham chiếu cộng thêm biên độ 2,5%.
Lô trái phiếu có kỳ hạn 7 năm và BVBank sẽ thực hiện quyền mua lại từ thời điểm tròn 24 tháng từ ngày phát hành. Lãi suất trái phiếu sẽ được trả định kỳ hằng năm cho nhà đầu tư.
Cuối tháng 8, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng vừa hoàn tất kế hoạch phát hành lô trái phiếu 1.000 tỷ ra công chúng. Lãi suất lô trái phiếu này bằng lãi tiền gửi 12 tháng tại các ngân hàng tham chiếu cộng biên độ 2,8%, với kỳ thanh toán đầu tiên dự kiến gần 7,5% một năm.
Cách đây nửa tháng, một nhà băng quốc doanh khác là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) cũng đã phân phối thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu cho hơn 5.000 nhà đầu tư trong một tháng.
Lô trái phiếu kỳ hạn 10 năm của “ông lớn” thuộc nhóm Big4 này có lãi suất năm đầu lên gần 6,7%/năm. Trong các năm tiếp theo, lãi suất được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2%/năm. Trong 5 năm cuối trước khi đến hạn, nếu Agribank không mua lại theo quyền, biên độ lãi suất của trái phiếu lên tới 3%/năm.
Thông báo phát hành trái phiếu của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) |
Bên cạnh đó, hàng loạt ngân hàng khác như: BIDV, VPBank, MB, BIDV, ACB, OCB... từ đầu năm đến nay cũng đã có nhiều đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ - dành riêng cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp - với mức lãi suất dao động từ 5,5% - 6,5%/năm.
Kênh đầu tư an toàn, hiệu quả
Theo báo cáo của đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu ngân hàng và lãi suất tiền gửi hiện đang dao động trong khoảng 2 - 2,5%, tùy theo kỳ hạn. Lãi suất trái phiếu ngân hàng trong năm 2024 dao động từ 6 - 7%/năm cho các kỳ hạn 5 - 10 năm. Trên thực tế, một số ngân hàng còn đưa ra mức lãi suất hấp dẫn lên tới gần 8%/năm.
Số liệu của Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) vừa công bố cho thấy, trong nửa đầu năm 2024, lượng trái phiếu doanh nghiệp mới phát hành lên tới 202.400 tỷ đồng. Trong đó, 70% được phát hành bởi khối ngân hàng thương mại với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường.
Các chuyên gia của VIS Rating đánh giá, bên cạnh yếu tố lãi suất, nguyên nhân của sự bùng nổ này xuất phát từ nhu cầu tăng cường vốn trung và dài hạn của các ngân hàng, nhằm đáp ứng các quy định khắt khe hơn về an toàn vốn từ Ngân hàng Nhà nước. Từ cuối năm 2023, các ngân hàng buộc phải điều chỉnh tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn về 30%, thay vì 34% như trước đây. Đồng thời, tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động cũng được yêu cầu giảm xuống dưới 85%. “Trong khi đó, huy động tiền gửi chậm lại do mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp. Điều này khiến các ngân hàng phải tìm kiếm nguồn vốn bổ sung thông qua việc phát hành trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu kỳ hạn dài” - VIS Rating phân tích.
Đánh giá về kênh đầu tư này, TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế cho rằng, trái phiếu ngân hàng và gửi tiết kiệm tương tự nhau. Tuy nhiên, đầu tư vào trái phiếu ngân hàng đòi hỏi nguồn vốn nhàn rỗi trong thời gian dài hơn thường 3 - 7 năm so với gửi tiết kiệm thông thường. “Mua trái phiếu ngân hàng an toàn, ít rủi ro hơn so với các kênh đầu tư khác. Nếu cần vốn, khách hàng cũng có thể cầm cố, thế chấp trái phiếu để vay tiền trả lại tại chính ngân hàng phát hành nên tính thanh khoản vẫn cao” - TS. Đinh Thế Hiển đánh giá.
Theo bà Nguyễn Thị Thảo Như - Giám đốc Cao cấp khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các mức lãi suất của trái phiếu ngân hàng khoảng 7 - 8%/năm có thể thấp hơn đầu tư chứng khoán, bất động sản nhưng rủi ro thấp hơn. Trái phiếu ngân hàng thường được xem là một kênh đầu tư an toàn hơn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính nhiều biến động do sự ổn định của ngân hàng phát hành và sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, bà Như lưu ý khi mua trái phiếu ngân hàng, nhà đầu tư cần ưu tiên chọn trái phiếu từ các ngân hàng uy tín, có báo cáo tài chính tốt để giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, cần xem xét kỹ kỳ hạn trái phiếu để phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư. Trái phiếu kỳ hạn dài thường có lãi suất cao nhưng ít linh hoạt hơn.
Theo VIS Rating, trong 1 - 3 năm tới, các ngân hàng Việt Nam sẽ cần huy động khoảng 283.000 tỷ đồng thông qua trái phiếu để tăng vốn cấp 2, nhằm đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn. Đáng chú ý, các ngân hàng lớn như VietinBank, BIDV, SHB, ACB, LPBank đã lên kế hoạch phát hành hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu từ nay đến cuối năm.