Lãi suất tăng cao: Người gửi mừng, người vay lo lắng
Lãi suất huy động và cho vay tăng cao, nhiều người khóc nhưng cũng không ít người ..cười
- Vui vìlãi suất huy động... tăng!
Anh Trương Quốc Hải, Giám đốc công ty xuất khẩu gỗ tại quận Tân Bình, TP.HCM, cho biết: Trước đây lợi nhuận hàng tháng công ty thường được tái đầu tư sang lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, từ ngày thị trường bất động sản đóng băng cùng với việc lãi suất tăng cao nên công ty quyết định gửi tiền vào ngân hàng, vì theo anh thời buổi này chẳng kinh doanh gì có lãi mà lại an toàn như gửi tiền ngân hàng.
Trong khi đó, giám đốc một công ty xuất khẩu thủy sản cho biết, năm 2010 anh có gửi ngân hàng số tiền 20 tỷ đồng với lãi suất 14%/năm, nay anh được ngân hàng thông báo tăng lãi suất lên 20%/ năm. Như vậy chỉ tính tiền lãi, hàng tháng anh cũng thu về được hơn 300 triệu.
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại TP.HCM cũng vừa đáo hạn khoản tiền gửi 32 tỷ đồng tại một ngân hàng lớn với lãi suất điều chỉnh từ 14%/năm lên 18,5%/năm. Với mức tăng này, hàng tháng doanh nghiệp đã có thêm một khoản thu nhập không nhỏ.
Không chỉ có các doanh nghiệp có tiền gửi vui mừng mà ngay cả nhiều người dân lao động, cán bộ hưu trí cũng thấy mừng vì khoản tiền gửi tiết kiệm đã được gia tăng thêm một phần nhờ lãi suất huy động tăng cao. Ông Phạm Văn Mừng, cán bộ hưu trí Q.3, TP.HCM đã hớn hở khoe: “Có 400 trăm triệu tiền lương dành dụm, tôi đem đi gửi ngân hàng để nhận lãi suất 18%/năm. Với lãi suất này hàng tháng tôi cũng có được 6 triệu đồng tiền lời đủ trang trải cuộc sống hàng ngày..”
Theo lãnh đạo một ngân hàng, với lãi suất huy động tăng cao như hiện nay, cùng với nhiều chương trình khuyến mãi được các ngân hàng áp dụng, mọi người sẽ chẳng dại gì chọn lĩnh vực khác để đầu tư khi mà nền kinh tế vẫn đang gặp khó khăn. Vị lãnh đạo này dự báo, trong thời gian tới người dân sẽ đi gửi tiền nhiều hơn.
Lãi suất không quyết định sống còn của doanh nghiệp.
Lãi suất huy động tăng, kéo theo lãi suất cho vay tăng cao trong lúc nguồn vay tại các ngân hàng cũng hạn hẹp khiến phần lớn doanh nghiệp phải đau đầu trước tình cảnh thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Vì thế, có những doanh nghiệp phải xoay xở bằng mọi cách để có vốn, điều này càng vô tình làm phát sinh nhiều hình thức cho vay nặng lãi, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty trang sức Cửu Long, than thở: “Sau khi Nhà nước có chủ trương cấm kinh doanh vàng miếng, việc kinh doanh của công ty vốn đã khó khăn, nay cộng với lãi suất tăng quá cao khiến doanh nghiệp càng thêm đau đầu”. Theo tính toán của ông Hùng, với số tiền 20 tỷ vay ngân hàng, lãi suất 23%/năm, công ty kinh doanh gần như không có lời, nếu không muốn nói là thua lỗ. Cứ với tình hình hiện nay, theo ông Hùng, doanh nghiệp chỉ đủ sức duy trì được từ 6 đến 9 tháng, nếu kéo dài tình trạng này sẽ rất nguy hiểm.
Trong khi đó, giám đốc một công ty sản xuất thực phẩm chức năng ở Hà Nội cho biết, do cần mở rộng nguồn nguyên liệu nên trước đó công ty có vay ngân hàng 14 tỷ đồng với lãi suất 14%/năm. Nhưng nay ngân hàng thông báo điều chỉnh lãi suất lên 22%/năm, như vậy hàng tháng công ty phải trả lãi cho ngân hàng hơn 200 trăm triệu đồng. Lo lắng hơn là sắp đến thời điểm đáo hạn ngân hàng, nếu không xoay được tiền, nguy cơ ngừng hoạt động sản xuất càng lớn. Để duy trì sản xuất, công ty đang tính chấp nhận vay nóng bên ngoài với lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng.
Việc lãi suất cao, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn đã được dự đoán, nhưng không vì thế mà dẫn đến phá sản, đóng cửa hàng loạt. Theo Thống đốc Nngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, lãi suất là một chi phí tài chính quan trọng, nhưng không phải là thứ quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất cao như thế này cũng phải đề ra giải pháp vượt khó khăn mà phần nhiều doanh nghiệp sẽ chấp nhận giảm lợi nhuận để hạn chế tăng giá bán, giữ chân khách hàng.
Cùng chung quan điểm đó, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương- giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM- cho rằng, vẫn biết lãi suất tăng cao doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, nhưng cũng cần phải hiểu, lãi suất chỉ là một trong những nhóm chi phí mà doanh nghiệp phải gánh chịu, vì vậy không thể đổ lỗi cho lãi suất. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn có thể được hiểu là do khả năng quản trị yếu kém hoặc có những chiến lược kinh doanh sai lầm. Ví dụ, thay vì đưa lợi nhuận về 0 để ổn định sản xuất, sau đó sẽ tái cấu trúc thì các doanh nghiệp lại đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, như vậy là không khả thi.
Ông Lê Phụng Hào- Chủ tịch Hội marketing Việt Nam- cho biết, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam còn thiếu tính dự phòng, nên khi lãi suất tăng cao bản thân các doanh nghiệp không kịp ứng phó với tình hình nên gặp khó khăn là điều không tránh khỏi. Vấn đề đặt ra lúc này là các doanh nghiệp cần phải xây dựng hệ thống quản trị rủi ro nhằm đề phòng những tình huống xấu nhất.
Đồng tình quan điểm này, một lãnh đạo cấp cao, thành viên Ban giám đốc Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Dai Ichi Life (Nhật Bản), nhận xét: hầu như các doanh nghiệp Việt Nam chưa nghĩ đến dự phòng rủi ro cũng như sẵn sàng ứng phó với rủi ro nên khá lúng túng khi biến cố xảy ra. Còn các doanh nghiệp Nhật Bản họ thường tính rất xa nên khi có biến cố họ ít bị ảnh hưởng. Đơn cử như Tập đoàn Dai Ichi Life, có mức dự phòng rủi do lớn hơn 10 lần mức mà Tập đoàn này phải trả bảo hiểm trong trận động đất tại Nhật hồi tháng 3 vừa qua, nhờ vậy toàn bộ các họat động của công ty này vẫn ổn định.
Theo Tiến sỹ Lê Thẩm Dương, lãi suất tăng cao cũng là cách để thẩm định tính hiệu quả trong kinh doanh của doanh nghiệp. Nên chăng, đây là lúc cần thanh lọc những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, chỉ trông chờ vào nguồn vốn của ngân hàng mà không biết phát huy nội lực của doanh nghiệp.
Tuấn Anh