Lai Châu: Kiểm soát chặt nhóm mặt hàng thực phẩm, mặt hàng thiết yếu Lai Châu thúc đẩy thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt |
Mặc dù quy mô dân số và thị trường không lớn, nhưng Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới nên thị trường, hàng hóa có những đặc thù. Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu, 6 tháng đầu năm 2024, thị trường giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là trong các dịp lễ tết.
Lực lượng Quản lý thị trường Lai Châu tăng cường kiểm tra hàng hóa tại các khu vực vùng sâu, vùng xa |
Các mặt hàng thiết yếu được các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân trên địa bàn tỉnh chủ động dự trữ dồi dào, hầu hết hàng hóa được sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, mẫu mã đa dạng với nhiều chủng loại phong phú, không xảy ra tình trạng sốt, tăng giá bất hợp lý nhất là tại các khu vực cụm xã vùng sâu, vùng xa.
Mặc dù tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả không phức tạp và cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra vẫn phát hiện các vụ vi phạm, hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng cấm; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng giả; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm trong lĩnh vực giá, an toàn thực phẩm...
Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu đã triển khai công tác kiểm tra với tổng số 340 vụ, xử lý 188 vụ (190 hành vi vi phạm). Trong đó số vụ thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường 187 vụ; thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh 1 vụ.
Qua phân loại các hành vi vi phạm có kinh doanh hàng hóa nhập lậu 11 vụ; vi phạm về hàng giả 12 vụ; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ 58 vụ; vi phạm trong lĩnh vực giá 41 vụ, vi phạm trong kinh doanh 51 vụ; vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và chống dịch 17 vụ. Theo đó, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 839,5 triệu đồng tăng 60 % (tăng 317 triệu đồng) so với cùng kỳ năm 2023. Số tiền thu phạt nộp ngân sách 842,25 triệu đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 638 triệu đồng… Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, số vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tăng so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể là 58 vụ tăng 49 vụ so với cùng kỳ năm 2023.
Tổ chức triển khai hàng hóa trong dịp lễ tết |
Ông Vũ Hồng Danh – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường cơ động (Cục Quản lý thị trường Lai Châu) cho biết, với các hành vi vi phạm, các đối tượng không có nhiều thay đổi so trước nhưng ngày càng tinh vi hơn, chủ yếu hoạt động theo phương thức nhỏ lẻ như cất giấu hàng hóa vi pham trong bao bì hàng hóa hợp pháp khác; sử dụng nhiều phương tiện để vận chuyển hàng hóa vi phạm; thay đổi địa bàn, tuyến đường, phương tiện vận chuyển, thời gian hoạt động. Hàng hóa vi phạm chủ yếu tập trung nhiều vào những nhóm mặt thuốc lá, mỹ phẩm, giầy dép... Tại các xã vùng sâu, vùng xa trình độ dân trí thấp, tâm lý của người dân ưa mua hàng giá rẻ nên các đối tượng tìm cách đưa hàng sắp hết hàng sử dụng, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng chưa qua kiểm dịch... vào địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa để tiêu thụ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Văn Tính – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu thông tin: Để công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đạt hiệu quả cao, thời gian qua Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội quản lý thị trường chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường gắn với hoạt động tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh không kinh doanh hàng giả, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã thành lập 1 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại các huyện, thành phố. Kết quả đoàn kiểm tra liên ngành đã thực hiện kiểm tra 21 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình kiểm tra đoàn kiểm tra đã phối hợp với các đội quản lý thị trường tại địa bàn phát hiện, xử lý 6 vụ vi phạm về gian lận thương mại.
Triển khai kiểm tra cơ sở kinh doanh vàn trên địa bàn |
Đặc biệt, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Lai Châu luôn bám sát, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, như những chị đạo về kiểm tra mặt hàng vàng, thuốc lá điện tử hay chống gian lận thương mại trong thương mại điện tử, kiểm tra xử lý các trường hợp sử dụng website thương mại điện tử bán hàng nhưng không thông báo…
Trong thời gian tới tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh, doanh hàng giả và vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn, gây tác hại nhiều mặt tới sản xuất và đời sống của nhân dân, đòi hỏi lực lượng Quản lý thị trường phải có phương án kiểm tra thích hợp, chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả trên từng lĩnh vực, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh, Tổng cục Quản lý thị trường về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024.
Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường chủ động tổ chức thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra định kỳ, chuyên đề đã được phê duyệt, chú trọng kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; thực hiện việc kiểm tra, giám sát các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.
Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, mặt hàng, tụ điểm nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Cùng với đó, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu sẽ đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường.