Lai Châu: 8 hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu Lai Châu: Xử phạt cơ sở kinh doanh vàng không niêm yết giá |
Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu, trong tháng 5/2024, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp do nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nên nhu cầu đồ uống, mua sắm thiết bị gia đình phục vụ hè và nhu cầu sử dụng điện năng tiêu thụ tăng cao.
Lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường đáp ứng đầy đủ với giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Hàng hóa đảm bảo chất lượng, đa dạng, phong phú về chủng loại không có hiện tượng đầu cơ, tăng giá, ép giá bán bất hợp lý.
Quản lý thị trường Lai Châu phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra xử lý mặt hàng thực phẩm |
Về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa vẫn diễn ra các hành vi vi phạm nhỏ lẻ chủ yếu là vi phạm về kinh doanh hàng nhập lậu; kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; vi phạm trong kinh doanh; vi phạm trong lĩnh vực giá, an toàn thực phẩm…
Đặc biệt, tại các chợ vùng cao, trung tâm các xã khu vực biên giới, vẫn xảy ra tình trạng kinh doanh hàng hóa là mặt hàng thực phẩm đóng gói nhập lậu, hàng hết hạn sử dụng hoặc cận date (gần hết hạn sử dụng) do các đối tượng kinh doanh lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân cố tình mang đến vùng cao bán cho bà con…
Cục Quản lý thị trường Lai Châu đã chỉ đạo các đội Quản lý thị trường chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường gắn với hoạt động tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh không kinh doanh hàng giả, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm toàn của tỉnh, các huyện thành phố. Các đoàn kiểm tra đã kiểm tra 94 cơ sở, xử lý 1 vụ (kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ), xử phạt số tiền 4 triệu đồng; trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy là 4,68 triệu đồng.
Trong đó, hàng hóa tiêu hủy gồm 4 gói cá chỉ vàng đông lạnh; 3 gói cá thu đông lạnh bao gói sẵn; 10 gói tôm đông lạnh; 7 gói mực tươi đông lạnh; 20 gói bạch tuộc tươi đông lạnh; 3 gói ốc móng tay đông lạnh...
Quản lý thị trường Lai Châu kiểm tra mặt hàng thực phẩm đóng gói tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn |
Tính riêng lực lượng Quản lý thị trường, trong tháng 5 các đơn vị thuộc Cục Quản lý thị trường Lai Châu đã kiểm tra 69 vụ, xử lý 32 vụ (34 hành vi vi phạm; trong đó kinh doanh hàng hóa nhập lậu 3 vụ; vi phạm về hàng giả 1 vụ; kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ 8 vụ; vi phạm trong lĩnh vực giá 7 vụ; vi phạm trong kinh doanh 4 vụ; vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và chống dịch 11 vụ).
Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 164 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm (tịch thu) hơn 8,9 tỷ đồng. Hàng hóa tiêu hủy gồm: 450 gói gà cay; 200 gói bỏng gạo; 150 gói bánh đa; 80 gói bánh quy; 450 cái bánh mỳ; 29 gói chả cá; 20 gói thịt bò khô; 5 gói thị trâu khô; 7 gói cổ cánh vịt; 2 gói chân gà; 17 gói gân bò khô; 200 gói que cay; 50 gói lương khô; 30 gói chân gà; 100 gói que cay, 65 gói thịt cay; 60 quả trứng muối; 180 cái kẹo mút; 3 túi hạt ngũ cốc; 6 gói dồi sụn; 3 gói chả cốm; 10 hộp Nem lụi; 30 gói bánh mềm; 25 gói kẹo dẻo; 75 gói bánh nướng...
Tổ chức tiêu hủy hàng hóa vi phạm |
Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường Lai Châu, từ đầu năm đến nay, tháng nào lực lượng Quản lý thị trường Lai Châu cũng xử lý các vi phạm liên quan đến mặt hàng thực phẩm. Như tháng 1/2024 kiểm tra, xử lý 18 vụ; tháng 2 kiểm tra xử lý 12 vụ, tháng 4 xử lý 7 vụ…
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Văn Tính – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu cho biết, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh, Tổng cục Quản lý thị trường về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024, Cục Quản lý thị trường tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như: Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chú trọng phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ nhóm các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, bia, rượu, thuốc lá, bánh, kẹo, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, vật tư, thiết bị y tế... nhằm góp phần ổn định thị trường.
Cục Quản lý thị trường Lai Châu chỉ đạo các đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường giá cả, cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đảm bảo ổn định thị trường. Thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra định kỳ, chuyên đề đã được phê duyệt, ban hành, chú trọng kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý…