Phát triển nông nghiệp hàng hoá Nghị quyết 10 tạo đột phá, khơi nguồn lực phát triển nông nghiệp ở Bảo Thắng |
Động lực từ Nghị quyết 05
Ươm mầm trên dải đất địa đầu Tây Bắc từ những năm 1960 của thế kỷ trước, đã có thời điểm, cây chè ở vùng đất Lai Châu dường như bị lãng quên, hòa vào những loài cây hoang dại ven các sườn đồi. Nhưng giờ đây, nhờ chủ trương đúng đắn của tỉnh, cây chè tiếp tục được bám rễ, sinh sôi trở lại trên khắp các vùng quê Lai Châu. Những nương chè xanh ngút tầm mắt, hương chè thoang thoảng bay, vị chát, ngọt nơi đầu lưỡi và hiện hữu trên thương trường thế giới, trở thành một trong những sản phẩm chủ lực đầy tự hào của địa phương.
Chè là một trong những sản phẩm thế mạnh của Lai Châu (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu) |
Việc phát triển cây chè thành một sản phẩm hàng hoá tập trung, có thương hiệu là “quả ngọt” từ hàng loạt các chính sách của địa phương, trong đó có các chính sách tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 05).
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu, hơn 2 năm Nghị quyết được triển khai, với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cùng với sự đồng thuận cao của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức, các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 05 từng bước được cụ thể hóa, nông nghiệp tỉnh Lai Châu nói chung và nông nghiệp hàng hóa tập trung nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực.
Theo đó, sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, bước đầu khai thác lợi thế gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ vào các vùng trọng điểm, các sản phẩm chủ lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung đã chú trọng lấy doanh nghiệp, hợp tác xã là trung tâm, cộng đồng dân cư và hộ nông dân là chủ thể, gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch, qua đó đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần.
Về các sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế, tính đến hết năm 2022, tỉnh Lai Châu có tổng diện tích cây mắc ca 6.603 ha; tổng diện tích chè đạt 9.316,7 ha; chăm sóc, bảo vệ 12.945 ha cây cao su.
Về sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc sản, diện tích lúa hàng hóa đạt 3.936 ha; phát triển các loại hoa tập trung 115,2 ha/200 ha; trồng mới hoa địa lan 50.118 chậu; trồng mới cây ăn quả tập trung đạt 1.316,8 ha; toàn tỉnh hiện có 151 cơ sở chăn nuôi đại gia súc tập trung; phát triển mới 5.893 thùng ong; phát triển mới 55.512 m3 cá lồng…
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất như: Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao… đã được chú trọng phát triển. Toàn tỉnh thực hiện 34 mô hình khuyến nông chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho 3.252 hộ nông dân tham gia. Phục tráng và xây dựng nhiều nhãn hiệu sản phẩm lúa; phát triển 29,8 ha nhà màng, nhà lưới; cấp giấy chứng nhận theo các quy trình kỹ thuật an toàn 289,72 ha; có 01 trang trại nuôi lợn quy mô 10.933,4 m2; 01 cơ sở nuôi cá nước lạnh thể tích 9.000 m3. |
Tự hào những sản phẩm thế mạnh
Đến nay, sau những quyết sách mạnh mẽ từ chính quyền địa phương và sự nỗ lực của người dân trên địa bàn tỉnh, Lai Châu đã có nhiều sản phẩm đáng tự hào.
Đơn cử, Lai Châu đang có khoảng gần 9.000 ha chè. Diện tích chè kinh doanh đạt gần 7.000 ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 73,1 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 45 nghìn tấn/năm, tương ứng 11.000 tấn chè búp khô các loại. Diện tích chè tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 5.700 ha, chiếm khoảng 64% tổng diện tích.
Cây chè Lai Châu tập trung chủ yếu tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, thành phố Lai Châu với giống chè như: Chè Shan, Kim Tuyên, PH8, chè cổ thụ. Trong đó, Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên là những địa phương có diện tích chè lớn của tỉnh Lai Châu. Tận dụng ưu thế về điều kiện tự nhiên, cơ chế chính sách và nguồn lao động dồi dào, các huyện đã xây dựng thành công thương hiệu chè sạch chất lượng cao với sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp và hàng nghìn hộ dân.
Cùng với cây chè, Lai Châu nằm ở vùng thượng lưu sông Đà nên có diện tích mặt nước lớn, là nguồn tài nguyên để phát triển thủy điện và nuôi trồng thủy sản. Tận dụng lợi thế này, nhiều hợp tác xã đã phát triển nghề nuôi cá thương phẩm, mang lại thu nhập cao cho các hộ thành viên.
Lai Châu nằm ở vùng thượng lưu sông Đà nên có diện tích mặt nước lớn, là nguồn tài nguyên để phát triển thủy điện và nuôi trồng thủy sản (Ảnh: Cổng Thông tin UBND huyện Nậm Nhùn) |
Đáng chú ý, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Lai Châu thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho HTX đủ điều kiện, tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số và chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có lĩnh vực thuỷ sản.
Hiện tại, ở Lai Châu có 174 HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, tăng 66 HTX so với năm 2020, chiếm trên 53% so với tổng số HTX đang hoạt động. Tạo việc làm cho 1.568 thành viên và 1.868 lao động với thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. |
Đối với cây ăn quả, huyện Than Uyên là một trong những điểm sáng của tỉnh Lai Châu. Theo đó, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Than Uyên đã nỗ lực vận động người dân tham gia sản xuất, mở rộng quy mô, thay đổi phương thức từ nhỏ lẻ sang tập trung; liên kết, giới thiệu, thu hút đầu tư các doanh nghiệp để phát triển các mô hình nông nghiệp hiệu quả. Hiện huyện đang tập trung vào các dự án nông nghiệp phát triển sản xuất chuyên canh với quy mô lớn như: gạo chất lượng cao, cao su, chè, quế, chăn nuôi tập trung đại gia súc, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng, bản Chát.
Đặc biệt, huyện đã mạnh dạn đưa vào một số loại cây trồng tập trung có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm như mô hình ngô ngọt, chanh leo (thực hiện liên kết sản xuất giữa huyện Than Uyên với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, chi nhánh Sơn La). Qua đánh giá chất lượng cho thấy cây ngô ngọt, chanh leo trồng ở Than Uyên phù hợp, năng suất cao, chất lượng đảm bảo, hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Từ đó góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất thông qua các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tập trung, hiệu quả; một số vùng nông sản đã hình thành và ngày càng ổn định.
Thời quan qua, với mục tiêu đẩy mạnh thâm canh, hạn chế đất nông nghiệp bỏ trống, vụ Xuân Hè năm nay, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Than Uyên phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thực hiện mô hình sản xuất thử nghiệm giống Ngô ngọt HIBRIX 53 gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình thử nghiệm được triển khai với quy mô 4 ha tại bản Hua Than, xã Mường Than và bản Nà Đình, xã Mường Kim. Qua 3 tháng trồng thử nghiệm cho thấy cây ngô phù hợp với đặc điểm khí hậu do thiếu nước, khô hạn tại các chân ruộng một vụ; từ đó bà con tận dụng được đất canh tác, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, hạn chế đất nông nghiệp bỏ trống.
Cây chanh leo là một trong những cây giảm nghèo của địa phương (Ảnh: Báo Lai Châu) |
Hiện nay, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã liên kết với các huyện trong tỉnh Lai Châu tạo vùng trồng nguyên liệu trên 100 ha chanh leo, 15 ha dứa. Sau hiệu quả của mô hình trồng thử nghiệm 4ha giống ngô ngọt HIBRIX 53, công ty tiếp tục mở rộng vùng trồng khoảng 200 ha ngô và khảo sát thổ nhưỡng tại xã Tà Mung để trồng thử nghiệm rau cải chân vịt. Đây là điều kiện thuận lợi giúp nông dân Lai Châu có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp hàng hóa địa phương, tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Hoặc với cây sâm, sâm Lai Châu là cây bản địa chỉ phân bổ tự nhiên trên địa bàn tỉnh, có giá trị kinh tế cao. Tỉnh Lai Châu trên 30 nghìn ha diện tích có độ cao, khí hậu phù hợp phát triển cây sâm, tập trung tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Người dân địa phương có nhiều kinh nghiệm, kiến thức bản địa trong việc canh tác nuôi trồng dược liệu, thị trường tiêu thụ của cây sâm rất tiềm năng…
Về chính sách, ngoài những chính sách đặc thù về giống, vốn, công nghệ phát triển nuôi trồng khai thác dược liệu, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chính sách liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030… của trung ương; tỉnh Lai Châu cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với việc phát triển vùng dược liệu như: Chính sách hỗ trợ phát triển Sâm Lai Châu, hỗ trợ chi phí mua giống, phân bón, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.
Bước qua nửa chặng đường triển khai thực hiện, Nghị quyết 05 đã dần đi vào cuộc sống với những kết quả cụ thể, rõ nét. Ngành nông nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến, từng bước khẳng định được vai trò là lĩnh vực kinh tế trọng điểm, trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.