Lạng Sơn đề xuất thông tin sớm về đề án khuyến công quốc gia Quảng Bình: Nguồn vốn khuyến công mang sinh khí mới cho doanh nghiệp |
Những năm qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Lai Châu được quan tâm triển khai, qua đó đã có những tác động tích cực phát triển công nghiệp nông thôn, phát triển sản xuất gắn với những lợi thế sẵn có của địa phương nhưng nguồn nguyên liệu, nông lâm nghiệp chế biến, nguồn lao động…
Với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai hoạt động khuyến công trên địa bàn, thời gian qua Sở Công Thương tỉnh Lai Châu triển khai nhiều đề án, hoạt động khuyến công phát huy hiệu quả. Đặc biệt, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 407/QĐ-UBND ngày 14/7/2020 phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp phát triển công nghệ; phát triển sản phẩm đặc trưng; thúc đẩy liên doanh, liên kết; phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh tư vấn thông tin. Từ năm 2021 đến nay đã thực hiện 21 đề án khuyến công với kinh phí trên 3,5 tỷ đồng từ nguồn khuyến công quốc gia và ngân sách địa phương.
Nguồn vốn khuyến công giúp các cơ sở chế biến chè trên địa bàn Lai Châu có thêm sức bật, đầu tư máy móc thiết bị (Ảnh: DTMN) |
Các đề án khuyến công đã triển khai tập trung vào một số nội dung như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, chế biến chè, nấm đông trùng hạ thảo, hạt mắc ca, tinh bột sắn… cho 09 cơ sở công nghiệp; Tham mưu UBND tỉnh công nhận và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh cho 25 sản phẩm/bộ sản phẩm của 20 cơ sở công nghiệp; lựa chọn đăng ký tham gia và được công nhận 07 lượt sản phẩm/bộ sản phẩm (Chè Ô Long, chè Đông Phương mỹ nhân của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường; gạo đặc sản Séng Cù Than Uyên của Hợp tác xã Thanh Xuân).
Cùng với đó đã hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho 14 sản phẩm (Chè, gạo, miến dong, đông trùng hạ thảo, sản phẩm dược liệu chế biến) của các cơ sở công nghiệp. Hỗ trợ cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công…
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Trọng Thức – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cho biết, thông qua việc triển khai thực hiện các đề án khuyến công đã đem lại hiệu quả thiết thực, phát huy được những tiềm năng lợi thế về nguồn nguyên liệu, lao động; tạo ra những sản phẩm có chất lượng, có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; tạo việc làm ổn định lao động… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Thức, việc triển khai hoạt động khuyến công trên địa bàn Lai Châu cũng gặp những khó khăn do vấn đề địa hình chia cắt, giao thông khó khăn. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất ngày càng phát triển, nhất là hệ thống đường sản xuất, các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa hình thành được cụm sản xuất theo chuỗi liên kết; chưa hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Cùng với đó, các hoạt động hỗ trợ trong sản xuất đã được triển khai thực hiện nhưng còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là nguồn lực để hỗ trợ phát triển; các cơ sở công nghiệp phần lớn quy mô nhỏ, năng lực còn hạn chế...
Hoạt động khuyến công được quan tâm triển khai tại Lai Châu giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển, phát huy lợi thế nguyên liệu, tạo việc làm (Ảnh: KCOL) |
Để tháo gỡ và khắc phục những khó khăn trong việc thu hút phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong thời gian tới, Sở Công Thương Lai Châu sẽ tiếp tục và đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân; tiếp tục xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hoạt động giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh tại thị trường trong nước, xuất khẩu và trên các sàn thương mại điện tử.
Tiếp đến là tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư để ưu tiên hỗ trợ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tạo mặt bằng sản xuất, thu hút hoặc mở rộng quy mô các dự án đầu tư sản xuất trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống.
Song song với đó, Sở Công Thương sẽ chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin từ các bộ, ngành Trung ương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước ngoài, các tỉnh biên giới về thị trường, chính sách thuế quan, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các quy định an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc để kịp thời thông tin đến doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu...