Khoảng hai mươi năm về trước, từ TP. Vinh lên Kỳ Sơn, gần 300 cây số mất cả ngày đường. Ngoài sự "sinh thái" của núi rừng, Kỳ Sơn khi đó như "cổng trời" gắn với những câu chuyện về ma túy, di dân tự do, truyền đạo trái phép… Thế rồi, đảng viên, bí thứ chi bộ về "cắm bản", chi bộ thôn, bản được thành lập, các Nghị quyết của Đảng bộ huyện được ban hành, triển khai…; hình thành các vùng kinh tế, giao thương biên giới phát triển, thôn, bản bình yên, đời sống người dân dần khấm khá…
Hình thành 4 vùng kinh tế trọng điểm
Chúng tôi lên với huyện Kỳ Sơn vào những ngày cuối tháng 9, từ TP. Vinh lên Kỳ Sơn với một tay lái không chuyên như tôi, chỉ mất hơn 5 giờ đồng hồ chạy xe. Kỳ Sơn - điểm cực Tây của xứ Nghệ - đã khoác lên mình "tấm áo mới" với những con đường nhựa, cầu treo kiên cố vắt qua dòng Nậm Nơn; thêm nhiều ngôi nhà hai, ba tầng nơi thị trấn, với những cửa hàng, cửa hiệu; nhộn nhịp người, xe đi lại, rực rỡ sắc màu trang phục của bà con dân tộc thiểu số…
Ông Vi Hòe - UVBCHĐảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn (thứ hai, từ trái sang) - trao tặng bò cho gia đình hộ nghèo |
Nói về những chuyển biến trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn - chia sẻ: Kỳ Sơn còn khó khăn lắm, tuy nhiên, với đặc thù biên giới, dân cư đại đa số là bà con dân tộc thiểu số, Kỳ Sơn không chỉ được tỉnh Nghệ An mà trung ương cũng hết sức quan tâm đầu tư qua các chương trình trọng điểm quốc gia về xóa đói, giảm nghèo; các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Nghệ An phát triển vùng đặc biệt khó khăn… cũng đều hướng đến Kỳ Sơn. Từ sự quan tâm và định hướng đó, Đảng bộ, chính quyền nhân dân Kỳ Sơn thời gian qua cũng rất nỗ lực, quyết tâm xóa đói, giảm nghèo; tạo động lực đưa mảnh đất biên cương phát triển…
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Kỳ Sơn khóa XXII đã đề ra bức tranh phát triển kinh tế tổng thể của huyện đến năm 2020 và những năm tiếp theo sẽ hình thành 4 vùng kinh tế trọng điểm gồm: trồng dược liệu tại các thôn, bản người Mông sống trên núi cao; phát triển chăn nuôi theo các sườn núi vốn là nơi sinh sống của đồng bào Khơ Mú; phát triển dịch vụ, du lịch gắn với đồng bào Thái, Hoa và người Kinh; khu vực cửa khẩu sẽ phát triển kinh tế biên mậu, giao thương. Định hướng được xây dựng là quá trình nghiên cứu, đóng góp trí tuệ của nhiều thế hệ lãnh đạo, mỗi cán bộ, đảng viên và đóng góp ý kiến người dân. Quan trọng hơn, định hướng phát triển kinh tế dựa trên đặc thù địa bàn, khí hậu, thổ nhưỡng đất đai và tập quán, văn hóa vùng cư dân bà con dân tộc thiểu số…
Trước hết, vùng kinh tế gắn với cây dược liệu, cây chè san phù hợp với đồng bào Mông ở trên những đỉnh núi cao, khí hậu quanh năm mát mẻ. Đến nay, nhiều mô hình trồng dược liệu, trồng sâm đã hình thành; Kỳ Sơn có hơn 600ha chè san giá trị kinh tế cao. Với lĩnh vực chăn nuôi, phù hợp để phát triển tại vùng dân tộc Khơ Mú, bởi lẽ, người Khơ Mú sống lưng chừng núi, trình độ sản xuất còn có những hạn chế nên việc phát triển chăn nuôi sẽ "vừa sức" hơn. Hiện, số đàn bò của địa phương đã lên đến gần trăm nghìn con, đây là một đổi thay tích cực trong kinh tế của bà con vùng dân tộc thiểu số… Với người dân tộc Thái, Hoa và người Kinh sống ở những vùng thấp, khu vực thị trấn đã hình thành kinh tế dịch vụ gắn với du lịch. Đặc biệt, với lợi thế biên giới có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, giao thương biên giới, hàng hóa trao đổi qua cửa khẩu và các cặp chợ biên giới đã giúp tạo việc làm, giao thương, giúp người dân nâng cao đời sống kinh tế rõ rệt…
Cán bộ tiên phong, gương sáng lan tỏa
Đến nay, các vùng kinh tế đã bước đầu hình thành và cho thấy những hiệu quả thiết thực. Quan trọng hơn, đã minh chứng cho tính đúng đắn trong định hướng, tạo được sự đồng thuận nên người dân hưởng ứng triển khai… Tuy nhiên, nếu chỉ có những định hướng đúng đắn là chưa đủ. Để triển khai, thực hiện thắng lợi Nghị quyết, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng bộ huyện Kỳ Sơn đã triển khai đồng bộ nhiều mặt công tác. Trước hết, Đảng bộ sớm có chủ trương đưa cán bộ "cắm bản" giúp dân và xây dựng tổ chức cơ sở đảng thôn, bản... Được biết, từ hàng chục năm trước, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn khi đó đã ra chủ trương phát động phong trào tất cả đảng viên, từ Thường vụ Huyện ủy đến Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện, xã, mỗi đảng viên chịu trách nhiệm đỡ đầu một gia đình nghèo, mỗi cơ quan gắn với một xã nghèo. Đảng viên thường xuyên bám cơ sở để vận động, tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Đến nay, Kỳ Sơn đã có 323 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, 100% thôn, bản có chi bộ…
Cùng với "cắm bản", tuyên truyền, vận động, giám sát triển khai thực hiện, không ít đảng viên đã nêu gương, tiên phong trong phát triển kinh tế, giúp đỡ và thuyết phục người dân làm theo. Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn - Moong Phò Ngọc (người Khơ Mú) là một đảng viên như thế. Vừa làm cán bộ chủ chốt có uy tín cao của xã Nậm Cắn, Moong Phò Ngọc còn phát triển kinh tế gia đình bằng chăn nuôi bò hàng hóa, trồng ngô lai, trồng chuối. Qua những mô hình thành công, anh đã lãnh đạo, vận động đồng bào làm theo... Vượt qua nhiều gian khó, đến nay, gia đình anh đã có trang trại quy củ với đàn bò hơn 50 con, cùng nhiều gia cầm, vật nuôi. Có thể nói, Moong Phò Ngọc đã trở thành "chuyên gia" về kinh tế trang trại vùng miền núi và trở thành tấm gương làm kinh tế để bà con noi theo.
Kỳ II: Thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào