Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần xây dựng thể chế có hiệu lực thống nhất, xuyên suốt Kỳ 1: “Câu chuyện ốc vít”… và cái nhìn thấu đáo về ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô |
Sự cần thiết phát triển ngành công nghiệp vật liệu
Có thể nói một trong những nguyên nhân chính khiến ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô thời gian qua không phát triển được, là do quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn nhỏ bé.
Các linh kiện ô tô yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, độ an toàn và đảm bảo yếu tố môi trường, vì vậy chỉ một, hai tập đoàn trong nước có nguồn lực lớn để đầu tư bài bản, còn lại hầu hết các nhà cung cấp Việt Nam chưa đủ trình độ để xin cấp phép, nhượng quyền, chuyển giao công nghệ với các nhà cung cấp chính hãng cũng như vận hành các dây chuyền sản xuất hiện đại. Những linh kiện nội địa hóa được chủ yếu là các chi tiết cồng kềnh, giản đơn, sử dụng nhiều nhân công, giá rẻ như: ghế, ắc quy, nhựa cỡ lớn...; phần lớn linh kiện và cụm linh kiện vẫn phải nhập khẩu.
Sự cần thiết phát triển ngành công nghiệp vật liệu |
Ở góc độ vật liệu, mỗi con ốc vít giá thành không lớn nhưng phải đầu tư công nghệ rất đắt để tiêu hao vật tư ít nhất và yêu cầu có nguồn vật liệu phù hợp. Tại Việt Nam hiện nay các nhà máy thép chủ yếu sản xuất thép xây dựng chứ ít làm thép chế tạo; gang thỏi để đúc chất lượng cao hơn cũng phải nhập; nhôm chế tạo thì trong nước hoàn toàn không có. Vì vậy, nhìn từ góc độ vật liệu cũng cho thấy đang không hỗ trợ tốt cho việc phát triển công nghiệp chế tạo máy cơ khí.
Ở góc độ doanh nghiệp, chia sẻ về những khó khăn nội tại, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, mặc dù ngành thép đã có sản lượng năm khoảng 30 triệu tấn thép thành phẩm các loại, nhưng đến 90% cung cấp cho nhu cầu xây dựng, kể cả thép xuất khẩu cũng chủ yếu phục vụ xây dựng, bao gồm cả xây dựng công nghiệp và dân dụng, hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải….
Bài toán ở đây không hẳn là vấn đề về năng lực sản xuất thép mà còn ở câu chuyện nhu cầu thép hợp kim, thép chế tạo phục vụ cho hộ tiêu dùng cuối cùng ở các ngành, lĩnh vực kinh tế có số lượng nhỏ (hàng nghìn tấn/năm) và phân chia ra các loại sản phẩm khoảng hàng trăm, hàng triệu khác nhau rất chi tiết, vì thế không tương thích với quy mô lớn của nhà máy thép, nhà máy luyện kim (sản lượng hàng trăm nghìn tấn cho đến hàng triệu tấn/năm).
“Chúng tôi nghĩ là ở đây cần có một ngành công nghiệp trung gian, chúng tôi rất tâm đắc với chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương thời gian vừa qua đã phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ” – ông Thái nói.
Hiện năng lực sản xuất thép xây dựng trong nước đạt khoảng 14 triệu tấn, đảm bảo 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được một phần nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, các loại thép chế biến chế tạo phục vụ ngành cơ khí, chế tạo, Việt Nam chỉ sản xuất và đáp ứng được một phần thép cuộn cán nóng HRC. Còn đối với các loại thép hợp kim, các doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được các loại thép đặc biệt.
Theo dự báo sơ bộ của Bộ Công Thương, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỉ USD. Trong đó, nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là 120 tỉ USD; cơ khí phục vụ xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỉ USD; thiết bị tiêu chuẩn là 10 tỉ USD; giao thông đường sắt là 35 tỉ USD; tàu điện ngầm là 10 tỉ USD và ô tô là 120 tỉ USD.
Đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo.
Theo đó, Việt Nam cần xây dựng các tổ hợp luyện kim có quy mô lớn trong đó tập trung vào sản xuất các loại thép chế biến chế tạo có trình độ công nghệ, có dung lượng thị trường lớn để bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất các loại thép này.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các định hướng chính sách để phát triển mạnh ngành luyện kim, vật liệu, đặc biệt là các loại thép chế biến chế tạo.
Tiếp tục gỡ “điểm nghẽn” công nghiệp hỗ trợ ô tô
Tương tự, việc gia công chiếc ốc vít chỉ là một phần việc trong chuỗi giá trị sản xuất ô tô, muốn hướng tới vị trí cao hơn, mang lại nhiều giá trị hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu thì dĩ nhiên phải vượt qua phân khúc "gia công ốc vít".
Cần phải có chính sách cụ thể, tăng tỉ lệ nội hóa ngành cơ khí, tăng giá trị sản xuất trong nước |
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua nỗ lực thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Suy cho cùng, việc không dừng lại ở nhập khẩu linh kiện, lắp ráp ô tô mà còn nỗ lực đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa chính là tạo nền tảng cho tham vọng dần chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu ô tô nguyên chiếc.
Đối với ngành ô-tô PGS, TS Đàm Hoàng Phúc- Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô-tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, sẽ mở ra nhiều cơ hội, nhiều phân khúc, nhiều phân tầng khác nhau và chúng ta phải tự định hình mình đang ở đâu, mạnh cái gì để phát triển tập trung. Chúng ta cũng không nên đánh giá theo tình hình thế giới, bởi sản lượng thị trường quá thấp nên rất khó cạnh tranh khi chúng ta đi theo dung lượng thị trường khác.
“Thái Lan năm 2000 sản lượng cũng như Việt Nam hiện nay, nhưng bây giờ họ có sản lượng hai triệu xe, một nửa tiêu dùng trong nước, một nửa xuất khẩu. Sản lượng lớn như vậy thì mới trở thành động lực thúc đẩy nội địa hóa”, ông Phúc dẫn chứng.
Chuyên gia cơ khí Ngô Văn Tuyển cũng cho rằng, vấn đề của chế tạo máy là công nghệ vật liệu, công nghệ gia công. Linh kiện làm ra vừa phải đáp ứng về mặt kỹ thuật, công nghệ, vừa phải có tính cạnh tranh. Do đó, trong khi, quy mô thị trường ngành ô-tô hiện nay là không lớn, lại có quá nhiều mẫu xe, nên sẽ gần như không đủ sản lượng kinh tế cho bất kỳ linh kiện nào.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, về chính sách thuế, xem xét điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước và duy trì mức thuế nhập khẩu đối với linh kiện phụ tùng không sản xuất được.
Tham khảo từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới khi tiến hành xây dựng, thực thi các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô, Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam có thể học tập sự thành công của nền công nghiệp ô tô Thái Lan, bắt đầu bằng việc xây dựng được một chiến lược tổng thể và tập trung nguồn lực. Việc tạo dựng được một mạng lưới công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô vững mạnh với trình độ công nghệ cao đã tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan.
Để nâng cao trình độ, năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương chỉ rõ, cần bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản nhằm xây dựng cơ sở vật chất để hình thành ít nhất 3 Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại 3 miền cho các ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
Các Trung tâm này có vai trò là các Trung tâm kỹ thuật, máy móc dùng chung, cung cấp các dịch vụ chế tạo thử nghiệm, đo lường, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong đó có các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô và các dịch vụ cải tiến doanh nghiệp.
Đồng thời bố trí đủ nguồn kinh phí để triển khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Cần xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, trong đó có công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, có thời hạn đến năm 2025. Nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương trong xây dựng các chính sách, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng, trong đó chú trọng công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và các nhà cung cấp cụm linh kiện, linh kiện lớn trong ngành ô tô trên thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu phục vụ thị trường trong nước và thị trường ASEAN hơn là định hướng xuất khẩu, phục vụ thị trường toàn cầu. Có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp chế xuất lớn bán hàng vào nội địa, tìm kiếm cơ hội tại thị trường trong nước và phát triển chuỗi cung ứng ngành ô tô tại Việt Nam.
“Mặt khác, thúc đẩy các dự án lớn về công nghiệp vật liệu, đặc biệt là các dự án sản xuất thép cán nóng, thép chế tạo... của các nhà đầu tư trong nước để bảo đảm nguồn vật liệu đầu vào cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Thu hút đầu tư vào các phân ngành chế tạo cơ bản (tạo phôi, gia công áp lực, gia công chính xác, nhiệt luyện, xử lý bề mặt và sản xuất khuôn mẫu). Đẩy mạnh việc hợp tác với các ngành công nghiệp vật liệu đầu vào cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ngành ô tô…”- Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu về phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, cần phải có chính sách cụ thể, tăng tỉ lệ nội hóa ngành cơ khí, tăng giá trị sản xuất trong nước. Đơn cử, đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần hướng tới chuỗi giá trị gia tăng cao hơn. “Đã đến lúc cấp thiết biến đề xuất thành hành động. Đây là cách duy nhất để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam có sự thay đổi thực sự”- chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh nêu giải pháp.