Tại huyện Đắk Hà, với đặc thù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được cấp ủy đảng, chính quyền huyện xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển. Đắk Hà có tổng diện tích tự nhiên là 84.527,42 héc-ta, toàn huyện có trên 75.000 người với gần 50% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Xê Đăng, Ba Na, Thái, Tày, Giẻ - Triêng và các dân tộc khác. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chủ trương, chính sách dân tộc được triển khai đồng bộ hiệu quả góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn.
Triển khai chính sách dân tộc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế ở huyện Đắk Hà |
Giai đoạn 5 năm vừa qua, Đắk Hà đã tập trung đầu tư hỗ trợ các dự án thuộc Chương trình 135 với tổng kinh phí hơn 41 tỷ đồng, đầu tư xây dựng được 74 công trình các loại như công trình xây dựng nhà văn hóa xã thôn; đường giao thông nông thôn, đập thủy lợi, trường mầm non, trường tiểu học, một số công trình phụ trợ khác, đồng thời, duy tu bảo dưỡng sửa chữa 36 công trình với kinh phí phân bổ hơn 1 tỷ đồng, các công trình đã nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng kịp thời phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở đã được quan tâm, hàng năm huyện đã cử hàng trăm lượt cán bộ tham gia tập huấn bồi dưỡng kiến thức. Các chính sách hỗ trợ, động viên cho người dân được triển khai kịp thời… Qua đó góp phần quan trọng vào việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư vận động và giúp đỡ bà con trong lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương…
Cùng với đó, Đắk Hà triển khai các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, qua các chương trình, dự án, chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Toàn huyện có trên 700 hộ thoát nghèo, tăng đáng kể tỷ lệ tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục đối với nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là đối với vùng đặc biệt khó khăn...
Hay tại huyện biên giới Ngọc Hồi, những năm qua địa phương đã linh hoạt trong việc lồng ghép nhiều chương trình, chính sách để tạo ra nguồn lực lớn trong đầu tư, hỗ trợ các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ngọc Hồi quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, tập huấn kỹ thuật, cung cấp vốn, giống cây trồng, vật nuôi cho bà con; chú trọng công tác tuyên truyền, tranh thủ vai trò của già làng, người có uy tín để góp phần vận động, tuyên truyền người dân thực hiện hiệu quả các chính sách, từng bước nâng cao dân trí và đời sống kinh tế - xã hội của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện Ngọc Hồi tiến hành đầu tư xây mới 36 công trình và duy tu bảo dưỡng nhiều công trình khác với tổng kinh phí trên 28 tỷ đồng. Ngoài ra, địa phương triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn… Nhờ các chính sách đầu tư, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ngọc Hồi được nâng lên rõ rệt. Tính đến cuối năm 2020, huyện Ngọc Hồi chỉ còn 161 hộ dân tộc thiểu số nghèo…
Giai đoạn 2016 - 2020, Kon Tum đã bố trí hơn 10.000 tỷ đồng cho các đơn vị, địa phương để thực hiện đầu tư các dự án trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh Kon Tum cũng đã huy động được 306,86 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân hỗ trợ thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo, xã nghèo.