Kon Tum: Tôn vinh ẩm thực dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh Kon Tum: Phát triển kinh tế dược liệu, cầu nối mang đến no ấm |
Thành lập từ năm 2005 với vô vàn khó khăn, Tu Mơ Rông được xem là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Kon Tum nhưng giờ đây, tất cả đã đổi thay khi người dân bắt tay trồng và vươn lên làm giàu từ cây dược liệu.
Thoát nghèo nhờ kinh tế dược liệu
Từ thành phố Kon Tum, vượt gần 100 cây số ngược dốc theo hướng Bắc, chúng tôi đến huyện Tu Mơ Rông - “thủ phủ” của cây sâm Ngọc Linh.
Ông Võ Trung Mạnh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông - trao cây giống cho người dân |
Trong cái lạnh buổi sớm mai, A Đôi - chàng trai sinh năm 1996, người dân tộc Xê Đăng (xã Tê Xăng) sôi nổi hẳn lên khi nghe chúng tôi hỏi về loài cây này.
A Đôi bảo: “Nhà bắt đầu trồng sâm với nguồn vốn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho thanh niên lập nghiệp. Mới đầu chỉ vài chục gốc, sau phát triển ra 3 - 4 vườn sâm với khoảng 30.000 gốc như hiện tại”.
Gia đình A Đôi cũng đang sở hữu khoảng 300 cây sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi. Khi đạt 7 năm tuổi, những cây sâm này sẽ có giá khoảng 100 triệu đồng/kg. Giá của những củ sâm này cũng sẽ phụ thuộc vào năm tuổi và trọng lượng mỗi củ, cao nhất có thể lên đến 300 triệu đồng/kg.
Theo chàng trai 9X, trung bình mỗi năm, thu nhập của gia đình khoảng 2 tỷ đồng từ bán cây sâm giống, hạt và thu mua lại sâm của bà con bán cho đầu mối.
Anh A Sơn vay vốn của Ngân hàng Chính sách trồng sâm Ngọc Linh |
Từ Tê Xăng, xuôi về xã Măng Ri, nhìn vườn sâm của mình đang phát triển từng ngày, anh A Sơn nhớ lại: “Trước đây, gia đình tôi chỉ biết đến làm lúa hay lên rừng lấy đôi ba cây thuốc về bán, thu nhập không cao, đời sống mưu sinh khó khăn. Hồi ấy, người dân đã biết sâm Ngọc Linh nhưng không biết giá trị kinh tế của dược liệu này, chỉ lên rừng đào về để chữa bệnh hoặc bán với giá rất rẻ. Từ khi có các doanh nghiệp mở dự án trồng sâm và tuyển dụng người dân vào làm, người dân biết đến giá trị và kỹ thuật trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh”.
Ở mảnh đất Tu Mơ Rông, không chỉ anh A Sơn, A Đôi mà nhiều nông dân “chân đất” đã trở thành tỷ phú cũng nhờ nhanh nhạy đầu tư vào dược liệu. Trong câu chuyện với phóng viên, ông Võ Trung Mạnh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông - tự hào khi nhắc đến những tỷ phú người Xơ Đăng trên địa bàn.
Chỉ tính riêng 3 xã chuyên trồng dược liệu như Ngọk Lây, Măng Ri, Tê Xăng có 67 hộ đồng bào được xếp vào diện nông dân tiêu biểu.
Những người này có thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 10 tỷ đồng. Trong đó, số người có thu nhập tiền tỷ trở lên nhờ trồng dược liệu ước đạt khoảng 20 hộ.
“Họ là nông dân chân lấm tay bùn nhưng rất nhạy bén, biết nắm bắt cơ hội để đầu tư. Đây là tấm gương đi đầu cho việc vượt khó làm giàu” - ông Mạnh nói.
Kỳ vọng ở tương lai
Huyện Tu Mơ Rông có 11 xã, 86 thôn, làng. Cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, địa phương, người dân Tu Mơ Rông đã và đang phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nỗ lực khai thác các tiềm năng, thế mạnh, nhất là về dược liệu, sâm Ngọc Linh để từng bước thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới ấm no hơn.
Khách du lịch thích thú khi được trải nghiệm vườn sâm Ngọc Linh |
Theo ông Dương Thái Khoa - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông, chính quyền địa phương xác định cây dược liệu là cây trồng “3 trong 1” - chủ lực, giảm nghèo và tiến tới làm giàu. Đến nay, trên địa bàn huyện, các loài cây dược liệu được trồng nhiều nhất là sâm dây, sơn tra, sâm Ngọc Linh...
Ngoài ra, người dân cũng vào rừng tận thu nhiều loại dược liệu khác như ngọc cẩu, nấm linh chi, mật ong... “11 xã trên địa bàn huyện đều có thể trồng cây dược liệu. Đến nay, diện tích cây dược liệu đã phát triển được là 2.937 ha.
Trong đó, nhiều nhất là sâm Ngọc Linh, sâm dây và một số loài cây dược liệu khác. Huyện cũng đã có 19/30 sản phẩm OCOP liên quan đến các loài cây dược liệu” - ông Khoa thông tin.
Ông Võ Trung Mạnh khẳng định, chỉ cây sâm trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh mới có hiệu suất và chất lượng đảm bảo. Để người nông dân phát triển dược liệu làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, UBND huyện đã tích cực tìm nguồn vốn hỗ trợ bà con nông dân mua cây giống để trồng sâm, thay đổi cơ cấu cây trồng truyền thống giúp mang lại thu nhập cao hơn.
Bên cạnh đó, huyện xác định con đường thoát nghèo bền vững đó là quản lý bảo vệ, phát triển rừng, trồng dược liệu và chăn nuôi dưới tán rừng gắn với du lịch.