Bức tranh kinh tế 8 tháng đầu năm: Nỗ lực vượt qua dịch bệnh Bức tranh kinh tế 8 tháng: Công nghiệp phục hồi tốt, doanh nghiệp gia nhập thị trường lập kỷ lục |
Số liệu thống kê cho thấy, kinh tế 8 tháng năm 2022 tiếp tục đà phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nhằm làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Bà đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế Việt Nam trong 8 tháng năm 2022?
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2022 và 8 tháng đầu năm của nước ta tiếp tục đà hồi phục nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước do thời điểm tháng 8/2021 nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tại các địa phương kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). |
Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu phục hồi tích cực, nền kinh tế nước ta đang phải chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như: Xung đột giữa Nga và Ukraine; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu; lạm phát gia tăng ở nhiều nước trên thế giới; sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước có đối tác thương mại lớn; dịch Covid-19 gia tăng trên thế giới với nhiều biến thể mới...
Trong bối cảnh đó, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, kinh tế - xã hội trong 8 tháng năm 2022 vẫn giữ vững ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát.
Đâu là những điểm sáng ấn tượng trong bức tranh kinh tế 8 tháng năm 2022, thưa bà?
Điểm sáng kinh tế Việt Nam tập trung ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, ấn tượng là lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu. Về ngành công nghiệp phục hồi nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2022 tăng cao, ước tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó chỉ số sản xuất của ngành chế biến chế tạo tăng 16,2%. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số IIP tăng 9,4%, trong đó có nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao như: Sản xuất đồ uống tăng 26,8%; sản xuất trang phục tăng 22,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,5%;...
Ảnh minh họa |
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8/2022 phục hồi ở hầu hết các ngành, đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước và dần lấy lại quy mô so với năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ hàng hóa gấp 1,3 lần (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019); dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,9 lần (tăng 6,7%). Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%.
Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD, là điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn…
Mặc dù bức tranh kinh tế có nhiều điểm sáng, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang đối diện với nguy cơ bị thu hẹp do lạm phát toàn cầu đang dự báo gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo bà, cần tập trung những giải pháp nào để giữ vững xuất khẩu?
Để thúc đẩy xuất, nhập khẩu những tháng cuối năm, Việt Nam cần tập trung những giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó, trước mắt cần tập trung 3 giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, chủ động nguồn nguyên liệu cho các đơn đặt hàng hiện hữu trong bối cảnh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.
Thứ hai, chuẩn bị nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu là thế mạnh của Việt Nam như: Hàng rau quả, hàng nông sản cho xuất khẩu chính ngạch và xuất sang các thị trường "khó tính" như: Mỹ, châu Âu trong dịp cuối năm, là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao do có nhiều ngày lễ hội.
Thứ ba, nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu nhập khẩu hợp lý, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ, hàng hóa trong nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Cùng với đó là chiến lược truyền thông, thúc đẩy, kích cầu tiêu dùng hàng nội địa từ cả hai phía: Nhà sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của nhau và người tiêu dùng.
Về dài hạn, theo tôi Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp, bao gồm: Giữ vững ổn định chính trị, tổ chức tốt công tác an sinh xã hội quốc gia tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho phát triển sản xuất.
Tổ chức lại sản xuất hướng đến nền sản xuất công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, sản xuất và tiêu dùng xanh; đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Cơ cấu lại sản xuất tiến tới các mặt hàng xuất khẩu chuyển dần lên phân khúc cao cấp tại các thị trường nhập khẩu.
Hỗ trợ và hướng dẫn thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho doanh nghiệp xuất khẩu một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất. Tư vấn cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam để thâm nhập thị trường một cách dễ dàng và bền vững hơn. Tiếp tục đẩy mạnh khai thác, tận dụng lợi thế của các FTA...
Xin cảm ơn bà!