Cuộc chơi khốc liệt
Trong tháng 6 vừa qua, thị trường TMĐT Việt Nam đã chứng kiến sự gia nhập của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) bằng việc khai trương sàn giao dịch https://badasa.com.vn. Vietnam Post cung cấp dịch vụ chuyển hàng và thu tiền trên toàn quốc thông qua việc tận dụng hệ thống phương tiện vận chuyển gồm sáu toa tàu đường sắt Bắc-Nam, 1.500 ô tô chuyên dụng mà công ty này đang quản lý và vận hành. Đây được xem là phương thức đổi mới khá sáng tạo của Vietnam Post để thay đổi hình thức kinh doanh từ truyền thống qua hiện đại.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam, TMĐT là một lĩnh vực được ưu tiên lựa chọn bởi tiềm năng và độ phát triển của thị trường. Tuy nhiên, thị trường này có mức độ cạnh tranh vô cùng khốc liệt, cùng với việc nhiều gương mặt mới xuất hiện thì trong mấy năm trở lại đây đã có có không ít doanh nghiệp đã phải “dừng” cuộc chơi.
Chẳng hạn Công ty Quảng cáo trực tuyến 24h đã ngừng trang Deca.vn do hoạt động không có hiệu quả; Lingo.vn cũng phải đóng cửa sau khi tiêu hết tiền của nhà đầu tư nước ngoài và không còn vốn để tái đầu tư; gần đây nhất vào cuối tháng 5/2017 vừa qua, trang TMĐT từng được rót vốn 1 triệu USD Top Mốt đã chính thức đóng cửa sau hơn 1 năm ra mắt.
Top Mốt được thành lập vào tháng 12/2015 và là trang TMĐT đầu tiên bán hàng theo mô hình flash sale - kết nối những nhà cung cấp muốn giải phóng hàng tồn kho hoặc xả hàng cuối mùa với những người có nhu cầu mua sắm hàng giảm giá. Dù được người tiêu dùng đánh giá cao nhưng với cách vận hành chưa thực hiệu quả, Top Mốt đã phải nói lời tạm biệt thị trường.
Tự đổi mới để thích ứng với thị trường
Một chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT cho rằng, yếu tố mang tính quyết định đến sự phát triển của TMĐT là sự trải nghiệm về sản phẩm, quy trình mua hàng và chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng - nếu làm tốt các đơn vị kinh doanh trực tuyến sẽ có chỗ đứng trong sự phát triển mạnh mẽ chung của thị trường hiện nay. Chính vì thế, các trang TMĐT đã phải luôn tự đổi mới, đưa ra những hướng tiếp cận cho cả người bán hàng lẫn người tiêu dùng.
Chẳng hạn trang TMĐT Shopee.vn, dù mới ra mắt hơn 1 năm nay nhưng đã có hơn 5 triệu lượt cài đặt phần mềm ứng dụng và đạt mốc 4 triệu sản phẩm được bày bán hồi tháng 8 vừa qua. Để cạnh tranh, Shopee đã đưa ra chính sách miễn phí vận chuyển với các đơn hàng có giá trị trên 180.000 đồng trên toàn quốc.
Trong khi đó Tiki bằng việc phát triển đột phá đã có thị phần nhất định sau 7 năm gia nhập thị trường và chinh phục được nhiều nhà đầu tư lớn như Cyber Argent, Sumitomo, Seedcom, VNG để phát triển các dự án kinh doanh của mình. Trong chiến lược hoạt động, Tiki luôn đặt khách hàng ở vị trí trung tâm và cho ra mắt dịch vụ mới là giao hành nhanh trong 2 tiếng với mức phí chỉ 29.000 đồng/mọi đơn hàng.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập kiểm Tổng giám đốc Tiki.vn - chia sẻ: Việc rút ngắn thời gian nhận hàng sẽ là bước tiến tiếp theo để giúp khách hàng của Tiki trải nghiệm mua sắm nhanh chóng và thuận tiện nhất, qua đó lựa chọn mua sắm trên trang Tiki nhiều hơn.
Được đánh giá là đơn vị dẫn đầu thị trường nhưng không vì thế mà Lazada tự hài lòng với những gì đạt được. Ông Alexandre Dardy, Giám đốc Điều hành Lazada - cho biết, mang đến những trải nghiệm mua sắm thú vị cho khách hàng luôn là mục tiêu được Lazada quan tâm. Để làm được điều đó, Lazada cho rằng trước hết phải chăm sóc tốt cho các nhà bán hàng của mình, tạo cho họ những hướng tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả.
Cụ thể, bắt đầu từ tháng 10/2017, Lazada đã mạnh tay giảm hơn 50% chi phí hoa hồng cho các nhà bán hàng nhằm giúp họ giảm gánh nặng chi phí và có sự đầu tư tốt hơn cho dịch vụ, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Lazada còn trao cho các nhà bán hàng nhiều công cụ để tự chủ quản lý và thúc đẩy quảng bá sản phẩm như Seller Center Mobile App (ứng dụng giúp nhà bán hàng kiểm tra tình trạng đơn hàng, doanh thu trong ngày mọi lúc mọi nơi), BI Portal - công cụ phân tích chỉ số bán hàng, đo lường hiệu quả kinh doanh của từng sản phẩm, thương hiệu; và Shop Decoration (trang trí gian hàng) giúp tạo điểm nhấn cho gian hàng, hiển thị sản phẩm và chương trình khuyến mãi, tăng nhận diện thương hiệu với những thiết kế riêng, ấn tượng…
Có thể nói, trong xu thế cạnh tranh của thị trường, mỗi một trang TMĐT đều chọn cho mình một hướng tiếp cận riêng song tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là tạo được niềm tin của người tiêu dùng, cho thấy người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn đến TMĐT.