Doanh thu tăng, nhiều doanh nghiệp mở rộng
Trong khi nhiều ngành hàng đang có chỉ số tăng trưởng âm thì kinh doanh thực phẩm (F&B) đã có tốc độ phục hồi khả quan trong những tháng đầu năm 2021. Cụ thể, kết quả công bố doanh thu quý I/2021 của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành như Masan, Kido, Cholimex, Meizan… đều ghi nhận tăng trưởng cao. Trong đó, Masan đạt doanh thu 19.977 tỷ đồng, tăng 13,3%; Kido đạt doanh thu 2.322 tỷ đồng, tăng 34,5%; Công ty CP Thực phẩm Cholimex đạt doanh thu thuần đạt 579 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ; Meizan CLV cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng ở mức hai con số.
Ông Lưu Huỳnh - Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH Meizan CLV chia sẻ, trái với lo lắng dịch bệnh làm ảnh hưởng tới lĩnh vực F&B, trong 5 tháng đầu năm nay doanh thu của các sản phẩm nui, mì… nói chung tăng khả quan. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 5/2021 tăng mạnh 20% so với tháng 4/2021.
“Chúng tôi dự báo năm nay doanh thu dù không tăng đột biến nhưng mức tăng trưởng 20% là trong tầm tay. Tuy vậy, mức tăng không phải ở tất cả nhóm hàng, mà nằm ở các mặt hàng nhu yếu phẩm. Chẳng hạn mì trứng, nui thì tăng nhiều, còn nhóm bột chiên giòn thì tăng ít hơn”- ông Huỳnh chia sẻ.
![]() |
Các sản phẩm nhu thiết yếu như mì, nui vẫn đạt mức tăng trưởng tốt trong các tháng qua |
Trên thực tế, ngành F&B tại Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng khi doanh thu toàn thị trường rơi vào khoảng hơn 700 nghìn tỷ trong năm 2020 (Theo báo cáo của Euromonitor). Dự báo doanh thu của ngành F&B ở Việt Nam trong 2 năm tới có thể đạt quy mô gấp đôi và tiếp tục là một "miếng bánh" hấp dẫn các nhà đầu tư trong năm nay. Chẳng hạn, trong tháng 3/2021 Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) đã khánh thành Tổ hợp sản xuất Thực phẩm - Đồ uống với tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng tại Hậu Giang. Tổ hợp này có công suất thiết kế 180 triệu lít nước ngọt, 18.000 tấn mì gói, 30.000 tấn sản phẩm sợi gạo mỗi năm. Đây là công trình nằm trong chiến lược đầu tư, tăng cường và mở rộng hệ thống sản xuất khắp cả nước của Masan Consumer nhằm tối ưu hóa chi phí kho vận, tạo ra lợi thế nhờ quy mô sản xuất lớn, từ đó đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.
Cũng trong chiến lược mở rộng kinh doanh, ngày 7/6 vừa qua Tập đoàn Kido đã ra mắt thương hiệu Chuk Chuk với tổng vốn đầu tư là 100 tỷ đồng. Với Chuk Chuk, ông Trần Lệ Nguyên - CEO Kido cho biết, tập đoàn này đặt mục tiêu phát triển được hệ thống 1.000 cửa hàng trên toàn quốc cho đến hết năm 2025; đồng thời trong giai đoạn từ 2021 đến 2023, Chuk Chuk sẽ kết hợp với một số đối tác nước ngoài để phát triển mở rộng sang các nước châu Á.
Với Meizan, ông Lưu Huỳnh cho biết, cuối quý IV năm nay nhà máy mở rộng của Meizan sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động, nâng công suất lên hơn 200% so với hiện tại.
![]() |
Kinh doanh F&B vẫn thu hút đầu tư |
Vẫn còn thách thức phía trước
Mặc dù nhận định thị trường có tiềm năng tăng trưởng song các doanh nghiệp F&B cũng thừa nhận đang phải đối mặt với một số thách thức do ảnh hưởng dịch bệnh. Theo đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, Long An đang phải chia ca nhằm đảm bảo giãn cách, thậm chí có doanh nghiệp phải thực hiện truy vết các trường hợp có nguy cơ do công nhân ở trọ trong các khu tập trung đông người. Việc này khiến quá trình sản xuất gián đoạn, phát sinh chi phí… Đó là chưa kể kế hoạch ra mắt sản phẩm mới cũng bị chậm lại do tác động của đại dịch. “Chúng tôi dự định trong năm nay sẽ tung thêm sản phẩm mới song với diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay sẽ khó mà thực hiện chào hàng mới. Do đó kế hoạch này có thể phải dời lại đến năm sau”- ông Lưu Huỳnh cho hay.
Ngoài vấn đề trên, đại dịch Covid-19 đã và đang dần khiến các nhà kinh doanh F&B nhận ra cần phải phát triển thương hiệu của mình cả trên các nền tảng trực tuyến (online) nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Bởi đây là bước đi cần thiết để có thể bắt kịp xu hướng và cũng là giải pháp thông minh giúp đối phó với hoàn cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp - khi người dân hạn chế ra đường như hiện nay.
Vì thế, trong kế hoạch hoạt động, mới đây Vissan đã triển khai mở rộng kinh danh các sản phẩm thịt heo, thịt bò đến nhiều kênh phân phối khác nhau đặc biệt chú trọng đến kênh bán hàng online, rà soát các sạp chợ truyền thống để phục vụ kinh doanh có hiệu quả… Doanh nghiệp này cũng xây dựng kế hoạch kinh doanh sản phẩm khay vỉ, trong khi chờ dự án đầu tư dây chuyền đóng gói thịt mát Vissan đưa vào sử dụng, cùng với đó là thực hiện các chương trình khuyến mãi tại các kênh bán hàng nhằm kích cầu mua sắm đặc biệt giai đoạn sau Covid 19.