Kinh doanh gặp khó
Mặc dù đã hơn nửa tháng được mở cửa kinh doanh trở lại sau thời gian cách ly xã hội, tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, dọc các tuyến phố lớn, sầm uất của TP. Hà Nội như Thợ Nhuộm, Xã Đàn, Thái Hà, Đội Cấn... trái ngược với hình ảnh mua bán nhộn nhịn, đông đúc thì nay lại đìu hiu, vắng bóng khách. Hàng loạt cửa hàng treo biển cho thuê, sang nhượng, hoặc thanh lý toàn bộ cửa hàng.
Kinh doanh ế ẩm khiến doanh thu sụt giảm, không thể cầm cự nhiều cửa hàng đành treo biển sang nhượng, cho thuê |
Chị Phan Thị Lệ, thuê một căn nhà nguyên căn mở quán nhậu tại phố Thợ Nhuộm cho biết: “Từ thời điểm trước tết sau khi Nghị định 100 của Chính phủ ra đời về việc cấm uống rượu bia, hoạt động kinh doanh của quán bắt đầu vắng khách. Liên tiếp sau đó là ảnh hưởng của dịch, rồi thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội. 6 tháng nay gần như cửa hàng không có doanh thu, trong khi tôi vẫn phải trả tiền thuê nhà, tiền lãi ngân hàng, hàng tháng cũng mất 70-100 triệu. Không thể cầm cự, mình đành treo biển sang nhượng toàn bộ cửa hàng. Tuy nhiên, dù treo biển cả tháng nay vẫn chưa có khách hỏi thuê. Mấy chục năm nay kinh doanh nhưng chưa bao giờ tôi thấy mặt bằng kinh doanh ở Hà Nội lại ế ẩm như thời điểm này”.
Cũng theo chị Lệ, trung bình mỗi mét vuông mặt sàn tại đây có giá cho thuê khá đắt, dao động từ 700.000 đến 1.000.000 đồng/tháng. Nếu như vào thời điểm trước dịch, để kiếm một mặt bằng kinh doanh trên các tuyến phố lớn của Hà Nội là điều rất khó, thậm chí phải “săn” nhiều tháng trời và trả phí môi giới mới có thể thuê được.
Nhiều cửa hàng tại Đội Cấn treo biển cả vài tháng cũng chưa có người mới hỏi thuê |
Mặc dù đã vớt vát khách thuê bằng cách giảm tiền thuê nhà 30-50% chia sẻ khó khăn với khách, tuy nhiên, nhiều chủ nhà vẫn không thể giữ chân được khách thuê. Chị Nguyễn Hoàng Anh, chủ một mặt bằng cho thuê tại Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Từ khi Hà Nội có bệnh nhân thứ 17 dương tính với Covid-19, người thuê nhà tôi đã quyết định trả mặt bằng vì kinh doanh thua lỗ. Dù tôi đã chủ động giảm 30% tiền nhà nhưng khách vẫn cương quyết trả. Tôi đành treo biển cho thuê, cũng có vài khách hỏi nhưng 2 tháng nay vẫn chưa có người mới đến thuê”.
Theo nhiều chủ nhà, lý do khiến nhiều cửa hàng sang nhượng, cho thuê là do kinh doanh ế ẩm, lượng khách giảm, lãi không bù đủ chi phí, phần nữa vì giá thuê mặt bằng tại các tuyến phố này khá cao nên muốn “tháo chạy”, giảm thiệt hại.
Thích nghi để “sống sót”
Dịch Covid-19 đã tác động đến đa số các lĩnh vực, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng là phép thử để các doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh học được bài học thích nghi và tìm thêm những hướng đi mới. Trên thực tế, nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng đã chuyển hướng mua sắm online, nhiều cửa hàng đã tận dụng cơ hội đẩy mạnh bán hàng đa kênh, bằng nhiều phương thức thu hút người tiêu dùng.
Để cắt lỗ, nhiều cửa hàng thanh lý toàn bộ cửa hàng với giá giảm sốc |
Anh Dương Đăng Phong (35 tuổi, chủ một cửa hàng nướng Hàn Quốc trên địa bàn Hà Nội) cho biết, ăn uống vẫn là nhu cầu thiết yếu của người dân, do đó, đóng cửa không có nghĩa là “chết”. Đây cũng là cơ hội để cửa hàng có thời gian xây dựng lại hệ thống kinh doanh online và tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng. “Với các đơn hàng được chia theo từng combo nhỏ, tiện dụng cho từng gia đình, mỗi hóa đơn được chiết khấu 20%, kèm giao hàng tại nơi dưới bán kính 5km. Chỉ sau 2 tháng triển khai, cửa hàng đã tăng 20-30% lượng khách đặt hàng qua kênh online so với trước đây. Nhờ đó doanh thu cửa hàng cũng phần nào gỡ gạc được chi phí mặt bằng”.
Cũng theo anh Phong, sau thời điểm dịch mọi người sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, đây chỉ là giải pháp khi khó khăn mọi người mới nhận ra. Trong cái rủi có cái may, đây là cơ hội để những người làm kinh doanh cần rèn tinh thần thép để thích ứng và cần có những cách làm mới nhằm ứng phó với những tiền đề khó khăn hơn nữa.
Nhằm kích cầu người tiêu dùng nhiều cửa hàng đẩy mạnh giảm giá và kinh doanh online gỡ gạc chi phí |
Chia sẻ với phóng viên, ông Hán Quang Dự, Giám đốc Công ty Cổ phần GCC Việt Nam, chuyên đào tạo kinh doanh online cho biết: “Sự nhập cuộc các cửa hàng dịch vụ trên kênh online từ sớm là rất tốt. Việc phát triển mô hình đa kênh, thêm những kênh mới để phòng chống rủi ro. Mục đích lớn nhất của đa kênh là tạo ra nhiều đầu mối để liên hệ với khách hàng khi không thể trực tiếp mở được cửa hàng, tạo ra những cộng đồng khách hàng trên online. Do vậy, từ khóa rút ra sau đại dịch là phải đa kênh”.
Cũng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, do ảnh hưởng của dịch kéo dài dẫn tới các cửa hàng không thể kinh doanh được, đây là tình trạng chung khi cả nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt. Tuy nhiên, nó cũng phản ánh thực tế đối với các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, vốn kinh doanh ít, xoay vòng không có dẫn đến thua lỗ là điều dễ hiểu. Để giải quyết khó khăn chỉ có cách duy nhất là cần sự thích nghi và sáng tạo những cách làm mới, đồng thời thương lượng với chủ nhà giảm giá mặt bằng cho thuê để đỡ gánh nặng chi phí. Bên cạnh đó, ông Phong cũng đánh giá về sự lạc quan của nền kinh tế: “Chúng ta đang tiếp tục thành công trong cuộc chiến với dịch bệnh, đặc biệt sau thời gian giãn cách xã hội. Khó khăn rồi cũng qua, nền kinh tế đang từng bước hồi phục”.