Đơn hàng online tăng cao
Sáng 22/6, tại một cửa hàng chuyên về thực phẩm trên đường Lê Mao, TP. Vinh (Nghệ An) khách khá vắng, nhưng nhân viên tại cửa hàng này lại vô cùng bận rộn. Các shiper đứng đợi, nhận túi hàng rồi nhanh chóng rời đi.
Từ khi TP. Vinh áp dụng giãn cách xã hội, đơn hàng qua điện thoại và đặt online ở cửa hàng này tăng gấp 3 - 4 lần so với trước. Theo chị Thuý (chủ cửa hàng thực phẩm sạch) cho biết, hầu hết các mặt hàng tươi sống ở cửa hàng giá cả đắt hơn ngoài chợ 2 đến 3 giá nhưng người mua vẫn chấp nhận, bởi hàng hoá ở đây đảm bảo nguồn gốc, nhận ship tận nhà, lại thuận tiện khi có nhiều món chế biến sẵn, người mua về chỉ việc nấu chín… nên rất được lòng các chị em nội trợ, nhất là giới trẻ.
Chuyển sang bán hàng online nên dịch vụ ship hàng vì thế cũng "đắt khách" hơn |
So với đợt giãn cách xã hội trước, nhiều bà nội trợ đã thích nghi với việc mua sắm online. Các cửa hàng kinh doanh thực phẩm, các siêu thị cho biết đơn hàng online tăng khá mạnh, có ngày quá tải, cửa hàng phải tạm ngưng nhận đơn hàng mới. Nhu cầu của người tiêu dùng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm hằng ngày...
Anh Mạnh, một shipper lâu năm cho biết, từ khi có dịch và nhất là khi thành phố giãn cách chúng tôi chạy không hết đơn. Hầu như đơn hàng tập trung vào từ 8h30 sáng tới 11h trưa. "Thực đơn tôi đưa cho khách năm nay thường thấy là trái cây, rau củ, thịt cá, đồ hải sản, gạo… còn mỳ gói, dầu ăn, giấy vệ sinh không nhiều như năm ngoái…”, anh Mạnh chia sẻ.
Theo đại diện VinMart, do đơn hàng tăng 3-4 lần so với ngày thường, toàn bộ nhân viên của hệ thống này đã được huy động sang xử lý đơn hàng online, tránh ùn ứ khi giao hàng. Việc đưa ra nhiều kênh mua sắm trên điện thoại như qua ứng dụng, gọi điện đến siêu thị gần nhất và trên website, sàn thương mại điện tử... giúp khách hàng có thể mua sắm qua nhiều kênh khác nhau và nhận hàng giao tận cửa, hạn chế sự lây lan dịch bệnh và giảm thanh toán bằng tiền mặt. Hệ thống này cũng ghi nhận lượng đơn đặt hàng online tăng gấp 2 lần sau khi có chỉ thị giãn cách toàn thành phố.
Từ khi thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16, chỉ cho những cửa hàng thiết yếu mở cửa, số lượng đơn hàng qua các kênh mua sắm đi chợ hộ, mua hàng qua điện thoại, trang thương mại điện tử siêu thị BigC Vinh được ghi nhận tăng nhanh gấp nhiều lần so với ngày thường. Để "vớt" khách trong mùa dịch, các cơ sở kinh doanh thực phẩm, quán ăn, nhà hàng ở TP. Vinh cũng nhanh chóng chuyển đổi từ bán hàng trực tiếp sang bán hàng online, giao thực phẩm, hàng hóa đến từng khách hàng. “Trước đây, quán chủ yếu phục vụ khách tại chỗ, nhưng giờ đây chuyển hẳn qua online cùng với đó phải bỏ kinh phí chạy quảng cáo trên mạng xã hội để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Hiện tại, lượng khách của cửa hàng đã giảm khoảng 70-80% so với những ngày bình thường”, chị Hoàng Dung, chủ cửa hàng ăn nhanh trên đường Hồng Bàng, TP. Vinh cho hay.
Khi phải chuyển đổi cách bán hàng, lượng khách bị sụt giảm mạnh, thêm vào đó là các khoản chi phí phát sinh như tiền lương cho người giao hàng, tiền xăng xe… khiến thu nhập của các chủ cửa hàng vẫn rất bấp bênh. Nhiều cửa hàng do không đủ kinh phí hoạt động đã phải đóng cửa và chưa biết đến khi nào mới có thể hoạt động trở lại. Các cơ sở dinh doanh nghiêm túc thực hiện lệnh tạm dừng để phòng chống dịch bệnh, thế nhưng để đủ mọi chi phí từ mặt bằng, tiền lãi ngân hàng, tiền thuế, tiền lương nhân viên... thì bán hàng qua mạng, giao hàng tận nhà và bán tại cửa hàng cho khách mang về không phải là hình thức kinh doanh mới nhưng lại là “phao cứu sinh” mùa dịch, vừa đáp ứng được mục tiêu “kép” là vừa kinh doanh, vừa phòng chống dịch bệnh.
Cơ hội cho thương mại điện tử
Theo chủ các trang bán hàng qua kênh mạng xã hội như facebook, Zalo… người tiêu dùng có xu hướng mua online nhiều hơn so với trước do muốn tránh tới nơi đông người, các đơn hàng online vì thế cũng tăng mạnh hơn. Không chỉ các sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khỏe mùa dịch như khẩu trang, nước rửa tay và các sản phẩm khử trùng… mà các sản phẩm thiết yếu hàng ngày như rau, thịt, cá… cũng đồng loạt ‘lên sàn’
Nhận định về xu hướng mới này, ông Trần An Khang - Giám đốc BigC Vinh - cho biết, khi cách ly xã hội trở thành một thực tế cấp bách hơn, người tiêu dùng thành thị tìm kiếm các lựa chọn mua sắm thuận tiện và an toàn cho nhu cầu gia đình hằng ngày là tất yếu. Các doanh nghiệp phải chủ động đổi mới, sắp xếp phù hợp, thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng tận nhà đã trở thành kênh hữu hiệu trong tình hình mới.
Tạm thời dừng bán hàng tại chỗ, các quán hàng ăn uống ở TP. Vinh chuyển hướng sang bán online, treo biển bán mang về, ship tận nơi |
Theo bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương Nghệ An, dịch Covid-19 đang đẩy mua sắm online, sàn thương mại điện tử đi nhanh hơn. Đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy thói quen mua sắm của người Việt đang dần thay đổi, thích ứng với xu hướng mới. Chính vì thế, các nhà kinh doanh sàn thương mại điện tử muốn nắm bắt được cơ hội này, duy trì sự tăng trưởng thì cần phải cung cấp những dịch vụ đáng tin cậy.
“Các doanh nghiệp chuyển sang kinh doanh online cũng cần điều chỉnh hàng hóa phù hợp với nhu cầu của người mua hàng trong thời dịch. Họ cũng cần đầu tư vào biện pháp an toàn vệ sinh, dịch tễ tạo sự an tâm cho khách mua hàng. Ngay cả nhân viên kho vận, giao hàng cũng phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch covid-19", bà Hà lưu ý.
Để phòng tránh các trường hợp đáng tiếc khi mua hàng trên sàn online, người tiêu dùng cần kiểm tra lịch sử bán hàng và lượt đánh giá sản phẩm của người bán hàng trước khi lựa chọn mua hàng. Khi nhận hàng, cần có bước kiểm tra, đối chiếu thông tin giữa đơn hàng nhận được và đơn hàng đặt mua trên sàn sàn thương mại điện tử. Người dùng có thể từ chối nhận hàng nếu thông tin đơn hàng nhận được không khớp với đơn hàng đã đặt mua. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các hình thức thanh toán không tiền mặt lúc này được xem an toàn hơn cả… bà Mỹ Hà cho biết thêm.