Nội - ngoại đua mở chuỗi cà phê
Theo nghiên cứu của Euromonitor, thị trường chuỗi cà phê và trà Việt Nam có quy mô khoảng 1 tỷ USD/năm. Điều này cho thấy thị trường cà phê nội địa rất hấp dẫn và ngày càng thu hút các thương hiệu kinh doanh cà phê chuỗi gia nhập thị trường, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
Mới đây nhất, cà phê Amazon - thương hiệu chuỗi cà phê đa quốc gia được đánh giá là lớn nhất thị trường Thái Lan đã công bố kế hoạch phủ rộng cửa hàng tại Việt Nam. Được biết Việt Nam là một trong 10 thị trường ngoài Thái Lan mà công ty mẹ dự kiến sẽ chi đến 2,5 tỷ USD để mở rộng độ phủ trong 5 năm tới và phân khúc mà họ chọn là trung cấp.
Với những thương hiệu cà phê đang hiện hữu, cuộc đua mở chuỗi dù trầm lắng nhưng không hề dừng lại. Starbucks Việt Nam đang dự kiến sẽ khai trương thêm 2 cửa hàng mới vào cuối tháng 4/2021 này tại Nha Trang, tiếp nữa có thể là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, trong năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh nên thương hiệu này chỉ mở rộng được 6 cửa hàng trong kế hoạch phát triển nhiều hơn con số này.
Kinh doanh chuỗi cà phê đang thu hút các doanh nghiệp nội-ngoại so găng |
Trong khi đó, với thương hiệu chuỗi cà phê nội địa, hồi đầu tháng 1/2021, hai cửa hàng Trung Nguyên E-Coffee tại Quảng Ninh và Nha Trang đồng loạt khai trương. Từ đó đến nay, bất chấp dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, thương hiệu này vẫn liên tục mở mới thêm 14 chi nhánh khác trên khắp cả nước. Còn The Coffee House, đến hết quý I/2021, thương hiệu này đã mở thêm 24 cửa hàng, nâng số lượng cửa hàng trên toàn quốc lên con số 176. The Coffee House cũng có kế hoạch mở rộng trong năm nay với ít nhất 50 cửa hàng mới, nâng qui mô lên gần 230 cửa hàng vào cuối năm 2021.
Ngoài ra các thương hiệu khác như Phúc Long, Ông Bầu, Highlands Coffee... cũng đều có kế hoạch gia tăng độ phủ trong năm nay. Chẳng hạn Phúc Long khẳng định trong năm nay sẽ mở thêm nhiều cửa hàng phủ khắp từ Nam ra Bắc và ưu tiên các khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Bảo Lộc, Vũng Tàu, Biên Hoà, Nha Trang, Đà Nẵng...
Lý giải sức hấp dẫn của thị trường cà phê Việt, ông Đinh Anh Huân - Chủ tịch HĐQT Chuỗi The Coffee House - cho biết: "Việt Nam là một đất nước có văn hoá uống cà phê, với những kiểu sáng tạo và có từ lâu và nhu cầu sử dụng cà phê trên mỗi người dân ngày một tăng. “Người Việt uống cà phê với sự "sành" và am hiểu trong gu thưởng thức. Điều này có thể đến từ việc Việt Nam là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất cà phê với những vùng đất như Đắk Lắk/Đắk Nông - làm cho cà phê trở nên gần gũi và trở thành 1 phần không thể thiếu của ẩm thực Việt Nam” - ông Huân nhận xét.
Cũng theo ông Huân, một yếu tố khác làm nên sức hút của thị trường cà phê chuỗi còn do Việt Nam có dân số trẻ, các bạn thế hệ Z (GenZ) đang trở thành một tập khách hàng lớn, luôn muốn thử những cái mới, khác biệt, mở ra những tiềm năng cho một thị trường F&B đa dạng và lớn.
Chinh phục người Việt không dễ?
Mặc dù các thương hiệu đua nhau mở ra nhưng suốt thời gian qua thị trường cà phê đã chứng kiến không ít phải rời cuộc chơi. Có thể kể tới như chuỗi cà phê New York Dessert Café - NYDC. Với khoản đầu tư từ Tập đoàn SUTL (Singapore), thời điểm hoàng kim NYDC sở hữu 6 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đến tháng 7/2016, cửa hàng cuối cùng của NYDC tại Metropolitan (TP. Hồ Chí Minh) đóng cửa, kết thúc hơn 7 năm kinh doanh tại thị trường Việt. Hay chuỗi Gloria Jean’s Coffee (Australia) mở cửa lần đầu vào năm 2006 qua hợp đồng nhượng quyền thương mại, Gloria tham vọng đạt kết quả kinh doanh ở Việt Nam như từng có tại Thái Lan và Malaysia. Dù vậy đến tháng 4/2017, chuỗi cà phê nổi tiếng này cũng đã rút lui khỏi thị trường vì kinh doanh không như mong đợi.
Ngoài ra còn một loạt tên tuổi khác như Coffee Bar - chuỗi cà phê nổi tiếng châu Âu, hay Coffee Bene của Hàn Quốc. Mang theo tham vọng lớn vào thị trường Việt nhưng các chuỗi này đều phải rời đi khi số cửa hàng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay…
Am hiểu thị trường cũng như đưa ra sản phẩm cà phê đúng gu sẽ giúp thương hiệu chuỗi cà phê chinh phục được người Việt |
Theo các chuyên gia, với sức hấp dẫn tỷ đô, việc các thương hiệu nước ngoài tham gia thị trường là đương nhiên. Vấn đề còn lại là làm sao phục vụ được gu uống cà phê hoặc gu thưởng thức nói chung của người Việt, đồng thời họ cũng phải xử lý những thách thức trong kinh doanh như giá thuê mặt bằng cao, nhiều thương hiệu đầu tư lớn để đua top dẫn đầu... Điều này dẫn tới việc những tính toán ban đầu không như mong đợi.
Cũng vì thế mà dù có rất nhiều thương hiệu tham gia nhưng theo Chuyên gia marketing Lê Hữu Tình thì chỉ những thương hiệu có đầu tư bài bản, có sự khác biệt trong sản phẩm mới cũng như am hiểu gu uống cà phê của người Việt thì mới chinh phục được khách hàng. Đây cũng là điều dễ hiểu khi hai thương hiệu nội là Highlands Coffee và The Cofee House hiện đang dẫn đầu thị phần chuỗi cà phê, trong đó vị trí thứ nhất thuộc về Highlands Coffee, còn The Cofee House ở vị trí thứ hai (theo nghiên cứu được công bố bởi Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor trong năm 2020).
Vậy đâu là bí quyết giúp các thương hiệu này chiếm thị phần? Ông Đinh Anh Huân chia sẻ rằng, các yếu tố quyết định thành công trong cuộc đua chinh phục người dùng sẽ xoay quanh sản phẩm, khả năng hiểu đúng và hiểu nhanh khách hàng và trải nghiệm khách hàng đồng nhất ở qui mô lớn. Làm sao để tạo ra được những sản phẩm cà phê ngon theo đúng gu cà phê của người Việt? Ở đây thách thức nằm ở đảm bảo chất lượng đồng nhất trên quy mô lớn ở các khâu từ đồng hành cùng người nông dân trồng cà phê ở công đoạn thu hoạch, sơ chế, rang xay và phục vụ ly cà phê ngon đến tay khách hàng. Kế đến phải hiểu khách hàng đúng và nhanh vì khách hàng có rất nhiều lựa chọn và xu hướng tiêu dùng thay đổi rất nhanh. Và một điều vô cùng quan trọng khác là trải nghiệm khách hàng - muốn làm vậy phải nâng tầm đội ngũ quản trị, ứng dụng công nghệ để từ đó có thể tạo ra trải nghiệm khách hàng xuyên suốt trên toàn chuỗi.
Với sự góp mặt của nhiều tay chơi mới, cách tiếp cận khác nhau để giải bài toán giống nhau. Ai sẽ là người đi nhanh về tắt, ai sẽ rời cuộc chơi. Nhất là trong bối cảnh Covid tại Việt Nam dù được kiểm soát tốt nhưng không thể đoán trước được khi nào trở lại. Dù gì đi nữa, điểm hấp dẫn nhất vẫn là thói quen người Việt kể cả trong và sau đó vẫn không thay đổi, dù rảnh hay có việc, vẫn rủ nhau “cà phê” để bắt đầu câu chuyện.