Tại cuộc họp giao ban Bộ Công Thương mới đây, bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho hay, 6 tháng đầu năm, kim ngạch XK và nhập khẩu (NK) đều đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Ước tính, mức tăng trưởng XK đạt 97,8 tỷ USD, tăng trên 18,9%, cao gấp 3 lần so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2016 (tăng 5,9%) và cao hơn rất nhiều con số Bộ Công Thương được giao phải hoàn thành trong năm nay (tăng 6 - 7%).
Đáng chú ý, kim ngạch XK nhóm hàng nông sản đã và đang giữ vững mức tăng trưởng khá cao, đạt 17 tỷ USD, tăng 13,1%. Mức tăng này không những đóng góp tích cực cho tổng kim ngạch XK nói chung mà còn là yếu tố quan trọng giúp tăng kim ngạch XK của khối doanh nghiệp (DN) 100% vốn trong nước, bởi nông sản chính là hàng hóa XK chủ yếu của các DN này. “Đặc biệt thời gian qua, rất nhiều nhóm hàng nông sản rơi vào cảnh “được mùa mất giá”, phải “giải cứu”, nhưng chính XK đã góp phần tiêu thụ nông sản cho bà con, giúp giảm gánh nặng từ việc rớt giá” – bà Hà khẳng định.
Tuy vậy, ở chiều ngược lại, kim ngạch NK cũng tăng trưởng khá mạnh, đạt 100,5 tỷ USD, tăng gần 24%. Mặc dù phần lớn hàng hóa NK 6 tháng qua là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tạo nguồn hàng cho XK, nhưng mức tăng trưởng cao cũng gây ảnh hưởng đến con số nhập siêu của cả năm nay. Sau 6 tháng, mức nhập siêu của cả nước ước khoảng 2,7 tỷ USD, chiếm 2,8% tổng kim ngạch XK. Bà Phan Thị Diệu Hà cho biết, thực tế, mức nhập siêu này vẫn an toàn và dưới mức cho phép, nhưng áp lực kiềm chế nhập siêu từ nay đến cuối năm vẫn khá nặng nề.
6 tháng cuối năm và thời gian tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho công tác xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Theo đó, Nghị định thay thế Nghị định 109 về điều kiện kinh doanh XK gạo đang được Cục Xuất nhập khẩu lấy ý kiến các cơ quan liên quan, hoàn thành và trình Chính phủ.
Cũng liên quan đến mặt hàng gạo, mới đây, Chiến lược phát triển thị trường XK gạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Công Thương đang triển khai các giải pháp phổ biến chiến lược với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp XK gạo nhằm định hướng phát triển các thị trường XK gạo với quy mô, cơ cấu thị trường và chủng loại sản phẩm XK hợp lý, bền vững và hiệu quả.
Luật Quản lý ngoại thương đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, được coi là văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương được thuận lợi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Bộ Công Thương cũng đang tích cực xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn sau khi Luật Quản lý ngoại thương được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Trong các giải pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu thời gian tới, cần đặc biệt lưu ý đến sự thay đổi chính sách của thị trường Hoa Kỳ, vì với vai trò là bạn hàng lớn nhất, từng chính sách của họ đều liên quan trực tiếp đến tình hình xuất nhập khẩu của nước ta. |