Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Lê Thị Phương Hoa - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Lào - cho biết, tiềm năng của hàng hóa Việt Nam tại Lào còn rất lớn. Bên cạnh đó, hai nước Việt Nam - Lào có quan hệ đặc biệt, chính phủ hai bên đã xây dựng nhiều cơ chế, hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, tiêu biểu như Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Lào. Bộ Công Thương hai nước cũng đã thống nhất và triển khai nhiều nội dung hợp tác quan trọng về thương mại như phối hợp xây dựng Đề án Phát triển thương mại Việt Nam - Lào giai đoạn 2017-2026, tầm nhìn đến năm 2035; ký kết và triển khai Bản ghi nhớ thành lập "Trang tin điện tử kinh tế, thương mại Việt Nam - Lào"; phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020; phê duyệt Đề án "Quy hoạch phát triển hệ thống kho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035".
Doanh nghiệp Việt Nam được ưu tiên đầu tư, kinh doanh tại Lào |
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Phương Hoa, hàng Việt Nam cũng đang gặp phải nhiều rào cản tại thị trường Lào, điển hình là sự cạnh tranh với các hàng hóa của nước khác trong khu vực. Bên cạnh đó, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp thiết lập được kênh chính thức để hiện diện tại thị trường Lào mà thông qua kênh đại lý dẫn đến giá cao, thiếu sức hút, mất dần thị trường do phải cạnh tranh với hàng Thái Lan, Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng thương mại ở cửa khẩu biên giới, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, dịch vụ thanh toán giao nhận, vận chuyển... giữa Việt Nam và Lào còn hạn chế. Năm 2019, theo Thỏa thuận về kế hoạch hợp tác giữa hai chính phủ tại Kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ lần thứ 41, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia phải đạt ít nhất 10%.
Góp phần cho mục tiêu này, bà Lê Thị Phương Hoa cho hay, Thương vụ Việt Nam tại Lào sẽ tập trung một số giải pháp chủ yếu như thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm, mà sắp tới đây là Hội chợ Thương mại Việt - Lào, được tổ chức từ ngày 27/6 - 1/7. Bên cạnh đó, tổ chức gian hàng mẫu tại Trụ sở Thương vụ làm điểm kết nối cung - cầu cho hàng hóa Việt thâm nhập vào thị trường Lào. Đặc biệt, thông tin kịp thời chính sách mới của phía bạn cho doanh nghiệp Việt Nam; thường xuyên lắng nghe để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động; hỗ trợ về thông tin, thủ tục đầu tư, mở cơ sở kinh doanh tại Lào; hỗ trợ thông tin về đối tác, bạn hàng, ký kết hợp đồng, thủ tục thanh toán…
Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Lào đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 14% so năm 2017. Hơn 400 dự án của doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD tiếp tục đóng góp cho ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội của Lào. |