Sáng 23/5/2024 tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc gia với chủ đề “Kiến tạo hệ sinh thái bất động sản hiệu quả, minh bạch và bền vững: từ lý luận địa tô đến công nghệ Proptech”.
Hội thảo được tổ chức nhằm kết nối các chuyên gia hàng đầu trong các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và công nghệ để cùng nhau trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cũng như thảo luận về vai trò của lý luận địa tô trong việc định hình hệ sinh thái bất động sản; phân tích xu hướng phát triển của hệ sinh thái bất động sản trong bối cảnh công nghệ Proptech; giới thiệu các mô hình sàn giao dịch bất động sản trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Cùng đó, tạo cơ hội giao lưu, kết nối giữa các nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp và các bên liên quan trong lĩnh vực bất động sản.
PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh có nhiều thay đổi trong Luật Đất đai 2024 |
Khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, 2024 là năm đánh dấu sự kiện quan trọng bằng việc thông qua Luật Đất Đai năm 2024. Và đặc biệt, ngày 17/5/2024 vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 17/5/2024 thống nhất thông qua Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15. Hai Luật này có hiệu lực ngay từ ngày 1/7/2024, sớm hơn 6 tháng.
PGS.TS Nguyễn Anh Thu nhấn mạnh, Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh có nhiều thay đổi trong Luật Đất Đai 2024, những thay đổi lớn tập trung vào các vấn đề như: 1) Thuê đất; 2) Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất; 3) Đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; 4) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; 5) Các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…
“Những thay đổi này sẽ có tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản của Việt Nam” - PGS.TS Nguyễn Anh Thu đánh giá và cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam năm 2024 đang đứng trước nhiều cơ hội lớn, song cũng đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác từ nhiều phía. Chính phủ, doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các Trường đại học và cộng đồng cần chung tay để xây dựng một thị trường bất động sản minh bạch, hiệu quả và bền vững.
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng cho rằng, hệ sinh thái bất động sản hoạt động dựa trên sự tương tác và kết nối giữa: doanh nghiệp bất động sản, cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư, khách hàng, các dịch vụ hỗ trợ và công nghệ - các ứng dụng công nghệ proptech vào lĩnh vực bất động sản |
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, hệ sinh thái bất động sản hoạt động dựa trên sự tương tác và kết nối giữa các thành phần bao gồm: doanh nghiệp bất động sản, cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư, khách hàng, các dịch vụ hỗ trợ và công nghệ - các ứng dụng công nghệ proptech vào lĩnh vực bất động sản.
Các thành phần trong hệ sinh thái ảnh hưởng lẫn nhau và cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hàn Quốc... hệ sinh thái bất động sản đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Hệ sinh thái này giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.
Tại Việt Nam, Luật Kinh doanh bất động sản quy định Nhà nước điều tiết thị trường bất động sản trong trường hợp thị trường có diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội. Điều tiết thị trường bất động sản qua chính sách về đất đai, tài chính là một giải pháp quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường này.
Luật Kinh doanh bất động sản đã được sửa đổi để tăng cường điều tiết thị trường bất động sản trong những tình huống phức tạp có thể ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội. Nhà nước sẽ can thiệp điều tiết thị trường thông qua các chương trình, kế hoạch và chính sách về đất đai, thuế, tài chính và tín dụng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường. Luật mới cũng tập trung vào việc quy định hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các công ty liên quan đến quản lý nợ và tài sản, đặc biệt trong việc thu hồi nợ dựa trên tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, luật bổ sung quy định chi tiết hơn về các loại bất động sản và dự án bất động sản được phép kinh doanh, cũng như quyền sử dụng đất và điều kiện kinh doanh bất động sản cho các tổ chức và cá nhân. Các điểm mới này bao gồm cả việc giới hạn thu tiền đặt cọc từ khách hàng và quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bên trong giao dịch bất động sản. Luật cũng tập trung vào việc điều chỉnh hoạt động của sàn giao dịch và môi giới bất động sản, yêu cầu hồ sơ và giấy phép hoạt động từ cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời đặt ra các điều kiện mới cho cá nhân muốn hành nghề môi giới bất động sản.
Do vậy, Hội thảo được tổ chức sẽ góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại trong lĩnh vực quản lý đất đai và bất động sản, thúc đẩy phát triển ngành bất động sản và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Hội thảo bao gồm hai phiên chuyên đề và các phiên thảo luận chính sách để các đại biểu, diễn giả, trao đổi đưa ra các giải pháp kiến tạo hệ sinh thái bất động sản hiệu quả, minh bạch và bền vững |
Hội thảo bao gồm hai phiên chuyên đề và các phiên thảo luận chính sách. Tại các phiên báo cáo đề dẫn, các diễn giả thảo luận về những nội dung chính là: Hệ sinh thái bất động sản và lý luận địa tô trong định giá đất đai; R&D bất động sản, proptech và ứng dụng trong hoạch định chính sách; và Phát triển bền vững thị trường đất đai và bất động sản Việt Nam: thực trạng và giải pháp...
Cùng đó, các diễn giả cũng tham gia thảo luận về những vấn đề nổi bật trong lĩnh vực bất động sản như: Nghiên cứu mô hình sàn giao dịch bất động sản của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, “Đánh giá thực thi chính sách định giá đất theo nghị định 44/2014/NĐ-CP và thông tư 36/2014/TT-BTNTMT và đề xuất quy trình định giá đất phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế hiện tại của Việt Nam”, “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam”, “Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách quy định về công bố thông tin trong trường hợp mua bán, sáp nhập doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam”...