Phấn đấu tăng trưởng mạnh giá trị sản xuất công nghiệp
Theo đó, thực hiện Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 31/7/2024 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc điều hành tăng trưởng kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024. Nhằm tiếp tục phấn đấu trong những tháng còn lại trong năm 2024 theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra.
Ngày 28/8, Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang xây dựng Kế hoạch điều hành tăng trưởng các chỉ tiêu của ngành 6 tháng cuối năm 2024 với mục tiêu: Tiếp tục nhất quán phương châm chỉ đạo điều hành với tinh thần “5 quyết tâm” - “5 đảm bảo” - “5 đẩy mạnh”.
Đồng thời, đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả gắn với việc bổ sung các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2024 và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, đơn vị thuộc Sở; phối hợp đồng bộ, hài hoà, gắn kết chặt chẽ với các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan;… Qua đó, kịp thời, đôn đốc, chấn chỉnh góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành và đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm tăng từ 10,97% trở lên (tốc độ tăng trưởng 10,68%) để cả năm đạt giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11,66%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng cuối năm tăng 7,96% trở lên để cả năm đạt 14,8%. Riêng, chỉ tiêu không giao trong Nghị quyết là kim ngạch xuất khẩu tăng 6,32% trở lên so với năm 2023 tương ứng giá trị 920 triệu USD, chỉ tiêu phấn đấu đạt 1 tỷ USD.
Sản xuất giày xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang (Ảnh: CTV). |
Nhiều giải pháp đồng bộ
Theo Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, để đạt được mục tiêu trên; trong thời gian tới ngành Công Thương tỉnh cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Cụ thể, Sở sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Quý III và quý IV năm 2024 theo Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 01/02/2024 của UBND tỉnh Kiên Giang về điều hành tăng trưởng kinh tế năm 2024; đồng thời bám sát các nhiệm vụ và giải pháp đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 181/NQ-HĐND ngày 28/12/2023 của HĐND tỉnh; và một số văn bản khác liên quan, trên cơ sở đó cụ thể hoá, phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả.
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động Công Thương. Duy trì các buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, trên cơ sở đó báo cáo kịp thời cho UBND có chỉ đạo hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất; đồng thời, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết về chính sách hỗ trợ, sớm đưa các chính sách này đi vào triển khai thực hiện.
Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức, triển khai có hiệu quả Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần X - năm 2024 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và các hoạt động thương mại, dịch khác gắn với chuỗi sự kiện này.
Đối với lĩnh vực quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành và các địa phương thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về phát triển công nghiệp, về phục hồi sản xuất công nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định và hồi phục nhanh hơn thúc đẩy hoạt động sản xuất, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng công nghiệp theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Đồng thời, trình cấp thẩm quyền xử lý các vướng mắc về đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo dư địa tăng trưởng cho năm 2024 và các năm tiếp theo.
Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai các nội dung tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN). Tổ chức triển khai Phương án phát triển các cụm công nghiệp theo quy hoạch tỉnh, để đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, an toàn phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt theo kế hoạch; phối hợp các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII.
Tổ chức khảo sát nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp và tình hình đầu tư của các cụm cong nghiệp, cụm nhà máy chế biến, gắn với vùng nguyên liệu để tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh để có hướng xử lý tháo gỡ; trên cơ sở đó, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tổ chức Hội thảo sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ. Khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất các dự án sản xuất năng lượng hydrogen xanh quy mô lớn, dự án phát triển năng lượng tái tạo theo quy hoạch.
Đối với lĩnh vực quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ thường xuyên theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường, tăng cường các hoạt động kích cầu tiêu dùng, kết nối cung cầu. kịp thời triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hoá khác, ổn định thị trường đảm bảo nguồn cung, nhất là các mặt hàng thiết yếu nhất là trong những tháng cuối năm.
Phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP,... tham gia các hoạt động, chương trình kích cầu tiêu dùng, tăng cường tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, bình ổn thị trường, hội chợ triển lãm, hội nghị giao thương, mở rộng thị trường gắn với tuyên truyền, phổ biến, duy trì phát hành các thông tin về thị trường, đặc biệt là tham gia trên Sàn Thương mại điện tử Kiên Giang (Kigi.com.vn) để giới thiệu, quảng bá, xuất khẩu.
Cùng với đó, Sở sẽ tiếp tục cập nhật, thông tin, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do đến các đối tượng thụ hưởng trong ngành thuộc thẩm quyền. Thường xuyên nắm bắt tình hình kinh doanh xuất khẩu của doanh nghiệp kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh và xuất khẩu.
Đồng thời, thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, nhất là các mặt hàng thiết yếu và xăng dầu.