Hội nghị có sự tham dự của 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương vùng ĐBSCL, khách quốc tế, các tổ chức xúc tiến nước ngoài tại Việt Nam...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Vùng đất nhiều tiềm năng
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Kiên Giang có diện tích tự nhiên lớn nhất vùng ĐBSCL và dân số đứng thứ 2/13 tỉnh, thành phố trong khu vực. Với vị trí cửa ngõ phía Tây của vùng và thông ra vịnh Thái Lan, Kiên Giang có vùng biển rộng hơn 63.000 km2, gấp 10 lần diện tích đất liền của tỉnh; có đường biên giới giáp Campuchia dài hơn 58 km với cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cùng một số cửa khẩu quốc gia. Điều này giúp Kiên Giang có lợi thế nhất định trong phát triển kinh tế biển, kinh tế cửa khẩu cũng như kết nối giao thông đường biển, trên bộ nội vùng và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu khai mạc hội nghị |
Ông Hồng cho rằng Kiên Giang vẫn còn rất nhiều tiềm năng cần được khơi dậy như đất đai, du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, thủy sản…Do đó, hội nghị lần này nhằm giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh nhằm thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Cung cấp cho các nhà đầu tư các danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Kiên Giang…
Cùng với đó, hội nghị tập trung giới thiệu và mời gọi các nhà đầu tư có năng lực hãy đến với Kiên Giang sẽ có nhiều cơ hội tại vùng đất này, bằng những tiềm năng, lợi thế của địa phương hy vọng sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thông qua hội nghị này, tỉnh Kiên Giang muốn mang thông điệp đến với doanh nghiệp trong nước và quốc tế: "Tiềm năng, lợi thế của Kiên Giang là cơ hội đầu tư, phát triển của doanh nghiệp. Kiên Giang sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư thực hiện thành công dự án, phát triển bền vững trong tương lai".
Hội nghị lần này sẽ giới thiệu 118 danh mục dự án lớn ưu tiên mời gọi đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt trên các lĩnh vực như du lịch (14 dự án), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (19 dự án), sản xuất công nghiệp (17 dự án), môi trường (8 dự án), giao thông vận tải (23 dự án), đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp (16 dự án), nhà ở và phát triển đô thị (11 dự án), thương mại (5 dự án), nước nông thôn (3 dự án) cùng với các lĩnh vực về văn hóa thể thao, giáo dục và đào tạo với 2 dự án.
Tập trung phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh nhận định: Kiên Giang là một tỉnh thuộc ĐBSCL với nhiều lợi thế trong sản xuất lúa, đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản, du lịch. Bộ Công Thương đánh giá cao Kiên Giang với tiềm năng và cơ hội đầu tư công nghiệp chế biến nông sản, thủy hải sản để phục vụ xuất khẩu.
Bộ trưởng ghi nhận thành tựu nổi bật của Kiên Giang trong xuất khẩu 6 tháng đầu năm (đạt hơn 275 triệu USD, tăng 1,45% so với cùng kỳ năm 2018 với 2 mặt hàng chủ lực là gạo với hải sản). Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, khi nhìn vào thực chất những con số này và cơ cấu mặt hàng xuất khẩu thì mức tăng trưởng vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của tỉnh, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đã hội nhập ngày càng sâu rộng sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực và Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) đã được ký kết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị |
Bộ trưởng đề xuất, Kiên Giang cần tập trung khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm nhằm hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, chế tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa nông, thủy sản xuất khẩu. Tỉnh cần rà soát, đánh giá tình hình, tập trung thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm trong chuỗi sản xuất nông thủy sản. Để cùng Kiên Giang và các nhà đầu tư nhìn nhận lợi thế cạnh tranh để tận dụng và phát huy tối đa các nguồn lực nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tăng trưởng giá trị cả về chất và lượng; xác định các giải pháp chiến lược về chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững, thu hút các dự án đầu tư đi vào chiều sâu có tác độn lan tỏa, liên ngành liên vùng.
Kiên Giang được thiên nhiên ưu đãi với các yếu tố điều kiện tự nhiên, phù hợp với phát triển nông nghiệp và phát triển kinh tế biển. Vùng biển Kiên Giang là ngư trường trọng điểm của cả nước với hoạt động khai thác hải sản là thế mạnh cùng sự góp sức của đội tàu đánh bắt và dịch vụ hậu cần nghề cá gần 11.000 chiếc, sản lượng khai thác thủy sản các loại trên 800.000 tấn/năm.
Tỉnh cần nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi phù hợp sản phẩm xuất khẩu của địa phương để tăng cường thu hút đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm. Xây dựng chính sách đột phá tạo lập môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng yêu cầu Kiên Giang cần tập trung phát triển đội ngũ nhân lực có tay nghề cao và trình độ quản lý lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu phát triển, đầu tư đẩy mạnh sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại hỗ trợ cho ngư dân, người lao động, áp dụng thành tựu CMCN 4.0 vào quá trình khai thác, chế biến xuất khẩu nông thủy sản. Đồng thời có chính sách định hướng dịch chuyển lao động, chính sách xã hội ưu đãi cho lao động nông nghiệp và công nghiệp trên địa bàn.
Kiên Giang tập trung phát triển đội ngũ các DN thương mại đầu tàu, có sức lan tỏa gắn nhiệm vụ kết nối sản xuất với thị trường, sản phẩm với người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh hoạt động phân phối người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Để tiếp sức cho đội ngũ DN, Bộ trưởng cho rằng: Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thống thoáng, cởi mở, thu hút đầu tư, tạo niềm tin cho cộng đồng DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Kiên Giang có cả sân bay nội địa và sân bay quốc tế, kết nối với nhiều thành phố trên cả nước và quốc tế. Do đó tỉnh cần thu hút đầu tư hình thành phát triển trung tâm logistics hàng hóa để phục vụ bảo quản, trung chuyển hàng hóa nống, thủy sản xuất khẩu chuyên nghiệp, đạt hiệu quả kinh tế” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn của báo chí bên lề hội nghị |
Theo Bộ trưởng, các ngành chức năng của Kiên Giang phải nắm sát tình hình hoạt động của các DN chế biến xuất khẩu những mặt hàng chủ lực trên địa bàn, kịp thời giản quyết, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về vốn lưu động, nguồn nguyên liệu, công nhân lao động, đầu tư công nghệ, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Bên cạnh đó tỉnh cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường mới, củng cố thị trường truyền thống nhát là sau khi Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã ký kết, tận dụng cơ hội đó, tạo ra cú hích cho lĩnh vực xuất khẩu.
Trong thời gian tới, Kiên Giang cần tập trung phát triển xuất khẩu, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông sản, hải sản xuất khẩu đạt tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu. Để đạt được chất lượng sản phẩm, được thị trường thế giới đón nhận, Bộ trưởng yêu cầu các DN cần chủ động, nâng cao chất lượng về nguồn nguyên liệu sản xuất, áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản hàng hóa hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng đội ngũ công nhân chế biến có tay nghề cao…
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ tỉnh Kiên Giang lựa chọn và xây dựng phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông, hải sản có thế mạnh, đặc biệt các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam.
Theo Bộ trưởng dòng vốn đầu tư trên thế giới đang tăng và có xu hướng chuyển dịch về những nơi có môi trường đầu tư hấp dẫn, cạnh tranh và ổn định, có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường, có cộng đồng DN mạnh để hợp tác bổ trợ lẫn nhau.
“Với vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên được thiên nhiên ưu đãi, hạ tầng cơ sở cùng với sự quan tâm tạo điều kiện của Chính phủ và các Bộ ngành và nỗ lực của lãnh đạo, cộng đồng DN của tỉnh. Kiên Giang sẽ là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế; hoạt động xuất khẩu của tỉnh sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp nhiều hơn nữa vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cần có chiến lược phát triển
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kinh tế - xã hội của Kiên Giang phát triển toàn diện, cả về tăng trưởng kinh tế, sản xuất lương thực với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến. Tỉnh có sự phát triển đột phá với hai trung tâm lớn là Phú Quốc và Rạch Giá. Phú Quốc là một trong 19 điểm bình chọn tốt nhất châu Á. Đảo ngọc này không chỉ tỏa sáng trên vịnh biển Thái Lan mà có sức hấp dẫn độc đáo thu hút nhiều du khách và các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Các nhà đầu tư ký kết dự án đầu tư vào tỉnh Kiên Giang |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng chứng kiến quy mô đầu tư vào Kiên Giang lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, bên cạnh các nhà đầu tư lớn cũng đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư mới tại tỉnh trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến, du lịch… Không chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài mà có rất nhiều nhà đầu tư trong nước và ngay tại tỉnh Kiên Giang cũng có hoạt động đầu tư lần này. Thủ tướng cũng chỉ rõ một điểm mới mang tính phát hiện là không chỉ tập trung vào Phú Quốc mà rất nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư tại hội nghị lần này tìm đến với Hà Tiên, Rạch Giá, coi đây là địa bàn đầu tư tiềm năng.
Thủ tướng cho rằng, với các tiềm năng sẵn có nêu trên, nền kinh tế Kiên Giang có thể phát triển dựa trên 3 trụ cột, gồm nông nghiệp chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu; thủy sản sạch gắn với ngành công nghiệp chế biến được định vị ở phân khúc cấp cao; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Kinh tế biển sẽ giữ vai trò động lực tăng trưởng chính cùng với kinh tế cửa khẩu và sự phát triển bứt phá của Phú Quốc.
Về tầm nhìn cho Kiên Giang, Thủ tướng nêu rõ, tỉnh cần trở thành một trong những tỉnh Tây Nam Bộ năng động, đổi mới và giàu có của cả nước dựa trên những lợi thế so sánh tự nhiên, nền kinh tế hướng biển, phát huy tốt nhất mọi tinh hoa của miền đất có nguồn tài nguyên nông nghiệp đặc sắc, một không gian trải nghiệm du lịch nhiệt đới độc đáo đẳng cấp quốc tế hướng tới phát triển du lịch bền vững và bao trùm.
Thủ tướng cho rằng, Kiên Giang cần phải tăng tốc thứ hạng môi trường kinh doanh. Cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh khi mà đây là năm thứ 5 liên tiếp PCI của Kiên Giang tụt thứ hạng.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc xuất khẩu của Kiên Giang có nhiều lợi thế chủ yếu là nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch… do đó phải nắm lấy thời cơ này nếu không sẽ thụt lùi về kinh tế. Thủ tướng cho rằng, sắp tới Kiên Giang phải tổ chức thảo luận những chuyên đề triển khai các hiệp đinh thương mại tự do mà Việt Nam là nước thành viên, Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn thương hiệu cho các DN từ khâu bào bì, chất lượng, sản lượng…
Trong Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang diễn sáng 29/7/2019, tại TP. Rạch Giá, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hãng hàng không thế hệ mới Vietjet đã ủng hộ lời kêu gọi đầu tư của tỉnh Kiên Giang bằng việc công bố kế hoạch khai thác 6 đường bay đi và đến Phú Quốc - điểm đến du lịch, đầu tư đang ngày càng hấp dẫn của Việt Nam. |
Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương Kiên Giang trước hết nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khơi dậy tính sáng tạo. Hơn nữa Lãnh đạo địa phương xem đây là yếu tố quyết định thành công. Kiên Giang cần thường xuyên rà soát đánh giá môi trường kinh doanh đối thoại DN ở nhiều cấp khác nhau.
"Nếu Kiên Giang phát triển tốt theo con đường kinh doanh sẽ thu hút được DN tốt, người giỏi đến kinh doanh làm việc. Nếu Kiên Giang cải thiện môi trường sống chất lượng dịch vụ công tốt sẽ thu hút người giàu đến ở” Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng Kiên Giang cần có chiến lược, bước đi để trả lời câu hỏi, doanh nghiệp của tỉnh Kiên Giang, các nhà đầu tư vào Kiên Giang và người dân Kiên Giang phải làm gì để Kiên Giang hội nhập sâu rộng với các FTA mà Việt Nam là thành viên. Muốn vậy, các cấp chính quyền phải thực sự cầu thị, đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tiếp tục tháo gỡ thể chế ở một số lĩnh vực còn chồng chéo, tiếp tục chỉ đạo thực hiện thành công Chính phủ điện tử, nền kinh tế số ở Việt Nam, tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư. Chính phủ luôn xem các nút thắt mà địa phương, trong đó có Kiên Giang cũng là trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành.